ThienNhien.Net – Ô nhiễm môi trường từ thành thị tới nông thôn đang ngày càng báo động, ảnh hưởng trầm trọng, đe doạ trực tiếp đến sức khỏe của người dân cũng như sự phát triển kinh tế – xã hội. Thời gian qua, MTTQ các cấp đã rất nỗ lực cùng với chính quyền, các cơ quan chức năng vào cuộc giải quyết vấn đề này. Đặc biệt là xây dựng các mô hình điểm bảo vệ môi trường với hiệu quả được nâng lên rõ rệt.
“Chúng tôi sốt ruột lắm!”
Ở Nam Định, Thượng tọa Thích Quảng Hà, Phó Ban thường trực Ban trị sự Phật giáo tỉnh, đại biểu HĐND tỉnh được nhiều người biết đến qua nhiều hoạt động Phật sự và hoạt động xã hội.
Có dịp trò chuyện và nhiều lần chứng kiến nhà tu hành xuất gia “đăng đàn”, chúng tôi cảm nhận ở Thượng tọa nhiều điều “lạ”. Lạ từ dáng vẻ, tác phong nhanh nhẹn, hoạt bát đến sự thẳng thắn, quyết liệt trong ngôn từ-điều ít thấy ở những nhà tu hành. Nhưng, ẩn trong sự thẳng thắn, quyết liệt ấy là đầy ắp tinh thần nhập thế, đau đáu những nỗi niềm nhân sinh…
Như ở nhiều diễn đàn khác, mới đây, tại lễ ký kết thực hiện chương trình phối hợp bảo vệ môi trường và ứng phó biến đổi khí hậu giữa UB MTTQ tỉnh Nam Định, Sở TN-MT tỉnh và các tổ chức tôn giáo trên địa bàn (do MTTQ tỉnh chủ trì tổ chức), thêm một lần nữa Thượng tọa Thích Quảng Hà cho thấy tinh thần nhập thế của mình khi bày tỏ nhiều băn khoăn, lo lắng về thực trạng cũng như hậu quả của ô nhiễm môi trường hiện nay.
“Chúng tôi sốt ruột lắm! Mỗi ngày cả nước có gần 30 người chết vì tai nạn giao thông thì xôn xao cả thế giới. Nhưng mỗi ngày có tới hơn 200 người chết vì bệnh ung thư như Bộ Y tế vừa công bố thì lại rất âm thầm”, Thượng tọa lo lắng.
Lấy ví dụ ở ngay KCN Hòa Xá (TP Nam Định)-nơi chùa Phúc Trọng do Thượng tọa trụ trì nằm liền kề, ông cho biết lâu nay ngã tư đường Phùng Khắc Khoan giao với đường bao quanh KCN (nằm ngay sau chùa) trở thành nơi đổ trộm rác thải từ các cơ sở sản xuất đang hoạt động tại đây. Rác chất thành đống, lưu cữu. Khi họ đốt, bao nhiêu mùi khói, mùi khét chùa phải hứng cả.
Cũng liên quan đến môi trường, cảnh quan của KCN Hòa Xá, Thượng tọa cho hay: “Hằng ngày chúng tôi đi qua đi lại đây thấy rất khổ sở. Đường đi lối lại đất cát chất thành đống, khói bụi mù mịt. Có lần họp HĐND tỉnh tôi đã mang việc này ra chất vấn. Tôi chất vấn vào buổi sáng, buổi chiều về thấy đất cát đã được chở đi hết. Thấy vậy tôi mừng quá! Nhưng mà khi Hội đồng tỉnh họp xong thì đâu lại vào đấy!”.
Liên quan đến việc KCN Hòa Xá xả nước thải chưa qua xử lý ra môi trường, Thượng tọa nêu vấn đề: “Cái nhà máy nhuộm ở Mai Xá ấy, cứ trời mưa là nó xả ào ra, nước đen hơn cả mực, hôi thối không thể tả. Ai cũng biết KCN có Trạm thu gom, xử lý nước thải. Nhưng vấn đề là nó có hoạt động không?
