ThienNhien.Net – Không gia hạn thời gian di dời, các địa phương phải ra soát lại các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm để có lộ trình di dời cụ thể… là những yêu cầu mang tính cương quyết của Thành phố Hồ Chí Minh nhằm chấm dứt tình trạng sản xuất gây ô nhiễm trong khu dân cư kéo dài lâu nay.
Ô nhiễm kéo dài
Chủ trương di dời các cơ sở sản xuất ra khỏi khu dân dư trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh trong nhiều năm qua mặc dù mang lại những hiệu quả tích cực nhưng cũng vấp phải sự “dai dẳng” của nhiều cơ sở sản xuất với muôn vàn lý do để xin gia hạn thời gian di dời. Việc kéo dài thời gian di dời gây ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống người dân trong những khu dân cư cũng như tác động xấu đến môi trường.
Một trong những tâm điểm mà Thành phố đang quyết tâm thực hiện di dời bằng được trong năm 2016 là các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm ở khu vực quận 12. Chỉ riêng khu vực khu phố 4, phường Đông Hưng Thuận, đã có hàng loạt các cơ sở dệt, nhuộm xả nước thải, khói, mùi hôi nồng nặc ra môi trường trong nhiều năm nay. Mặc dù hạn cuối buộc phải di dời là cuối tháng 12/2016, tuy nhiên, tại thời điểm hiện nay, hoạt động của các cơ sở này gần như vẫn diễn ra bình thường, chưa có dấu hiệu gì của việc di dời.
Nhiều cơ sở sản xuất ở đây cho rằng, do thiếu vốn sản xuất nên việc di dời về chỗ mới gặp nhiều khó khăn vì phải đầu tư lại, chi phí mọi thứ đều tăng, nên không thể di dời về chỗ mới. Theo anh Út, một chủ cơ sở nhuộm ở đây cho biết, để lập một cơ sở mới hoặc vào sản xuất trong khu công nghiệp đều đòi hỏi phải đầu tư chi phí để xây dựng nhà xưởng, trang thiết bị và thay đổi quy mô sản xuất. Trong khi phần lớn các cơ sở dệt nhuộm ở đây là cơ sở sản xuất thủ công, quy mô nhỏ, kinh phí đầu tư hạn hẹp, nên gặp rất nhiều khó khăn khi di dời. Mặc dù chính sách của thành phố là buộc di dời vì sản xuất gây ô nhiễm trong khu dân cư, nhưng phần lớn các cơ sở sản xuất ở đây hiện vẫn chưa có phương án nào khả dĩ để di dời khi đến hạn cuối.
Tính riêng khu phố 4, 5 phường Đông Hưng Thuận đã có 42 cơ sở sản xuất giấy, bao bì, dệt, nhuộm… Dù có đầu tư trang bị hệ thống xử lý khí thải, nước thải, nhưng do thiết bị quá lạc hậu nên hầu hết các cơ sở này đã gây ô nhiễm môi trường xung quanh. Nhiều người dân sống tại khu vực phường Đông Hưng Thuận cho biết, họ và gia đình đã mắc các chứng bệnh liên quan đến đường hô hấp, do khí thải tại khu vực này rất nặng mùi.
Không chỉ những cơ sở sản xuất nhỏ, theo phản ánh của nhiều người dân ở khu phố Trường Lưu, phường Long Trường (quận 9), trạm nghiền của Công ty Xi măng Hà Tiên, phường Phú Hữu, quận 9 cũng đang gây ô nhiễm nghiêm trọng. Theo người dân ở đây, bụi từ trạm nghiền dù ở xa khu dân cư, nhưng vẫn gây ảnh hưởng nghiêm trọng, khiến người dân phải chịu nhiều khổ sở. Điều đáng lo ngại là khu dân cư này vẫn còn cách xa trạm nghiền nhưng đã bị ô nhiễm như vậy, trong khi với đà đô thị hóa thì việc sản xuất xi măng trong khu dân cư sẽ càng gây ô nhiễm trầm trọng hơn. Chưa kể, theo quy hoạch sử dụng đất của quận 9, sẽ có rất nhiều khu dân cư mới được hình thành xung quanh trạm nghiền xi măng, với khoảng cách chỉ vài trăm mét.
