ThienNhien.Net – Trao đổi với phóng viên Báo Hải quan, ông Vương Tiến Mạnh, Phó Giám đốc Cơ quan quản lý CITES Việt Nam (Bộ NN&PTNT) cho rằng: Hiện hoạt động buôn bán động, thực vật hoang dã vẫn khá phức tạp, chưa có dấu hiệu thuyên giảm. Muốn nâng cao hiệu quả phòng chống, cần sự vào cuộc đồng bộ, quyết liệt hơn từ phía các bộ, ngành liên quan.
Ông đánh giá thế nào về tình hình buôn bán và trung chuyển động, thực vật hoang dã qua Việt Nam hiện nay?
Những năm gần đây, tình hình buôn bán động, thực vật hoang dã có nguồn gốc từ nước ngoài qua Việt Nam rất phức tạp. Đặc biệt là gần đây, Việt Nam đã bắt giữ nhiều vụ vận chuyển, trung chuyển mẫu vật ngà voi, sừng tê giác, mẫu vật tê tê… Thủ đoạn của các đối tượng ngày một tinh vi khi việc buôn bán không chỉ diễn ra trên đường biển, đường hàng không mà còn cả ở lĩnh vực đường bộ. Số liệu bắt giữ của các cơ quan cho thấy, việc buôn bán này chưa có dấu hiệu giảm mà một số mẫu vật còn theo chiều hướng gia tăng, đặc biệt là vẩy tê tê châu Phi.
Mặc dù có nhiều nỗ lực, song công tác chống buôn bán động, thực vật hoang dã chưa đạt được kết quả như mong muốn. Xin ông cho biết, đâu là những khó khăn?
Tôi cho rằng, khó khăn trước hết là Việt Nam nằm trong tuyến đường, vị trí địa lý rất quan trọng trong trung chuyển hàng hóa quốc tế, trong đó có mẫu vật động, thực vật hoang dã. Những năm gần đây, nhu cầu sản phẩm động, thực vật hoang dã của thị trường châu Á bùng nổ lại càng tạo áp lực gia tăng đến nguồn cung và trung chuyển qua Việt Nam.
Bên cạnh đó, dù cơ chế chính sách pháp luật liên quan tới vấn đề này đã được hoàn thiện nhưng vẫn tồn tại sự chồng chéo. Năng lực thực thi pháp luật của một số cơ quan cũng còn hạn chế, nhất là khâu nhận diện mẫu vật trong buôn bán.
Trong hợp tác quốc tế, dù có cơ chế phối hợp nhưng mỗi nước lại có luật riêng, chưa hình thành Hiệp định tương trợ tư pháp lẫn nhau, dẫn tới việc chia sẻ thông tin bị hạn chế cũng là một trong những yếu tố khiến công tác chống buôn bán động, thực vật hoang dã gặp khó khăn.
Theo ông, thời gian qua, các cơ quan chức năng liên quan đã thể hiện tốt vai trò của mình trong “cuộc chiến” chống buôn bán động, thực vật hoang dã chưa?
Để tăng cường kiểm soát buôn bán trái phép động, thực vật hoang dã, Bộ NN&PTNT đã thành lập Ban chỉ đạo liên ngành kiểm soát buôn bán động, thực vật hoang dã, có sự tham gia của các lực lượng như: Hải quan, Quản lý thị tường, Bộ đội Biên phòng…
Trong những năm gần đây, các cơ quan thực thi pháp luật như Hải quan hay Cảnh sát môi trường đã tích cực trong điều tra, bắt giữ các vụ việc buôn bán trái phép động, thực vật hoang dã. Cụ thể, chỉ tính từ đầu năm 2016 đến nay, lực lượng Hải quan cùng Cảnh sát môi trường đã bắt giữ trên 4 tấn ngà voi, hàng chục kg sừng tê giác, hàng tấn vảy tê tê và nhiều mẫu vật động, thực vật hoang dã khác…
Kết quả này chứng tỏ sự quyết tâm và năng lực của các đơn vị liên quan trong công tác phối hợp nhằm chống buôn bán động, thực vật hoang dã. Tuy nhiên, hiện tại cơ sở pháp lý vẫn còn một số hạn chế nên Việt Nam chưa thực sự hài hòa với thế giới trong vấn đề này, cần có lộ trình để sửa đổi phù hợp. Ngoài ra, các lực lượng chức năng cũng cần tiếp tục nâng cao năng lực thực thi và cần được trang bị thêm các phương tiện kỹ thuật để phục vụ công tác tốt hơn.
Hội nghị Hà Nội về chống buôn bán trái pháp luật các loài động vật, thực vật hoang dã tuần rồi đã ra Tuyên bố Hà Nội, với những cam kết mạnh mẽ trong vấn đề chống buôn bán động, thực vật hoang dã. Tuyên bố này sẽ tác động như thế nào tới “cuộc chiến” chống buôn bán động, thực vật hoang dã ở Việt Nam thời gian tới, thưa ông?
Việc Việt Nam tích cực tham gia Tuyên bố Hà Nội về chống buôn bán động, thực vật hoang dã thể hiện sự quan tâm cao của Chính phủ cũng như các bộ, ngành.
Sau Tuyên bố Hà Nội, các nước tham gia sẽ đưa ra tuyên bố hành động của mình, Việt Nam cũng vậy. Tuy nhiên, điều quan trọng là trên cơ sở tuyên bố chung của Việt Nam, các bộ, ngành liên quan phải tích cực phối hợp đồng bộ với nhau, đưa ra những hành động, với mốc thời gian cụ thể nhằm biến các nội dung trong tuyên bố thành các hành động trong thực tế, đặc biệt là trong vấn đề hoàn thiện cơ chế chính sách, tăng cường điều phối chia sẻ thông tin giữa các bên, tiếp tục tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân về sản phẩm động, thực vật hoang dã…
Ngoài ra, trong quá trình huy động nguồn lực để thực hiện các nội dung trong tuyên bố chung, các bộ, ngành cũng cần chú ý không chỉ huy động nguồn lực của Nhà nước mà còn từ khu vực tư nhân, các tổ chức xã hội nghề nghiệp… Làm được những điều này, tin rằng Tuyên bố Hà Nội sẽ được thực hiện suôn sẻ, tạo những chuyển biến tích cực trong công tác chống buôn bán động, thực vật hoang dã.
Xin cảm ơn ông!