ThienNhien.Net – Theo đánh giá của các tổ chức bảo tồn, trong vòng 40 năm qua, thế giới đã mất đi hơn 50% các loài đa dạng sinh học trên trái đất. Một trong những nguyên nhân lớn nhất dẫn đến mất mát này là do nạn buôn bán bất hợp pháp xuyên quốc gia, kéo theo sự gia tăng của nạn săn trộm, giết hại các loài động vật hoang dã quý hiếm như voi, tê giác và hổ…
Trao đổi với phóng viên VietnamPlus về vấn nạn trên, Đại sứ Xavier Sticker, Trưởng phái đoàn Pháp tham dự Hội nghị Quốc tế lần thứ ba về chống buôn bán trái phép động vật hoang dã diễn ra tại Hà Nội, cho rằng hoạt động buôn bán động vật hoang dã trái phép trên có liên quan đến các tổ chức khủng bố, nên việc đấu tranh chống lại tội phạm này cần phải có sự đoàn kết quốc tế.
– Thưa ngài đại sứ, tại sao nạn buôn bán động vật hoang dã đang trở thành vấn đề quan trọng cần giải quyết đối với các quốc gia trên thế giới nói chung và chính phủ Pháp hiện nay?
Đại sứ Xavier Sticker: Bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học là chính sách được Chính phủ Pháp đề ra với những cam kết rất mạnh mẽ, để giữ gìn môi trường thiên nhiên cho các thế hệ mai sau. Quả thực, vấn đề này không chỉ riêng Pháp coi trọng, mà nhiều quốc gia trên thế giới cũng đã có những cam kết mạnh mẽ.
Chúng ta thấy rằng thiên nhiên có những điều tuyệt vời đem đến cho con người. Các nhà khoa học đã cảnh báo rằng nếu những thói quen, những việc làm hôm nay (như việc săn bắn, buôn bán các loạt động-thực vật hoang dã) mà không có sự thay đổi thì rất nhiều giống, loài sẽ biến mất trong thời gian tới.
Ví dụ như vấn đề thuốc phấn được tạo bởi các loài ong, thế nhưng, trên thế giới nhiều loài ong đã bị biến mất do việc săn bắt. Quả thực, với thực trạng như ngày nay, chúng ta cần phải có những tiếng nói chúng và cam kết mạnh mẽ để cùng nhau bảo vệ đa dạng sinh học.
– Hiện nay, chính phủ Pháp đã có định hướng rõ ràng để đối phó với tội phạm có liên quan tới động vật hoang dã, vậy điều này có ý nghĩa như thế nào đối với Việt Nam – quốc gia được coi nơi trung chuyển các hoạt động buôn bán động vật hoang dã?
Đại sứ Xavier Sticker: Trong cuộc chiến chống buôn bán động vật hoang dã, Chính sách của Pháp đặc biệt chú trọng đến khu vực châu Phi. Vào năm 2013, tổng thống Pháp và đại diện chính phủ của các nước châu Phi, các bên đã có thỏa thuận về việc chống buôn bán và săn bắt trái phép động vật quý hiếm đặc biệt là voi và tiêu thụ trái phép các sản phẩm từ ngà voi.
Thỏa thuận này cũng đã mở ra những cơ hội pháp lý rất quan trọng như: Luật đa dạng sinh hoc với những điều khoản rõ ràng và tăng hình phạt đối với những hành vi phạm tội liên quan đến môi trường nói chung, trong đó có cả buôn bán trái phép động vật hoang dã.
Ngoài ra, thỏa thuận cũng tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ quan tư pháp khác nhau từ khâu điều tra, khâu khởi tố đến khâu kết án, để làm sao tăng tính hiệu lực của pháp lực đối với các tội phạm liên quan đến môi trường nói chung cũng như buôn bán động vật trái phép nói riêng.
Chính phủ Pháp cũng nhận thấy rằng những hoạt động buôn bán động vật trái phép có liên quan đến những tổ chức khủng bố, nên việc đấu tranh chống lại tội phạm này cần phải có sự đoàn kết quốc tế, để góp phần ngăn chặn và “tiêu diệt” những tổ chức khủng bố nguy cơ gây ra những bất ổn trong xã hội.