Không thể gia hạn
Theo kế hoạch, từ nay đến hết năm 2017, Thành phố Hồ Chí Minh sẽ hoàn thành di dời 700 cơ sở sản xuất thuộc danh sách buộc phải di dời do gây ô nhiễm môi trường hoặc không phù hợp quy hoạch xây dựng đô thị. Riêng trong năm 2016, Thành phố sẽ tập trung di dời 22 cơ sở gây ô nhiễm ra khỏi khu đông dân cư trong nội thành. Ðây là những cơ sở gây ô nhiễm, không nằm trong quy hoạch xây dựng đô thị vừa được các cơ quan chức năng rà soát. Đặc biệt đối với các cơ sở sản xuất trên địa bàn Khu phố 4 và 5, phường Đông Hưng Thuận (quận 12) là hai trong các điểm nóng về ô nhiễm môi trường trên địa bàn thành phố với 21 cơ sở hoạt động ngành nghề gây ô nhiễm như dệt nhuộm, sản xuất giấy, bao bì… công nghệ sản xuất, cơ sở hạ tầng lạc hậu, ảnh hưởng đến chất lượng sống của người dân. Thành phố đã thống nhất chỉ đạo buộc hoàn tất việc di dời, chấm dứt hoạt động tại vị trí cũ là trước ngày 31/12/2016.
Trước những khó khăn của nhiều cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường ở phường Đông Hưng Thuận (quận 12), nhiều cơ sở ở đây kiến nghị với cơ quan chức năng cho gia hạn thời gian di dời đến cuối năm 2017. Tuy nhiên, mới đây Sở Tài nguyên và Môi trường Thành phố Hồ Chí Minh đã cương quyết buộc các cơ sở sản xuất phải di dời trước cuối tháng 12/2016. Vì rằng, Thành phố đã tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho các cơ sở di dời đến nơi sản xuất mới, an toàn và phù hợp với sức chịu tải môi trường nên không thể tiếp tục có chuyện gia hạn.
Theo ông Cao Tung Sơn, Phó chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường, Sở Tài nguyên – Môi trường, từ nhiều năm nay, Thành phố đã có những bước chuẩn bị như chỉ đạo UBND huyện Bình Chánh hỗ trợ Công ty cổ phần Đầu tư Sài Gòn gấp rút xây dựng Khu công nghiệp Lê Minh Xuân 3, đáp ứng tất cả các yêu cầu về hạ tầng nhằm đảm bảo tiếp nhận và xử lý tốt chất thải phát sinh cho các cơ sở di dời đến. Giá thuê đất đầu tư nhà xưởng, Thành phố cũng chỉ đạo áp dụng mức thuê ưu đãi nhất: 80 USD/m² thay vì 150 USD/m² như các doanh nghiệp khác đang thuê. Chi phí điện nước, xử lý nước thải, cấp hơi, cấp nhiệt… cũng được ưu đãi với mức giá hợp lý cho các cơ sở di dời đến.
Sở còn tham mưu cho Thành phố cho phép chuyển mục đích sử dụng đất của các cơ sở thuộc diện di dời từ đất sản xuất sang đất thổ cư để các cơ sở di dời có điều kiện tạo vốn từ đất, phục vụ công tác di dời và đề xuất nhiều chính sách ưu đãi hỗ trợ về vốn, lãi suất cho cơ sở di dời, đồng thời lập hướng dẫn, hỗ trợ, giải quyết các khó khăn vướng mắc của doanh nghiệp… vì vậy, không thể có chuyện gia hạn thêm đối với các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm.
Cùng với việc cương quyết buộc các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường phải di dời khỏi khu dân cư, UBND Thành phố cũng chỉ đạo ngành Tài nguyên và các địa phương tiến hành tổng điều tra, rà soát, phân loại, đánh giá, lập danh sách các các cơ sở phải di dời do gây ô nhiễm môi trường hoặc không phù hợp quy hoạch xây dựng đô thị và đề xuất hướng quy hoạch sử dụng đất tại vị trí cũ của các cơ sở phải di dời. Trong năm 2016 phải xác định các cơ sở gây ô nhiễm môi trường để ban hành danh mục và xây dựng phương án xử lý, năm 2017 thực hiện các hình thức xử lý đối với cơ sở gây ô nhiễm môi trường và phê duyệt các chính sách tài chính, hỗ trợ, ưu đãi.