ThienNhien.Net – Ngày 21-11, tại Hội thảo tham vấn về bộ tiêu chí, phương pháp và mô hình đánh giá nguy cơ đối với các loại gỗ nhập khẩu trong hệ thống do Cục Kiểm lâm tổ chức, với sự tham gia của Hải quan cửa khẩu cảng biển và Kiểm lâm 8 tỉnh, thành phía Nam, các đại biểu đã đánh giá và đưa ra giải pháp quản lý gỗ nhập khẩu theo mô hình quản lý rủi ro.
Ông Đỗ Trọng Kim, Phó Cục trưởng Cục Kiểm lâm Việt Nam cho biết, hiện nay cả nước có 4.800 doanh nghiệp tham gia chuỗi cung ứng gỗ. Hoạt động xuất, nhập khẩu lâm sản diễn ra hàng ngày liên tục. Bình quân mỗi năm kim ngạch nhập khẩu gỗ đạt khoảng 1,5-1,7 tỷ USD, với khoảng 4,5 triệu m3 gỗ, tương đương 20-25% tổng kim ngạch xuất khẩu gỗ và các sản phẩm gỗ của Việt Nam.
Chỉ tính riêng năm 2015, Việt Nam nhập khẩu gỗ với kim ngạch 7,1 tỷ USD, dự kiến năm 2016 sẽ đạt khoảng 7,6 tỷ USD. Đối với gỗ trong nước, khai thác gỗ rừng trồng 14 triệu m3, diện tích rừng trồng ở Việt Nam hiện nay khoảng 3.886.000 ha… đáp ứng cơ bản gỗ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.
Ông Hoàng Liên Sơn, Trung tâm nghiên cứu kinh tế Lâm Nghiệp- Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam cho biết, thống kê cùa Tổng cục Hải quan cho thấy, từ năm 2013-2015, Việt Nam đã nhập khẩu 413 loài gỗ từ 118 nước. Gỗ nhập khẩu gồm 2 loại gỗ tròn và gỗ xẻ.
Theo phân tích của ông Đỗ Trọng Kim, nhìn chung về cơ bản các cơ quan quản lý đã quản lý nguồn gỗ nhập khẩu, xuất khẩu, tuy nhiên vẫn còn tình trạng các đối tượng lợi dụng đưa nguồn gỗ bất hợp pháp vào gia công chế biến, xuất khẩu. Gỗ nhập lậu thường được vận chuyển qua các con đường tiểu ngạch tại biên giới.
Theo thống kê của Cục Kiểm lâm, năm 2014, 2015 và 9 tháng năm 2016, tại 56 tỉnh thành phố, có trên 400 loài gỗ được nhập khẩu vào các tỉnh. Các tỉnh đã phát hiện 516 vụ nhập khẩu gỗ trái phép, với khối lượng gỗ vi phạm trên 1.772 m3. Mặc dù, số vụ vi phạm về nhập khẩu gỗ giảm dần qua các năm, nhưng khối lượng gỗ vi phạm biến động không đều. Trong đó, năm 2015, khối lượng gỗ vi phạm nhiều nhất, với gần 1 triệu m3 gỗ lậu bị phát hiện và thu giữ, gần gấp đôi so với năm 2014, gấp 3 lần số lượng gỗ thu giữ trong 9 tháng năm 2016.
Theo ông Hoàng Liên Sơn, Trung tâm nghiên cứu kinh tế Lâm Nghiệp- Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam, phần lớn các vụ vi phạm và lượng gỗ vi phạm thuộc các loài gỗ đã được định danh, với hồ sơ không hợp pháp. Trong đó, 10 loại gỗ có khối lượng vi phạm nhiều nhất là sồi trắng, lim xanh, căm xe, táu mật, giáng hương quả lớn, gõ đỏ…
Tại hội thảo các đại biểu đã tập trung phân tích và cho ý kiến trong việc định danh tên, loài gỗ nhập khẩu vào Việt Nam; tiêu chí phân loại gỗ; tiêu chí phân loại rủi ro; triển khai quản lý gỗ nhập khẩu sau khi hiệp định VPA/FLEGT có hiệu lực; cơ chế phối hợp quản lý gỗ nhập khẩu giữa cơ quan Kiểm lâm, Hải quan, Bộ Đội biên phòng để hạn chế tình trạng lợi dụng nhập lậu gỗ; khai thác gỗ trái phép…
Theo phân tích của các đại biểu, việc nhập khẩu gỗ cũng đi kèm nhiều thách thức, rủi ro. Trong bối cảnh hội nhập, ngành gỗ Việt Nam là một bộ phận trong chuỗi cung ứng quốc tế. Vì vậy, phải bắt buộc tuân thủ luật chơi quốc tế, trong đó yếu tố minh bạch, tính hợp pháp về nguồn gốc, xuất xứ chứng nhận pháp lý về nguồn gốc nguyên liệu gỗ là một đỏi hỏi cấp bách đối với các doanh nghiệp, nhất là việc xuất khẩu sang các thị trường lớn.
Chính vì vậy, trong thời gian tới cần phải thực hiện phân loại gỗ nhập khẩu và phải định danh cụ thể. Gỗ nhập khẩu được chia làm 2 nhóm: nhóm rủi ro và không rủi ro. Tất cả các loại gỗ nhập khẩu vào Việt Nam đều phải thực hiện bảng kê khai, đối với loài gỗ rủi ro và đến từ quốc gia rủi ro thì trong hồ sơ nhập khẩu, ngoài giấy phép, phải kèm theo hồ sơ tại nơi khai thác mới được phép nhập khẩu vào Việt Nam.
Đồng thời, việc đánh giá đúng cơ hội, xác định đúng những rủi ro, bao gồm: rủi ro về loài gỗ nhập khẩu, rủi ro về thị trường và các rủi ro pháp lý của việc nhập khẩu gỗ nguyên liệu, sẽ giúp cơ quan quản lý hiệu quả đối với gỗ XNK, giúp doanh nghiệp hiểu biết rõ ràng và xây dựng hướng đi thích hợp cho sự phát triển của ngành gỗ trong hội nhập.