Không chỉ mạnh dạn phê bình các cơ quan quản lý, việc nhiều người dân thiếu ý thức trong việc bảo vệ môi trường, nhiều cán bộ cơ sở thiếu sâu sát việc này cũng được ông chỉ rõ: “Ai đời mỗi khi trong nhà có người nằm xuống, những thứ liên quan đến người chết như giường chiếu, chăn đệm… con cháu cứ mang quẳng đầy ra vệ đường, vệ sông.
Cũng tại diễn đàn này, khi đề cập đến vai trò, trách nhiệm của các tôn giáo trong việc tham gia bảo vệ môi trường, Thượng tọa Thích Quảng Hà cho rằng: “Không phải bây giờ mà từ rất lâu rồi các tôn giáo, trong đó có Phật giáo đã rất có ý thức bảo vệ môi trường. Cả cuộc đời đức Phật sống ở rừng, gần gũi với thiên nhiên nên môi trường quan trọng như thế nào với cuộc sống đức Phật đã dạy chúng tôi từ chính cuộc đời của ngài rồi. Chúng tôi luôn luôn sát cánh cùng Mặt trận, ngành TN-MT để bảo vệ sức khỏe của người dân, bảo vệ tài nguyên, thiên nhiên của đất nước. Ai cũng có thể thấy rõ là đến ngôi chùa nào, đến nhà thờ nào cũng có khí mát vì có nhiều cây xanh, vệ sinh sạch sẽ”.
“Buổi lễ nào chúng tôi cũng giảng giải về tầm quan trọng của môi trường với cuộc sống, thấy rất hiệu quả! Tôi ví dụ, mới đây Hội Phật giáo tỉnh Nam Định tổ chức đại lễ cầu siêu cho các nạn nhân tai nạn giao thông, kéo dài 3 ngày, có ngày có đến 7.000 người tham dự. Vậy mà khi buổi lễ kết thúc, mọi người đứng dậy nhưng dưới sân không hề có rác thải bừa bãi như thường thấy.
Hay mới đây thôi, tại đại hội Hội Phật giáo huyện Vụ Bản tôi đã nói rất nhiều về vấn đề môi trường, phát động tín đồ bằng mọi giá phải bảo vệ cho được môi trường sống, nhất là trong xây dựng nông thôn mới. Tôi nói với các tăng ni, phật tử rằng nông thôn mới mà không bảo vệ được, để môi trường ô nhiễm, xảy ra bệnh tật thì xây dựng nông thôn mới để làm gì?”, Thượng tọa chia sẻ. Sự vào cuộc của MTTQ và các tổ chức thành viên đã góp phần nhiều vào việc nâng cao ý thức trách nhiệm của mỗi cá nhân, mỗi gia đình và của cả cộng đồng trong việc tham gia bảo vệ môi trường – Đó là những tín hiệu đáng mừng.
Những mô hình điểm
Cũng từ năm 2006 đến nay, Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam đã chỉ đạo trển khai xây dựng các mô hình điểm Khu dân cư bảo vệ môi trường với phương thức: Ở mỗi tỉnh, thành phố, tùy theo đặc điểm của các loại hình khu dân cư vùng thành thị, nông thôn, miền núi có đông đồng bào dân tộc thiểu số, vùng biển, vùng có đông đồng bào tín đồ các tôn giáo để lựa chọn 2 khu dân cư xây dựng mô hình điểm bảo vệ môi trường, sau này nhân rộng tại các địa phương và trong cả nước.
Đến nay, 63/63 tỉnh, thành phố trong cả nước đã xây dựng các mô hình điểm và nhân rộng với các loại hình, tên gọi cụ thể: “Khu dân cư tự quản bảo vệ môi trường” và “Khu dân cư thực hiện hài hoà xoá đói giảm nghèo và bảo vệ môi trường”…
Từ mô hình, đã có nhiều phong trào, nhiều cuộc vận động đa dạng, thiết thực về bảo vệ môi trường được hình thành ở các địa bàn dân cư. Các hoạt động thông tin, tuyên truyền về nội dung bảo vệ môi trường được duy trì thường xuyên, có tác dụng tích cực, tạo thành phong trào trên địa bàn, giúp người dân xây dựng “thói quen tốt” về bảo vệ môi trường.
Điển hình như tại xã Tiên Kiên (huyện Lâm Thao – Phú Thọ) để mô hình điểm tự quản bảo vệ môi trường triển khai hiệu quả, MTTQ xã đã tập trung vào công tác tuyên truyền vận động để thay đổi nhận thức của người dân.
