ThienNhien.Net – Dù bị phủ bóng bởi lo ngại nguy cơ chính quyền mới ở Mỹ thay đổi chính sách trong vấn đề chống biến đổi khí hậu, Hội nghị lần thứ 22 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP22) tại thành phố Marrakech của Maroc đã kết thúc tốt đẹp với việc đạt tất cả mục tiêu đề ra, thậm chí vượt trên kỳ vọng.
Có thể nói COP22 đã tạo ra một “bước ngoặt” trong việc huy động các sáng kiến chống biến đổi khí hậu toàn cầu và hướng tới mục tiêu biến Hiệp định Paris lịch sử thành hành động cụ thể.
Kỳ vọng to lớn
Năm 2001, Hiệp ước Marrakech đã mở đường cho sự ra đời của Cơ chế Phát triển Sạch (CM), được thiết kế nhằm cung cấp các hỗ trợ tài chính và công nghệ để giúp các nước đang phát triển ứng phó với các tác động của biến đổi khí hậu. 15 năm sau, thành phố Marrakesh lại trở thành “sân khấu” để không chỉ châu Phi mà cả thế giới thể hiện tình đoàn kết và quyết tâm chống biến đổi khí hậu.
Hội nghị COP22, diễn ra từ ngày 7-17/11, được kỳ vọng đưa ra các quyết định quan trọng cũng như các sáng kiến cụ thể nhằm thực thi Hiệp định toàn cầu về chống biến đổi khí hậu (còn gọi là Hiệp định Paris), được 197 quốc gia ký kết tháng 12/2015 và có hiệu lực từ ngày 4/11 vừa qua.
Hội nghị càng được dư luận quan tâm khi năm 2016 được dự đoán là năm nóng nhất trong lịch sử, các tác động của sự nóng lên toàn cầu đang hiện hữu khắp nơi trên thế giới với những đợt hạn hán kéo dài kỷ lục, mực nước biển dâng cao, những cơn bão bất thường và hàng triệu người phải sơ tán do thiên tai.
Châu Phi là khu vực đang và sẽ chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất. Tại một số nước, sản lượng nông nghiệp có thể sụt giảm 50% vào năm 2020. Ước tính 75-205 triệu người có thể phải đối mặt với sức ép ngày càng lớn của tình trạng khan hiếm nước sạch.
10 triệu người tị nạn do biến đổi khí hậu, hồ chứa nước khổng lồ ở châu Phi – Hồ Chad – đã cạn 95% và đang có nguy cơ cạn vĩnh viễn; 4 triệu hecta rừng ở châu Phi biến mất mỗi năm, cao gấp đôi mức trung bình trên thế giới; ngành nông nghiệp của châu lục đang chứng kiến tình trạng mất mùa nghiêm trọng, an ninh lương thực trong tình trạng cực kỳ nguy hiểm. Nếu không hành động ngay có thể hủy hoại các tiến bộ kinh tế mà một số quốc gia khu vực vừa đạt được.
Chính vì vậy, tổ chức hội nghị COP22, Liên hợp quốc (LHQ) đặt mục tiêu quyên góp 100 tỷ USD/năm từ nay đến năm 2020 nhằm giúp châu Phi tăng cường thích ứng với biến đổi khí hậu. Hội nghị được kỳ vọng là “hội nghị của hành động”, trong đó các nước phát triển gia tăng hỗ trợ tài chính giúp “lục địa Đen” trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu.
Tuy nhiên, kết quả cuộc bầu cử tổng thống Mỹ, với chiến thắng thuộc về ứng cử viên đảng Cộng hoà, tỷ phú Donald Trump, một người vốn nhiều lần lên tiếng phủ nhận vấn đề biến đổi khí hậu và tuyên bố sẽ “huỷ bỏ Hiệp định Paris”, đã khiến cho hội nghị bị bao phủ bởi một tâm lý quan ngại. Thế giới lo ngại nếu thiếu sự góp sức của Mỹ – nước thải khí gây hiệu ứng nhà kính nhiều thứ hai thế giới – thì các nỗ lực chống biến đổi khí hậu sẽ “như muối bỏ bể.”
Xu hướng không thể đảo ngược
Xuất phát từ những lo ngại trên, các nhà lãnh đạo thế giới có mặt tại COP22 đã đồng loạt lên tiếng kêu gọi tổng thống đắc cử Mỹ ủng hộ sự tham gia tích cực của Mỹ vào Hiệp định Paris. Về phần mình, đăng đàn tại COP22 một tuần sau khi ông Trump đắc cử tổng thống Mỹ, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã lên tiếng trấn an cộng đồng quốc tế, khẳng định rằng các cam kết khí hậu của Washington sẽ “không thể bị đảo ngược.”
Ông nhấn mạnh các lực lượng thị trường, chứ không phải chính trị, sẽ quyết định tương lai năng lượng của thế giới.
