ThienNhien.Net – Phát biểu tại Quốc hội mới đây, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cảnh báo: Sau một loạt sự cố môi trường, chúng ta cũng nhận thấy môi trường đã đến ngưỡng không thể chịu thêm được nữa.
Thông điệp cho thấy ô nhiễm môi trường đang đe dọa cuộc sống nếu không có những thay đổi kịp thời và tích cực. Không thể tiếp tục giải quyết vấn đề bằng cách ứng phó các sự cố lẻ tẻ, chắp vá, mà phải có những ứng xử cần thiết về mặt quản trị nhà nước và sự tham gia của cộng đồng.
Giải pháp về năng lượng chính là một trong những ứng xử quan trọng của chính sách quốc gia nhằm xử lý triệt để phần lớn nguy cơ ô nhiễm môi trường. Nhu cầu về điện năng cho phát triển kinh tế-xã hội những năm qua là rất lớn, với mức tăng trưởng cao hơn rất nhiều so với tăng trưởng GDP nói chung.
Do vậy, Việt Nam đã và đang phải đối mặt với những thách thức trong lĩnh vực năng lượng. Đó là nhu cầu năng lượng tăng trưởng cao gây áp lực lớn đến việc đảm bảo an ninh năng lượng, sức ép cho nền kinh tế về vốn đầu tư cho ngành này.
Lựa chọn dễ dãi luôn mang lại nhiều hậu quả khó lường. Bên cạnh việc phát triển ồ ạt nhiều nhà máy thủy điện đủ kiểu, khiến môi trường tự nhiên bị xáo trộn, chủ trương phát triển “nóng” các nhà máy nhiệt điện với công nghệ của thế kỷ 19 hiện cũng đang là một trong các vấn nạn của Việt Nam về nguy cơ ô nhiễm môi trường.
Một nghiên cứu mới đây của Đại học Harvard (Hoa Kỳ), dẫn báo cáo cả khu vực Đông Nam Á và Việt Nam cho biết qua thống kê các loại bệnh liên quan đến ô nhiễm, số người chết yểu liên quan đến nhiệt điện than ở Việt Nam hiện đang vào khoảng 4.300 người mỗi năm.
Nếu các dự án nhiệt điện than đang trong quy hoạch đều được đưa vào vận hành, con số này sẽ có thể tăng lên đến 25.000 người chết yểu/năm.
Báo cáo cũng cho biết nhiều loại khí do nhiệt điện than thải ra, như khí ozon khi phản ứng với các phân tử khác trong không khí dưới điều kiện ánh sáng Mặt Trời tạo thành những lớp sương mù độc hại. Việc hít phải loại sương này sẽ dần gây ra các triệu chứng tức ngực, ho và khó thở. Đây cũng chính là căn nguyên của bệnh hen suyễn, lâu ngày sẽ dẫn đến viêm phổi mãn tính.
Ngoài ra, có những sản phẩm do đốt than như muội than chứa các hạt bụi nhỏ li ti với thành phần là các kim loại, chất hóa học.
Đặc biệt, nhiều chuyên gia lo ngại chất lượng các nhà máy điện than, chủ yếu sử dụng nhiệt điện ngưng hơi, lò hơi tuần hoàn tự nhiên, công suất thấp, không đáp ứng yêu cầu về môi trường.
Các nhà máy này lại chủ yếu tập trung tại các thành phố lớn, các vùng biển ngư trường, nuôi trồng thủy hải sản… cùng với công nghệ lạc hậu đã và đang gây áp lực không nhỏ lên môi trường sống của các khu vực này.
Trong thực tế, các nhà chức trách cho rằng Việt Nam hiện nay đang diễn ra tình trạng xung đột cung – cầu năng lượng. Giá điện ở Việt Nam thấp, khuyến khích người tiêu dùng nhưng lại không khuyến khích sản xuất năng lượng.
