ThienNhien.Net – Những năm gần đây, nhiều hộ dân tại xã Đại Hưng và xã Đại Thạnh (H. Đại Lộc, Quảng Nam) luôn sống trong cảnh bất an bởi tình trạng lở núi và sạt lở ven sông ngày càng diễn ra nghiêm trọng. Mặc dù địa phương đã nhiều lần tìm hướng khắc phục nhưng vẫn chưa có biện pháp hữu hiệu để giúp người dân được an cư.
Sống dưới chân núi lở
Hiện nay, phần đông nhà ở của các hộ dân tại làng Chấn Sơn (xã Đại Hưng) đều nằm sát chân núi nên người dân ở đây luôn thấp thỏm trước tình trạng núi lở ngày càng nghiêm trọng, nhất là vào mùa mưa. Theo lý giải của người dân, tình trạng sạt lở là do nạn phá rừng làm nương rẫy khiến bề mặt đồi núi bị trọc và xói lở.
Gia đình chị Mai Thị Nhân (40 tuổi, trú làng Chấn Sơn) là một trong những hộ bị ảnh hưởng nặng nhất bởi tình trạng lở núi gây ra. Căn nhà cấp 4 nằm ngay sát chân núi Chấn Sơn nhiều năm qua cả gia đình chị phải “treo” mạng sống của mình trước tình trạng lở núi. “Sạt lở kinh lắm, nhiều khối đất to đổ ập xuống làm căn nhà rung chuyển. Nhiều đêm đang ngủ, đột nhiên đất đá, cây cối cứ ập xuống làm cả nhà hoảng hốt phải thức trắng đêm để canh chừng”, chị Nhân cho biết. Cũng như chị Nhân nhiều hộ dân sống dưới chân núi đều thấp thỏm lo sợ mỗi khi có mưa. “Tình trạng này diễn ra từ năm 2009, những năm qua vừa sống vừa canh chừng sạt lở khiến nhiều hộ dân không thể yên tâm sản xuất. Nhà cửa, mạng sống bị đoe dọa nhưng các hộ đều “sống liều” chứ không thể làm gì khác được”, ông Trần Văn Lạc (làng Chấn Sơn) lo lắng.
Trước tình trạng đó, UBND xã Đại Hưng cũng đã có chủ trương di dời các hộ về khu tái định cư An Điềm để ổn định cuộc sống. Tuy nhiên, việc di dời vẫn còn nhiều bất cập khiến các hộ dân chưa đồng ý. “Chủ trương của xã là di dời các hộ về nơi an toàn để ổn định cuộc sống, an tâm sản xuất. Thế nhưng, về An Điềm mỗi hộ chỉ được hỗ trợ 20 triệu đồng thì không đủ để xây nhà mới. Nhà cũ bây giờ đã mục nát gỡ xuống thì không thể dựng lại được. Hơn nữa, tất cả đất đai đều ở đây, người dân đã quen với việc bám đất, bám làng nên về trên đó sẽ rất khó khăn…”, ông Nguyễn Thanh (làng Chấn Sơn) phân trần. Từ thực tế trên, người dân đã kiến nghị xã cho họ di dời đến khu tái định cư Gò Hiu, nơi này gần đất sản xuất hơn nhưng theo chính quyền xã Đại Hưng đây là khu vực thuộc địa phận xã Đại Lãnh nên việc cho các hộ dân về đấy là không thể.
“Hà bá” đe dọa
Nếu như người dân làng Chấn Sơn lo “núi đè” thì các hộ dân sống ven sông Thu Bồn, đoạn qua xã Đại Thạnh (H. Đại Lộc) lại lo “nước cuốn”. Nhiều năm qua, những hộ dân tại khu vực này đối mặt với tình trạng sạt lở bờ sông khá nghiêm trọng, đe dọa trực tiếp đến cuộc sống. Thôn Hanh Tây là địa phương có nhiều nhà đứng trước nguy cơ bị “xóa sổ” bởi tình trạng sạt lở khi có tới 7 hộ đối diện trực tiếp với nguy cơ bị “Hà bá” kéo xuống sông và 15 hộ nằm trong vùng có nguy cơ cao. Bà Trần Thị Bảy, lo lắng: “Sạt lở mỗi ngày mỗi nặng, hàng tre trước nhà trước đây um tùm mà giờ đã đổ sụp xuống sông. Chỉ còn hơn 2m nữa là mép sông vào đến nhà nhưng không thể làm gì để ngăn cản được. Những lúc mưa nước dâng lên là lại dọn dẹp đồ đạc để gửi nơi khác chứ không dám để trong nhà”.
Bà Nguyễn Thị Minh Nam, Chủ tịch UBND xã Đại Thạnh, cho hay: từ năm 2010-2016, có đến 4ha đất ven sông bị mất, hàng trăm hộ có đất ở bị đe dọa mà đa số là các hộ có nhà cửa chưa kiên cố. “Sạt lở do ảnh hưởng thiên nhiên thì không nói nhưng hiện tại lại xuất hiện nhiều “sa tặc” với hàng chục ghe tổ chức hút trộm cát trên sông đang là vấn đề nhức nhối của xã. Tuy đã nhiều lần truy đuổi nhưng vẫn chưa thể giải quyết triệt để tình trạng này. Nhiều lần bắt được, lập biên bản xử lý rồi các ghe lại tiếp tục vi phạm. Vấn đề này xã cần sự vào cuộc của các cơ quan chức năng để kịp thời ngăn chặn hành động tinh vi của “sa tặc” chứ lực lượng xã còn khá mỏng. Hiện nay, xã cũng đã gửi đề xuất lên huyện, tỉnh để có phương án xây bờ kè ven sông và trong thời gian tới sẽ triển khai xây dựng sớm nhằm giữ nhà, giữ làng để người dân an tâm sản xuất”, bà Nam nói.