Sau 10 ngày nhóm họp, hội nghị đã ra Tuyên bố chung kêu gọi cam kết chính trị cao nhất trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu, coi đây là một vấn đề ưu tiên khẩn cấp. Tuyên bố ngắn gọn của hội nghị đã gửi đi thông điệp về một sự chuyển hướng sang một kỷ nguyên mới thực thi và hành động về khí hậu và phát triển bền vững.
Tuyên bố cũng nhấn mạnh rằng một “lực đẩy đặc biệt” về chống biến đổi khí hậu trên toàn thế giới trong năm nay là “không thể đảo ngược” vì nó “được thúc đẩy không chỉ bởi các chính phủ mà còn bởi các nhà khoa học, giới doanh nhân và hành động toàn cầu của mọi giới, mọi tầng lớp.”
Cam kết mạnh mẽ
Bên cạnh những lời kêu gọi, nhiều cam kết đã được đưa ra tại hội nghị ở Marrakech, từ cả phía các chính phủ lẫn từ các tập đoàn công nghiệp lớn, như General Motors (GM), Dalmia Cement, Swiss Re và Helvetia…
Đáng mừng là cả Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) và Quỹ Ray C. Anderson cũng cam kết cung cấp tài chính cho các giải pháp khí hậu cải tiến và nghiên cứu nhằm chống biến đổi khí hậu. Quỹ Ray C. Anderson còn treo thưởng 500.000 USD cho Dự án Drawdown, một sáng kiến nghiên cứu tập trung tìm cách đảo ngược sự nóng lên toàn cầu.
Liên minh châu Âu (EU) và 8 quốc gia khác (gồm Mỹ, Canada, Đan Mạch, Đức, Italy, Nhật Bản, Hàn Quốc và Thụy Sĩ) đã cam kết 23 triệu USD hỗ trợ chuyển giao công nghệ cho các nước đang phát triển giúp đáp ứng các mục tiêu về giảm thiểu và thích ứng với biến đối khí hậu. Việc thúc đẩy phát triển công nghệ sạch và xanh, cùng các hỗ trợ tài chính sẽ có vai trò quan trọng đối với việc thực thi các mục tiêu đặt ra trong Hiệp định Paris về chống biến đổi khí hậu cũng như Các Mục tiêu phát triển bền vững.
Trước thiện chí của các nước phát triển, các nhà lãnh đạo châu Phi đã cam kết thúc đẩy các biện pháp và chính sách nhằm thích ứng với biến đổi khí hậu, coi đây như “chất xúc tác” cho quá trình chuyển đổi sâu sắc cơ cấu kinh tế và xã hội tại châu Phi, đồng thời cam kết khuyến khích và tạo điều kiện cho lĩnh vực tư nhân tham gia nỗ lực tăng cường năng lực và tài trợ nhằm đối phó với các thách thức của biến đổi khí hậu.
Các nước nhất trí đẩy nhanh việc thực thi các sáng kiến đã được đưa ra, như “Sáng kiến Thích ứng châu Phi,” sáng kiến “Thích ứng của nông nghiệp châu Phi,” sáng kiến “An ninh, An toàn và Bền vững” và sáng kiến “Nông thôn kiên cường.”
Một vấn đề không kém phần quan trọng được đặt ra tại COP22, đó là khả năng châu Phi tiếp cận nguồn tài chính được đã quyên góp. Theo đặc phái viên Mỹ về biến đổi khí hậu Jonathan Pershing, các nước phát triển đã cam kết hơn 60 triệu USD nhằm hỗ trợ các sáng kiến giúp các nước đang phát triển xây dựng khả năng minh bạch, nhằm đảm bảo rằng tất cả các nước có thể thực thi nghĩa vụ báo cáo của mình. Ông cho biết: “Chúng tôi đã thông qua một kế hoạch hành động thiết thực, nhằm củng cố nền tảng minh bạch của Hiệp định Paris.”
Thành quả quan trọng nhất của COP22 là thông qua chương trình hành động thực thi Hiệp định Paris. Trong khuôn khổ COP22, Hội nghị lần thứ nhất các bên tham gia Hiệp định Paris (CAM1) đã được triệu tập, thảo luận tất cả các vấn đề lớn trong Hiệp định và thông qua chương trình hành động chung. Đây là bước đi đặc biệt có ý nghĩa, tạo sự khởi đầu vững chắc cho việc thực thi Hiệp định.
Kết thúc 10 ngày họp sôi nổi, COP22 đã chứng tỏ là một hội nghị hoàn toàn khác trước, với những cam kết mạnh mẽ và thiết thực ở mọi cấp độ. Sự có mặt của hơn 70 nguyên thủ quốc gia trên thế giới cũng phần nào cho thấy điều đó.
Những cam kết cụ thể cùng các tuyên bố và kêu gọi được đưa ra tại hội nghị đã đánh dấu một bước ngoặt trong quá trình thực thi cam kết của cộng đồng quốc tế và triển khai các sáng kiến chống biến đổi khí hậu.