Riêng về phần mình, Chính phủ Pháp cũng đã đưa ra quyết định mạnh mẽ là đóng cửa, cấm hoàn toàn thị trường buôn bán các sản phẩm có nguồn gốc từ ngà voi. Hiện nay, cam kết của Pháp cũng đã có hiệu ứng rất tích cực đổi với cộng đồng quốc tế.
Hy vọng, cam kết của Pháp sẽ được nhiều nước trên thế giới làm theo, nhất là các nước ở khu vực châu Á như Việt Nam, nơi mà nhu cầu tiêu thụ các sản phẩm động vật hoang dã, nhất là ngà voi rất lớn.
– Để giảm nhu cầu đối với các hoạt động buôn bán động vật hoang dã bất hợp pháp, Chính phủ Pháp sẽ làm gì để có thể hỗ trợ Việt Nam chống lại các hoạt động phạm tội liên quan đến mua bán, vận chuyển trái phép động vật hoang dã?
Đại sứ Xavier Sticker: Thực ra, Pháp đã đồng hành cùng Việt Nam trong cuộc chiến chống buôn bán các loài động vật hoang dã rồi, đặc biệt là các giải pháp góp phần giảm nhu cầu tiêu thụ sừng tê giác.
Trong thời gian qua, thông qua Cơ quan Phát triển Pháp tại Việt Nam (AFD), Pháp đã có dự án tài trợ lên đến 500.000 USD dành cho việc nâng cao ý thức của người dân về sừng tê giác. Mục tiêu của dự án đưa ra là đến năm 2020, việc tiêu thụ các sản phẩm có nguồn gốc từ động vật hoang dã sẽ giản đi một nửa.
Hiện tại, theo thông tin chúng tôi có được, dự án truyền thông này cũng đã có những tác động tích cực, giúp người dân hiểu rằng sừng tê giác không có tác dụng đối với sức khỏe con người, mà thực chất là tàn phá môi trường, tàn phá hệ sinh thái. Qua đó, ý thức của người dân Việt Nam về các vấn đề môi trường và bảo vệ đa dạng sinh học cũng đang ngày một tốt hơn.
– Thông qua Hội nghị Quốc tế lần thứ ba về chống buôn bán trái phép động vật hoang dã tại Hà Nội, đại sứ có kiến nghị, hay sáng kiến gì để kêu gọi các quốc gia cùng chung tay bảo vệ đa dạng sinh học, cũng như các loài động vật hoang dã quý hiếm?
Đại sứ Xavier Sticker: Tôi tin rằng, Hội nghị Quốc tế lần thứ ba về chống buôn bán trái phép động vật hoang dã, diễn ra trong hại ngày 17 và 18/11 sẽ là cơ hội để các bên liên quan gặp gỡ và trao đổi với nhau những bài học kinh nghiệm, cũng như thực hiện được cam kết mạnh mẽ về chống lại nạn buôn bán động vật hoang dã trái phép, góp phần vào việc bảo tồn đa dạng sinh học.
Thực tế cho thấy, sự hợp tác quốc tế là yếu tố rất cần thiết, bởi tình trạng buôn bán động vật hoang dã vốn không có giới hạn, mà có thể “lan truyền” từ quốc gia này sang quốc gia khác. Tuy nhiên, để thực hiện thành công việc chống buôn bán các loài động vật hoang dã, đầu tiên là ở cấp độ quốc gia phải có những cam kết mạnh mẽ thông qua hệ thống pháp lý thiết thực áp dụng kịp thời.
Đơn cử như Việt Nam, vào ngày 12/11 vừa qua, cơ quan chức năng đã tiến hành tiêu hủy hơn 2 tấn ngà voi và trên 70 sừng tê giác là tang vật của các vụ buôn bán, vận chuyển trái pháp luật. Đây cũng là một trong những biện pháp quan trọng để góp phần chống lại nạn buôn bán bất hợp pháp động vật hoang dã trên toàn cầu.
Với những hành động mạnh mẽ như việc tiêu hủy các mẫu vật động vật hoang dã như trên, Chính phủ Pháp sẽ luôn sẵn sàng đồng hành cùng Việt Nam trong những nỗ lực chống lại nạn buôn bán bất hợp pháp động vật hoang dã trong tương lai.
Xin chân thành cảm ơn ngài đại sứ!