Nông nghiệp bền vững xứng đáng là trọng tâm ở Hội nghị COP22

ThienNhien.Net – Nông nghiệp, bao gồm cả lâm và ngư nghiệp, là lĩnh vực chịu đe dọa nhiều nhất của biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, nông nghiệp cũng là lĩnh vực đang phát thải lượng khí nhà kính cao thứ năm trên thế giới.

Chuyển đổi nông nghiệp để thích ứng và giảm thiểu biến đổi khí hậu đóng vai trò thiết yếu trong việc đối phó với đói nghèo, tạo ra lợi ích cũng như cơ hội lớn nhằm bảo tồn tài nguyên thiên nhiên.

Tại Hội nghị thượng đỉnh COP21 tổ chức ở Paris, các nước tham gia đã đi đến cam kết chưa từng có để thích ứng và giảm thiểu với biến đổi khí hậu.

Thỏa thuận này công nhận “ưu tiên cơ bản để đảm bảo an ninh lương thực và không còn nạn đói, cũng như đảm bảo cho các hệ thống sản xuất lương thực tránh được nhiều tổn thương do tác động của biến đổi khí hậu.”

Thỏa thuận này đã được cụ thể hóa vào cam kết của từng quốc gia, trong đó nông nghiệp được xác định là ưu tiên.

Ảnh minh họa: AFP/TTXVN
Ảnh minh họa: AFP/TTXVN

Tại COP22 đang diễn ra ở Maroc, chúng ta có cơ hội để tạo ra tiến bộ quan trọng, bằng cách đưa nông nghiệp trở thành một phần trong giải pháp quan trọng.

Chuyển đổi sang nông nghiệp bền vững sẽ đòi hỏi phải có giải pháp,và môi trường, nguồn lực và thời gian phù hợp.

Các nhà sản xuất lương thực cấp một trên thế giới (gồm khoảng 500 triệu nhà sản xuất quy mô nhỏ và hộ gia đình) hiện đang áp dụng nhiều thực hành nông nghiệp trong nhiều điều kiện môi trường khác nhau. Do đó, không thể đưa ra được một công thức cứng nhắc nào cho bền vững.

Với lý do trên, chúng ta rất cần triển khai nhanh chóng công tác hỗ trợ để chuyển đổi sang nông nghiệp bền vững.

Tháng 7 và tháng 8/2016 là hai tháng nóng nhất trong lịch sử, khẳng định yêu cầu cấp thiết phải tăng cường nỗ lực cho hành động liên quan đến khí hậu.

Một tin tức tốt lành là có thể chuyển đổi tiến bộ sang nông nghiệp bền vững thích ứng thông minh với biến đổi khí hậu, và nông dân sản xuất nhỏ – đối tượng dễ tổn thương nhất – không chỉ thích ứng được với biến đổi khí hậu mà còn có thể tích cực góp phần ổn định khí hậu toàn cầu.

Để thực hiện điều này một cách hiệu quả, nông dân sản xuất nhỏ rất cần được hỗ trợ vì không có tài sản tích trữ để đầu tư cho thực hành nông nghiệp mới.

Nếu chúng ta càng sớm bắt đầu tập trung hành động cho người dân nông thôn của các nước đang phát triển thì kết quả sẽ càng tốt.

Chúng ta không còn nhiều thời gian nữa vì tác động bất lợi của biến đổi khí hậu đối với sinh kế nông nghiệp sẽ diễn ra nặng nề hơn và nhanh hơn ở vùng cận Sahara, Nam Á và các tiểu quốc đảo đang phát triển.

Đã có nhiều ý tưởng khả thi để đối phó với khí hậu, từ thực hành hiệu quả được áp dụng trong sinh thái nông nghiệp và thực hành nêu trong cách tiếp cận “Nông nghiệp Thích ứng Thông minh với Biến đổi khí hậu” cũng như “Tiết kiệm và Phát triển” của FAO, cho đến các kỹ thuật như sử dụng phổ biến hơn cây che phủ cố định đạm và nhiều phương pháp cắt giảm phát thải khí metan trong canh tác lúa hoặc chăn nuôi.

FAO tích cực hỗ trợ nhiều nỗ lực quốc gia, từ cải thiện độ màu của đất, sử dụng nước hiệu quả và bền vững, quản lý giống cây trồng và vật nuôi để bảo vệ đa dạng sinh học, và hỗ trợ các nước thành viên tăng cường cả năng lực kỹ thuật cũng như chính sách.

Thỏa thuận Paris, thỏa thuận ràng buộc pháp lý lớn nhất của thế giới về khí hậu toàn cầu, khẳng định rõ tầm quan trọng của việc tăng cường hành động liên quan đến khí hậu để thúc đẩy phát triển bền vững – điều mà ngành nông nghiệp đặc biệt có lợi thế.

Vì các cộng đồng nông thôn ở các nước đang phát triển chịu trách nhiệm ít nhất đối với biến đôi khí hậu và chịu ảnh hưởng nhiều nhất của tác động bất lợi nên giúp họ có khả năng ứng phó với biến đổi khí hậu vừa là nghĩa vụ, vừa là vì lợi ích chung.

Yêu cầu cấp thiết để có thể hành động là phải có đầu tư của tư nhân và nhà nước. Lợi ích của hành động tức thì này sẽ lớn hơn rất nhiều so với chi phí ngắn hạn.

Hiện có rất nhiều tổ chức tài trợ mới, chẳng hạn như Quỹ Khí hậu Xanh. Tài trợ của quốc tế và quốc gia cho thích ứng và giảm thiểu biến đổi khí hậu trong nông nghiệp cần phải trở thành chất xúc tác cho cả dòng đầu tư lớn hơn của lĩnh vực công và tư.

Và với tiềm năng to lớn trong việc xóa đói nghèo trong khi vẫn góp phần giảm thiểu biến đổi khí hậu, chúng ta cần dành nguồn tài chính lớn hơn cho nông nghiệp bền vững.

Những gì chúng ta thực sự cần hiện nay chính là quyết tâm chính trị, cam kết sẽ thực hiện và gắn kết chính sách.

Nếu chúng ta không hành động ngay bây giờ, chúng ta sẽ không để xóa bỏ được đói nghèo vào năm 2030 như đưa ra trong Mục tiêu Phát triển Bền vững toàn cầu.

Nguy hại hơn nữa là biến đổi khí hậu sẽ làm cho nhiều người hơn – khoảng 122 triệu người – có nguy cơ bị suy dinh dưỡng vào năm 2030.

Marrakesh có thể và phải trở thành nơi chúng ta khẳng định vai trò trọng tâm của nông nghiệp trong việc giải quyết mối đe dọa gồm ba khía cạnh là đói, nghèo và biến đổi khí hậu.

Nguồn: