ThienNhien.Net – Lũ lụt đô thị đã trở thành thường niên. Nghịch lý của quy hoạch còn nhiều. Nổi bật ở châu Á và Đông Nam Á, Việt Nam sẽ là quốc gia chịu tình trạng lũ lụt đô thị ngày càng tăng cao do biến đổi khí hậu và quá trình bê tông hóa đô thị bằng cách xóa bỏ hệ sinh thái nước và vùng ven đô ngày càng phổ biến.
Quy hoạch còn đóng vai trò liên kết vùng về tự nhiên, địa hình, khu sinh thái nước, các đầu mối điều tiết nước, đê chắn, kè dẫn, hồ chứa và các không gian “ưu tiên” ngập ít, nhiều, thời gian ngập… để giải cứu các khu vực quan trọng của đô thị. Chính vì lẽ đó, các lý thuyết mới nhất coi nước mưa và nước mặt (kể cả nước lụt) là vốn tài nguyên quí giá của đô thị hiện đại.
Từ vẻ đẹp vĩnh cửu của đô thị nước…
Sự hòa quyện giữa tự nhiên và đô thị vốn là bản chất của quy hoạch đô thị khi coi trọng sự thiêng liêng của nơi cư trú đồng nghĩa với gắn kết các hệ sinh thái đã nuôi dưỡng loài người từ những bộ lạc hoang dại thành các quốc gia hùng mạnh với dân số hiện nay tiến gần mốc 7 tỷ người. Điều đáng lưu ý là tất cả các thành phố lớn nhỏ đại diện cho các nền văn minh cổ đại đều gắn với các dòng sông mẹ (nền văn minh Lưỡng Hà với Babylone, Assyrie, Phenicie bên sông Euphrates và Tigris, Ai Cập với Thebes, Memphis bên sông Nile, sông Hằng với nền văn minh Ấn Độ, sông Hoàng Hà, Dương Tử với văn minh Trung Hoa). Chính vì vậy, mọi lý thuyết quy hoạch đô thị ban đầu đều thiết lập cho được sự cân bằng (nội tại) giữa yếu tố nhân tạo do con người với yếu tố tự nhiên, khởi đầu là ứng xử với những hệ sinh thái nước: Dòng sông, biển, hồ, đầm phá, kênh rạch, vùng đất ngập nước, rừng ngập mặn.
Những đô thị cổ đại thường chọn những khu đồi thấp, sống đất cao, giồng nổi bên các con sông lớn để thuận lợi cho việc trồng trọt, sản xuất và dựng nhà cửa. Họ chống ngập bằng cách tựa vào địa hình tự nhiên khi quy mô còn bé nhỏ. Dần dần chúng phình to ra và trở thành các trung tâm chính trị – hành chính của lãnh thổ, quốc gia đánh dấu bằng thành lũy kiên cố, lâu đài, dinh thự và các công trình tôn giáo… được lựa chọn rất kỹ về địa lý để sống chung với thiên nhiên, trước hết là nương vào quy luật lên xuống theo mùa lũ từ sông mẹ. Sự tương tác sinh thái hàng ngàn năm giữa cư trú – nước đã cho ra đời hàng loạt các thành phố sông nước với vẻ đẹp vĩnh cửu Paris, Budapest, London, Amsterdam… chưa kể đến các thành phố cảng biển, đảo đô thị.
Đến quy hoạch duy lý và những nghịch lý buộc thay đổi
Thời kỳ hiện đại (cuối thế kỷ 19 đến những năm 60 TK 20), cách mạng công nghiệp đã cho con người làm chủ vận mệnh các thành phố (sản phẩm nhân tạo lớn nhất) bằng rất nhiều công cụ kỹ thuật xây dựng và hạ tầng: Đập lớn, đê biển, cống ngầm, giao thông lập thể, cầu siêu dài, cưỡng bức địa hình, đường cao tốc, rừng nhà cao tầng… Cũng là lúc các đô thị “quên” căn tính gốc tự nhiên của mình, phát triển ngược quy luật tự nhiên, nặng nề nhất là phá hủy hệ thống sinh thái nước luôn bao bọc chúng từ ngàn đời. Thành phố phát triển cả chiều rộng và chiều cao, đậm đặc. Quy hoạch bắt đầu xuất hiện với chủ nghĩa duy lý thời Le corbusier “thay trời hành đạo”, đưa đô thị lan tỏa liếm hết vùng nông nghiệp ven đô, chặn ngang các dòng sông, lấp hầu hết các hồ ao kênh rạch làm nhà cao tầng, đường cao tốc, phá rừng núi làm khu nghỉ dưỡng, công nghiệp, vật liệu xây dựng…
Đỉnh cao những năm 60 là quy hoạch đưa 3 triệu dân Tokyo ra cư trú trên vịnh biển (Kenzo Tange); Những năm 90 – 2000 là quy hoạch Dubai lấn biển để trở thành đô thị du hí, xa hoa bậc nhất (chỉ tính riêng đảo Cành Cọ đã dùng tới 94 triệu tấn cát lấp biển).