Các Ban công tác Mặt trận thường xuyên đến các gia đình tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện tốt công tác bảo vệ môi trường với phong trào “5 không 3 sạch”, vận động các hộ gia đình chủ động phân loại, thu gom rác thải, xử lý chất thải, nước thải trong sinh hoạt, chăn nuôi cũng như khắc phục các thói quen sinh hoạt, sản xuất và tiêu dùng ảnh hưởng đến môi trường, sử dụng tiết kiệm năng lượng, hạn chế sử dụng túi nilon.
Các nội dung xây dựng khu dân cư tự quản Bảo vệ môi trường được lồng ghép trong các buổi họp dân, sinh hoạt của các chi hội, đoàn thể nhằm vận động đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân tích cực thực hiện. Hiện đã có 100% các hộ gia đình trong xã tự nguyện ký cam kết bảo vệ môi trường. Việc tự quản bảo vệ môi trường ở Tiên Kiên đã đi vào nền nếp.
Tại Đắc Song, theo ông Hoàng Thế Diêm – Trưởng thôn Thuận Nam, xã Thuận Hạnh, từ năm 2007, thôn đã được Ủy ban MTTQ các cấp chọn để xây dựng mô hình điểm về khu dân cư tự quản bảo vệ môi trường. Nhận thấy lợi ích của mô hình này, cán bộ, nhân dân thôn rất phấn khởi và đồng tình hưởng ứng.
Chi bộ, ban Tự quản và ban Công tác Mặt trận thôn đã thống nhất thành lập Tổ tự quản môi trường gồm 9 người có tinh thần trách nhiệm và uy tín trong vận động nhân dân. Tổ tự quản đã xây dựng quy chế hoạt động và quy chế Bảo vệ môi trường gắn với xóa đói, giảm nghèo, đồng thời, tổ chức họp toàn thể nhân dân trong thôn để đi đến thống nhất thực hiện.
Qua đó, công tác bảo vệ môi trường đã có nhiều chuyển biến tích cực, điển hình như việc người dân ký cam kết bảo vệ môi trường, tích cực quét dọn đường làng, ngõ xóm, thu dọn rác thải tại hộ…Mô hình ngày càng phát huy hiệu quả với những con đường xanh, sạch đẹp. Nhiều hộ dân có nhà vệ sinh đạt chuẩn, chăn nuôi hợp vệ sinh; không để nước thải chảy ra đường làng ngõ xóm;…Mô hình được MTTQ xã Thuận Hạnh coi là điểm sáng cần nhân rộng ra toàn xã và huyện Đắk Song.
Trước đó, những mô hình “Khu dân cư thực hiện hài hòa xóa đói giảm nghèo và bảo vệ môi trường” cũng được xây dựng tại 10 tỉnh gồm: Điện Biên, Cao Bằng, Lạng Sơn, Hà Tĩnh, Đắc Nông, Ninh Bình, Quảng Trị, Quảng Nam, Vĩnh Long, Sóc Trăng… Cùng với đó, các phong trào tình nguyện thường thu hút nhiều người dân tham gia, được mọi người tích cực hưởng ứng, góp phần giải quyết những vấn đề bức xúc hàng ngày về môi trường.
Đề cập đến những điều không hay trong sinh hoạt tín ngưỡng ở nhiều ngôi chùa hiện nay, Thượng tọa Thích Quảng Hà nhìn nhận: “Nhiều người vào chùa lễ Phật nhưng không phân biệt được đúng sai, cứ nghĩ phải có đồng tiền mới được, nhét cả tiền vào tay, tai tượng Phật, rất phản cảm. Việc đốt vàng mã trong chùa cũng thế, không chỉ làm ô nhiễm môi trường, dễ phát sinh cháy nổ mà quan trọng hơn lệ này không có trong đạo Phật. Chúng tôi luôn phản đối những việc làm trên. Đức Phật không bắt chúng sinh phải mang tiền đến cho ngài. Đức Phật chỉ mong chúng sinh thực hành tâm sáng, hướng thiện. Tiền mua vàng mã để đốt nên dành để làm những việc khác hoặc làm từ thiện sẽ hữu ích hơn. |