ThienNhien.Net – Việc thành lập các khu công nghiệp và chế xuất (KCN) nhằm giảm những vấn đề môi trường song thực tế cho thấy, tại các KCN ở Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng, do hạ tầng kỹ thuật thiếu đồng bộ và công tác quản lý còn hạn chế, tình trạng ô nhiễm môi trường đã trở thành vấn đề bức xúc.
Diễn biến phức tạp
Theo Ban quản lý (BQL) các khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội, 5 năm trở lại đây, hoạt động bảo vệ môi trường tại các KCN trên địa bàn thành phố đã có những chuyển biến quan trọng, tích cực. Cụ thể, 9 KCN đang hoạt động đều đã có nhà máy xử lý nước thải tập trung và đi vào vận hành ổn định. Hầu hết các doanh nghiệp trong KCN đã hoàn thiện việc đấu nối nước thải vào hệ thống thu gom, xử lý nước thải tập trung của KCN, không còn hiện tượng xả trực tiếp ra môi trường. Việc quản lý chất thải nguy hại dần đi vào nền nếp, đúng các quy định hiện hành…
Tuy nhiên, ông Trần Anh Tuấn, Phó trưởng BQL các khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội cho biết, do phần lớn các KCN phát triển sản xuất mang tính đa ngành, đa lĩnh vực, có tính phức tạp về môi trường nên yêu cầu đối với công tác xây dựng, thẩm định Báo cáo đánh giá tác động môi trường và giám sát môi trường các cơ sở sản xuất còn nhiều khó khăn.
Tại các KCN, chất lượng nước thải sau xử lý vẫn chưa đạt được sự ổn định cần thiết; còn hiện tượng vượt tiêu chuẩn kỹ thuật cho phép trước khi xả ra môi trường. Nguồn thải từ KCN rất lớn, trong khi đó công tác quản lý và xử lý chất thải còn nhiều hạn chế. Công tác giám sát hoạt động của các công trình xử lý nước thải tập trung không cao do việc chưa lắp đặt và vận hành hệ thống quan trắc tự động. Hệ thống xử lý khí thải tại các cơ sở sản xuất trong KCN còn hạn chế, sơ sài, có nơi chỉ mang tính chất đối phó. Một số doanh nghiệp chưa thực hiện nghiêm túc, thường xuyên công tác phân loại chất thải rắn. Có hiện tượng chất thải công nghiệp đổ lẫn với rác thải sinh hoạt, đôi khi cả chất thải nguy hại chưa được thu gom, phân loại, vận chuyển và xử lý đúng quy định.
Thanh tra, kiểm tra chưa hiệu quả
Hiện nay, công tác quản lý môi trường trong các KCN còn bộc lộ nhiều bất cập. Các quy định về bảo vệ môi trường thường xuyên thay đổi khiến các doanh nghiệp lúng túng trong thực hiện.
“Với doanh nghiệp nước ngoài, họ có nguồn lực và ý thức trách nhiệm về bảo vệ môi trường, tuy nhiên do các văn bản pháp luật của Nhà nước thường xuyên thay đổi dẫn đến việc cập nhật, nắm bắt thông tin còn hạn chế. Cùng đó, do năng lực, nhận thức của cán bộ được giao phụ trách công tác bảo vệ môi trường còn yếu chưa tư vấn được hết cho doanh nghiệp hoàn thiện hồ sơ, thủ tục cũng như thực hiện đầy đủ các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường khiến cho doanh nghiệp vẫn mắc phải những vi phạm”, ông Trần Anh Tuấn phân tích.
Bên cạnh đó, theo ông Trần Anh Tuấn, vấn đề về thanh tra, kiểm tra công tác bảo vệ môi trường trong các KCN là vấn đề gây bức xúc nhất cho doanh nghiệp khi có quá nhiều cơ quan đơn vị thực hiện. Các doanh nghiệp trong KCN phải chịu sự thanh tra, kiểm tra của quá nhiều cơ quan, trong khi việc phối hợp giữa các cơ quan này còn chưa chặt chẽ, vẫn còn tình trạng mạnh đơn vị nào đơn vị đó làm gây khó khăn, phiền hà cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Trong khi việc đôn đốc các doanh nghiệp có vi phạm khắc phục lỗi và thực hiện nội dung theo yêu cầu kết luận thanh tra, kiểm tra lại chưa được quan tâm đúng mức.
Vì vậy, đại diện BQL các khu công nghiệp và chế xuất cho rằng, công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát cần nâng cao việc hướng dẫn, khắc phục những tồn tại, cùng với đó là xử lý nghiêm minh theo đúng quy định của pháp luật những vi phạm tái diễn, kéo dài. Bên cạnh đó, các bộ, ngành và UBND TP cần đưa các tiêu chí lựa chọn, ưu tiên các loại hình sản xuất thân thiện với môi trường, không có yếu tố gây ô nhiễm nặng, có biện pháp xử lý chất thải rắn, lỏng, khí… bảo đảm tiêu chuẩn cho phép và bố trí đúng vị trí quy hoạch thích hợp cho từng khu; thực hiện quy hoạch quản lý và đầu tư xử lý chất thải rắn và chất thải rắn nguy hại hiệu quả để tránh hiện tượng thu gom và xử lý chung với rác thải đô thị (đối với chất thải rắn thông thường) hay giao cho đơn vị tư nhân xử lý (đối với chất thải rắn nguy hại).
Xử lý chất thải bằng công nghệ hiện đại
Hiện nay, công nghệ xử lý chất thải áp dụng tại các khu xử lý chất thải trên địa bàn Hà Nội chủ yếu là chôn lấp chất thải hợp vệ sinh (chiếm 85-90%) do công nghệ đơn giản, chi phí đầu tư và vận hành thấp, thời gian xây dựng nhanh… Tuy nhiên, việc xử lý chất thải theo phương pháp chôn lấp có xu hướng giảm dần do chiếm nhiều quỹ đất; dễ gây nguy cơ ô nhiễm thứ cấp; khó khăn trong việc tìm kiếm, xây dựng bãi chôn lấp mới. Vì vậy, việc ứng dụng các công nghệ hiện đại trong công tác xử lý chất thải rắn là một giải pháp quan trọng. Điển hình, Công ty đã đầu tư, xây dựng hệ thống xử lý chất thải công nghiệp phát điện Nedo theo công nghệ đốt chất thải phát điện hiện đại của Tập đoàn Hitachi Zonsen – Nhật Bản; đầu tư tiếp nhận hệ thống hấp chất thải y tế lây nhiễm hiện đại do UNDP Việt Nam tài trợ; giảm thiểu xử lý chất thải y tế bằng phương pháp đốt gây phát sinh Dioxin và Furan ra môi trường. Bên cạnh đó, Công ty đang hợp tác nghiên cứu, xây dựng báo cáo tiền khả thi các dự án xử lý chất thải bằng công nghệ hiện đại với các tập đoàn lớn trên thế giới như Flag – Pesco (Mỹ); Dongin – Hàn Quốc; Kubota – Nhật Bản… |