Ở Việt Nam đô thị hóa kèm với cao trào bê tông hóa cũng nhức nhối. Theo thống kê đến 2010 Hà Nội, thành phố bên trong của bốn dòng sông đã cống hóa ba dòng và xóa sổ hơn 90% mặt nước tự nhiên lấy đất cho đô thị. Sài Gòn đang đô thị hoá chóng mặt có thể đạt đến 850km2 xây dựng vào năm 2025, đã lấp 47 kênh rạch chính và hệ thống hồ trữ nước tự nhiên quý giá, điển hình như hồ Bình Tiên. Con người đã hủy hoại chính môi trường sinh thái nước bao bọc nơi cư trú của mình từ thủơ hồng hoang chỉ trong vài thập kỷ.
Lấy mốc năm 1921, triển lãm “Thành phố tương lai” tại Ý đã mở đầu cho thời đại đô thị và cho ra đời các Bộ luật quy hoạch cho phép “xóa sổ” tự nhiên và văn minh cư trú truyền thống, ở tất cả các nước phát triển công nghiệp thời đó.
Con người của thế kỷ 20 đã chặt đứt với quá khứ nhân danh hiện đại, công cụ quy hoạch đô thị góp phần không nhỏ. Quy hoạch đã thành văn hóa cai trị của các nhà cầm quyền và sự hy vọng hão huyền của đám đông khi nó vẽ ra những viễn cảnh không tưởng nhưng huy hoàng của 10, 20 năm nữa, từ một nhóm nhỏ các KTS và nhà kỹ thuật.
Mẹ thiên nhiên nổi giận, các đô thị đang phải vật lộn với bão lũ, lụt lội đến mức nước có thể nhấn chìm đô thị. Châu Á nổi lên như một châu lục sẽ hứng chịu nhiều thiên tai nhất trong biến đổi khí hậu do sở hữu quá nhiều quốc gia đảo, bán đảo chìa ra với đại dương: Nhật Bản, Philipines, Đài Loan, Indonesia, Singapore, Triều Tiên, Hàn Quốc, Việt Nam… Điều đáng ngại là những thành phố lớn – đầu não đều nằm kề cận với đại dương, bờ biển và các dòng sông cả nên càng phát triển lại càng chịu nhiều thiên tai với mức tàn phá rất lớn. Giới đô thị học không thể quên những trận lũ kinh hoàng cuốn trôi hàng chục thành phố và làng mạc ở Hàn Quốc thập niên 60 lên tới hơn 20.000 người chết sau khi bị phá trụi rừng già và cống hóa các dòng sông vì công nghiệp bẩn. Năm 2011, lũ lụt trên diện rộng đã gần như nhấn chìm Bangkok làm hàng chục triệu người không nhà và gần 500 người chết, Chính phủ phải cứu trợ khẩn cấp 4 tỷ đô.
TP HCM dự tính phải cần hơn 100.000 tỷ đối phó lụt lội, trong đó còn nhiều vấn đề sinh kế cho nguồn thu nhập thấp cần tính đến trước tiên.
Lũ lụt đô thị đã trở thành thường niên và con người nai lưng đi làm để trả nợ tự nhiên bằng các chi phí đắt đỏ chống ngập lụt với con số hàng tỷ, chục tỷ đô la. Nghịch lý của quy hoạch còn nhiều nhưng nổi bật ở châu Á và Đông Nam Á, Việt Nam sẽ là quốc gia hứng chịu tình trạng lũ lụt đô thị ngày càng tăng cao do biến đổi khí hậu và đặc biệt, sau những quá trình bê tông hóa đô thị bằng cách xóa bỏ hệ sinh thái nước và vùng ven đô ngày càng phát triển.
Trở lại với mẹ thiên nhiên – biến nước lũ thành tài nguyên đô thị
Quy hoạch phải từ bỏ cách làm truyền thống (dựng ra viễn cảnh) để tập trung vào toàn bộ quá trình phát triển của xã hội và đô thị. Quy hoạch buộc phải thay đổi cách tiếp cận và phương pháp: Tầm nhìn và các chiến lược đi đôi với chính sách phát triển thay quy hoạch kiểu cũ xơ cứng trên giấy hứa hẹn một ảo tưởng đô thị hơn là tương lai hiện hữu đang sử dụng tại Việt Nam. Các sách lược phát triển đô thị phải gắn với quyền lợi chung của số đông dân cư và bảo đảm môi trường sống cơ bản cho họ, thay vì chạy theo lợi nhuận trước mắt. Cấp thiết sử dụng cách tích hợp các sáng kiến chống ngập đô thị trong giải pháp phát triển ngắn, trung hạn là sản phẩm của bộ ba: chính quyền, thị trường và công dân cùng tham gia như những chủ thể đô thị. Thay thế các quy hoạch cục bộ mỗi ngành một kiểu đang làm phân tán nguồn lực đô thị (vốn luôn hạn hẹp) bằng các giải pháp tích hợp để đồng bộ hóa cơ thể đô thị: Sử dụng đất, kiến trúc, chống ngập, giao thông, năng lượng, cấp thoát nước, điện, viễn thông, thực phẩm…
Sử dụng khoa học chống ngập bằng Mô hình thủy văn đô thị – thuật ngữ thế kỷ 21. Khoa học đô thị sực tỉnh và nghiêm túc đánh giá nhiều năm 3 vùng thiên tai lớn trên thế giới (Mỹ, Nam Mỹ và Đông Nam Á) trong biến dổi khí hậu đã đưa ra ba nhận định:
– Các công trình bảo vệ (đê bao, bờ kè, hồ chứa, kênh rạch…) kèm theo hệ thống dự báo cho dù có hiện đại cũng không thể chống đỡ hay tiên liệu hết các biến đổi khó lường, trong đó có ngập lụt lớn ở đô thị, do các vùng đô thị hóa đang lan tỏa chóng mặt.
– Công tác quy hoạch và quản lý không gian đô thị bị ảnh hưởng quá nhiều từ yếu tố kinh tế ngắn hạn dẫn đến việc định cư tập trung, phát triển tại các khu vực trung tâm kể cả cận trung tâm sẽ có mức rủi ro ngập cao và khó lường.
– Nhận thức và khả năng tự ứng phó của cộng đồng dân cư đóng vai trò rất quan trọng trong mức độ thiệt hại khi xảy ra các biến cố.
Như vậy, các biện pháp thuần túy kỹ thuật và cưỡng bức dòng chảy (kể cả khi có một đống tiền) gặp phải bế tắc tại những thời điểm bất thường của thời tiết tần suất ngày càng nhiều, đồng nghĩa con người và tài sản đô thị lại gặp hiểm họa cao nhất. Mặt khác, đô thị ngày càng ô nhiễm cả đất, không khí và nước (do tích tụ dân số và mật độ xây dựng quá tải, giao thông bằng cá nhân, giỏ bê tông và không thể thoát thải).
Ra đời muộn màng sau đô thị hóa, khoa học thủy văn đô thị tuy mới mẻ đã nhanh chóng dẫn hướng cho các chiến lược phát triển đô thị trong bối cảnh biến đổi khí hậu. Các nhà nghiên cứu quan tâm đến việc làm thế nào một đô thị có khả năng tự điều chỉnh (cả hệ thống) để có thể duy trì hoạt động và “đứng dậy” một cách nhanh chóng sau sự “tấn công”của lũ lụt, tiếp tục phát triển.
Quan điểm này bắt đầu khởi nguồn từ khoảng thập niên 70 với những người tiên phong như Holling C.S (chú trọng vào hệ sinh thái). Sau đó, nhiều tác giả khác đã mở rộng về khả năng phục hồi nhanh của đô thị sau thảm họa (“urban resilience”). Hiện nay, nhiều nghiên cứu chuyên sâu vào thủy văn đô thị như H. Andrieu, B Tassin, S Baraud nhấn mạnh đến thiết lập vòng tuần hoàn nước trong đô thị như một cứu cánh tương lai. Những lo lắng ngày một tăng về vệ sinh thành phố, môi trường sống, đặc biệt phòng chống lũ, ngập đô thị đã buộc các quy hoạch phải tính đến sự có mặt của các mô hình tính toán về thủy văn đô thị.