Do áp lực của phát triển và sự thiếu hụt của nguồn lực, có ý kiến cho rằng Việt Nam buộc phải chấp nhận các nhà máy nhiệt điện than công nghệ lạc hậu dù biết là có nhiều nguy cơ ô nhiễm.
Phản biện lại ý kiến này, các chuyên gia của Trung tâm Phát triển sáng tạo xanh (GreenID – thuộc Liên hiệp Các Hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam) cho rằng nếu tính cả chi phí sức khỏe, y tế, môi trường… nhiệt điện than không hề rẻ, chưa kể tới đây phải nhập khẩu than.
Báo cáo của GreenID lo ngại khi thế giới đang chuyển từ việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch sang năng lượng tái tạo, nhưng Việt Nam lại đang có những bước đi trái chiều. Bởi Quy hoạch Điện 7 của Việt Nam đặt mục tiêu gia tăng tỉ trọng của nhiệt điện than lên hơn 50% vào năm 2030.
Ngoài ra, an ninh năng lượng của Việt Nam cũng sẽ bị ảnh hưởng bởi việc đặt trọng tâm quá lớn (hơn 1/2 cơ cấu nguồn điện) vào nhiệt điện đốt than.
Các chuyên gia nước ngoài cũng khuyến cáo quy hoạch phát triển nhiệt địện than là đi ngược lại với xu hướng phát triển năng lượng sạch của thế giới.
Dự báo của các chuyên gia cũng cho thấy than nội địa phục vụ cho việc phát điện sẽ không thể đáp ứng đủ trong thời gian tới và Việt Nam sẽ phải nhập khẩu khối lượng than rất lớn (46,7 triệu tấn/năm 2020 và phải nhập 157 triệu tấn/năm 2030).
Theo các chuyên gia, biến đổi khí hậu toàn cầu, trong chừng mực nhất định có thể được khai thác như là một lợi thế cho sản xuất năng lượng sạch nhằm mục đích ứng phó với chính hiện tượng này.
Các yếu tố khí hậu như sự gia tăng nhiệt độ đáng kể, mùa nắng có khuynh hướng kéo dài hơn, mùa mưa bị ngắn lại, nước biển dâng và sóng biển mạnh hơn, gió mùa Tây Nam và Đông Bắc sẽ mạnh dần lên trong tương lai,… nếu xét cho kỹ, đôi khi lại là một lợi thế cho các dự án phát triển năng lượng tái tạo nếu chúng ta biết tận dụng những yếu tố thay đổi có vẻ như là “nguy cơ” này trở thành các lợi thế.
Một yếu tố khác khiến điều kiện khai thác năng lượng Mặt Trời ngày trở nên hấp dẫn hơn là nhờ các tiến bộ khoa học và công nghệ, giá thành sản xuất thiết bị, kỹ thuật lắp đặt ngày càng rẻ dần.
Trong khi đó, giá thành sản xuất các loại điện từ nguồn nhiên liệu hóa thạch như than đá, dầu khí đều tăng giá xấp xỉ 2%/năm. Ngoài ra, đi theo hướng đầu tư vào nguồn nhiên liệu hóa thạch, chúng ta sẽ trở thành một quốc gia bị lệ thuộc vào nguồn cung khi than và dầu khí sẽ cạn kiệt nhanh vào các thập kỷ tới.
An ninh năng lượng quốc gia có thể bị đe dọa khi bị cắt nguồn do các sự cố khó đoán như có chiến tranh, đứt đoạn ngoại giao, cấm vận kinh tế, thiên tai, tai nạn khai thác khoáng sản…
Bên cạnh đó, ưu tiên phát triển năng lượng tái tạo, giảm thiểu phát thải khí nhà kính chắc chắn sẽ được sự ủng hộ của cộng đồng thế giới, tăng uy tín Chính phủ và dễ dàng tiếp cận những định chế tài chính với những chính sách ưu đãi, hỗ trợ. Đây hoàn toàn là một định hướng khôn ngoan, dễ đồng thuận và an toàn.