ThienNhien.Net – Hai công ty của Trung Quốc đã thông báo kế hoạch xây dựng một nhà máy điện Mặt trời ngay lại vùng cấm quanh Chernobyl.
Ngày 26/4/1986, một lò phản ứng tại nhà máy hạt nhân ở Chernobyl, Ukraine (khi đó thuộc Liên Xô) phát nổ. Đám mây bụi phóng xạ đã “chu du” khắp châu Âu và khiến hơn 100.000 người sống ở khu vực biên giới Ukraine và Belerus phải tha hương.
Tổ chức Y tế Thế giới năm 2005 ước tính rằng có 4.000 người có khả năng tử vong do mắc các bệnh liên quan tới phóng xạ từ Chernobyl. Sau khi thảm họa hạt nhân Chernobyl xảy ra, một khu vực cấm rộng hơn 4.000 km vuông đã được thiết lập.
Tuy nhiên, sau hơn 30 năm, công ty năng lượng sạch GCL của Trung Quốc lại ấp ủ tham vọng tái thiết khu vực cấm này bằng việc xây dựng nhà máy năng lượng Mặt trời.
Công ty GCL thông báo họ sẽ bắt tay với Tổng công ty Kỹ thuật toàn diện quốc gia Trung Quốc (CCEC) để xây dựng công trình dự kiến khởi công vào năm 2017.
Trước đó, chính phủ Ukraine đã từng bày tỏ nguyện vọng “hồi sinh” lại vùng cấm quanh Chernobyl. Tháng 10 vừa qua, Bộ Tài nguyên và Môi trường Ukraine cũng thông báo về dự án xây dựng nhà máy năng lượng Mặt trời không xa lò phản ứng hạt nhân đã bị bỏ hoang.
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Ukraine, ông Ostap Semerak phân tích: “Đó là vùng đất không quá đắt đỏ, nhiều ánh nắng và hội tụ đủ nền tảng cho dự án này. Thêm vào đó, những cơ sở truyền điện có sẵn tại đó vẫn có thể tái sử dụng”.
Tổng kinh phí đầu tư và vị trí chính xác của nhà máy năng lượng Mặt trời tương lai chưa được công bố, tuy nhiên một quản lý của GCL tiết lộ với hãng tin Reuters rằng các nhà chức trách Ukraine cũng như nhân viên kỹ thuật của công ty Trung Quốc này đã khảo sát nghiêm túc để tìm địa điểm.