Những yếu tố khởi nguyên của vòng tuần hoàn nước như: Bảo tồn các không gian tự nhiên sông, hồ, đầm lầy, đất trũng để vận chuyển nhanh nhất có thể lượng nước mưa tiêu thoát cho thành phố. Sau đó là sự phân nhỏ hơn các khu đô thị mới và không gian xây dựng để liên kết giữa chúng bằng các diện tích chứa nước mặt khi mưa lũ như hồ nhỏ, kênh rạch, các quảng trường, bãi đất công cộng làm ở cao độ thấp hơn xung quanh, bãi cỏ tự nhiên, vườn hoa, cây xanh… thậm chí là những con đường nhỏ có thể thoát lũ khẩn cấp cạnh giao thông lớn để bảo đảm giao thông… Sân bay quốc tế Nội bài thiết kế một sân trũng tuyệt đẹp lớn như bãi bóng cạnh ngay lối vào chính là một ví dụ chống ngập tại chỗ. Nhưng tình trạng đô thị hóa phức tạp hiện nay ở Nam Sài Gòn thì một Phú Mỹ Hưng chưa thể làm úng ngập thành phố. Nó là hệ quả của dạng đô thị kết bè mảng đặc kín phía Nam và Đông Nam, không cho đô thị “thở” là vấn đề lớn của quy hoạch. Triệt tiêu vòng tuần hoàn sinh thái của nước thì dù đổ cả núi tiền cũng khó thoát lụt.
Quy hoạch còn vai trò liên kết vùng về tự nhiên, địa hình, khu sinh thái nước, các đầu mối điều tiết nước, đê chắn, kè dẫn, hồ chứa và các không gian “ưu tiên” ngập ít, nhiều, thời gian ngập để giải cứu các khu vực quan trọng của thành phố. Không thể kể ra hết các giải pháp quy hoạch và kỹ thuật hiện đại có thể chống lụt cho tương lai…10.000 năm nữa như của vùng đô thị biển – sông và thấp hơn mặt biển 6m ở TP Amsterdam nổi tiếng. Điều đặc biệt năm 2011, Hà Lan kết nối hơn 11.000 doanh nghiệp về nước (từ đóng chai, nước máy cho đến nước thải, thoát nước, lũ lụt, nước biển, sông… tất cả những gì liên quan đến nước) vào một đầu mối Water- Net để bảo đảm tính thống nhất tuyệt đối trong vận hành vòng tuần hoàn nước hiệu quả. Nước đã trở thành tài nguyên vô giá khi mỗi năm, hệ thống này mang lại đến 15 – 20% GDP và các lợi thế về cảnh quan, du lịch, khí hậu bậc nhất hành tinh.
Chính vì lẽ đó, các lý thuyết mới nhất coi nước mưa và nước mặt (kể cả nước lụt) là vốn tài nguyên quí giá của đô thị bối cảnh sau hiện đại. Có ba vấn đề lớn cần đề cập:
1. Nước mưa và nước thô khi xuất hiện có thể làm vệ sinh cho môi trường đô thị và cần tích trữ để làm mát khí hậu vốn bị xe cộ và bê tông làm ô nhiễm, nóng bức.
2. Đưa vào quy chuẩn và các đạo luật đô thị để buộc quy hoạch và các giải pháp kỹ thuật hạ tầng (kể cả quy chế dân cư và chuyên gia) đảm bảo vòng tuần hoàn nước được thực thi và bảo vệ;
3. Hạn chế tối đa quá trình xen cấy, mở rộng đô thị xâm lấn hệ sinh thái nước vốn còn ít ỏi khi đô thị hóa, nhưng nó là dấu vết nguyên thủy về đường đi của nước cần khôi phục dần từ những quy mô nhỏ. Khi cần xen cấy đô thị, cần các điều luật buộc “tách” việc xây không gian đô thị ra khỏi sự chồng lấn lên không gian tự nhiên (có thể còn sót lại rất nhỏ). Như vậy, thành phố không còn là con ngáo ộp đe dọa hay cưỡng bức “môi trường bên ngoài” ít nhiều “tự nhiên còn sống sót”. Phải buộc các quy hoạch và nhà đầu tư tuân thủ luật pháp và phạt tiền nặng để hình thành vòng tuần hoàn nước của thành phố – gốc của chống ngập lụt đô thị.
PGS.TS.KTS. Nguyễn Hồng Thục/TCKTVN