ThienNhien.Net – Trận mưa lũ lịch sử vừa qua ở miền Trung đã gây ra thiệt hại lớn về người và tài sản. Nhiều ý kiến cho rằng, việc quản lý và vận hành hệ thống thủy điện ở nước ta còn nhiều điểm bất cập.
Rà soát quy trình
Ngay sau khi xảy ra vụ việc thủy điện Hố Hô xả lũ gây ngập lụt vùng hạ lưu Hà Tĩnh, Bộ Công Thương đã lập đoàn kiểm tra và kết luận: Việc vận hành xả lũ của hồ chứa Hố Hô trong tình huống khẩn cấp là phù hợp quy trình vận hành hồ chứa nhằm đảm bảo an toàn cho công trình đập.
Theo thông báo của Bộ Công Thương với lưu lượng lớn hơn so với lưu lượng tự nhiên (lượng nước xả lớn hơn khoảng 192 m3/s) từ 17 giờ 30 ngày 14/10 đến 2 giờ ngày 15/10 đã ảnh hưởng nhất định tới việc lũ về ở hạ du. Trường hợp không mở hoàn toàn cửa van tràn, mưa lớn tiếp tục kéo dài, sạt trượt làm trạm diesel và trạm phân phối điện bị tê liệt, mực nước trong hồ dâng cao tràn qua, gây vỡ đập thì thiệt hại cho khu vực hạ du sẽ vô cùng lớn.
Tuy nhiên, Bộ Công Thương cũng ghi nhận, việc quản lý hồ thủy điện này còn có nhiều bất cập. Cụ thể, việc kiểm tra các hạng mục công trình trước mùa mưa lũ chưa chi tiết; chưa đánh giá được các tình huống mất an toàn có thể xảy ra trong mùa mưa bão như sạt vai đập, đường vận hành vào nhà máy của phương tiện cơ giới bị sạt lở, hư hỏng đường lên đập.
Bên cạnh đó, chủ đập là Công ty cổ phần Thủy điện Hồ Bốn còn có nhiều khuyết điểm khác như chưa thực hiện đầy đủ trách nhiệm báo cáo trong tình huống bất thường hoặc sự cố, chưa báo cáo đầy đủ về Bộ Công Thương, UBND các tỉnh Quảng Bình và Hà Tĩnh, Sở Công Thương các tỉnh Quảng Bình và Hà Tĩnh, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Bình. Chủ đập cũng chưa thực hiện đúng quy định về phương thức thông tin, báo cáo vận hành theo quy định. Cụ thể: Các lệnh, ý kiến chỉ đạo, kiến nghị, trao đổi có liên quan đến việc vận hành và chống lũ của hồ chứa thủy điện Hố Hô chỉ thông tin trực tiếp qua điện thoại mà chưa thực hiện bằng văn bản, đồng thời bằng fax, chuyển bản tin bằng mạng vi tính, chưa có văn bản gốc được gửi để theo dõi, đối chiếu và lưu hồ sơ quản lý; số liệu tính toán lưu lượng xả qua tràn theo mực nước và diễn biến vận hành cửa van đập tràn còn sai lệch so với nhật ký vận hành.
Trên địa bàn các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên – Huế có 21 công trình thủy điện đang vận hành với tổng công suất 1.160,9 MW. Các hồ chứa thủy điện đã vận hành đều có Quy trình vận hành hồ chứa thủy điện đã được Bộ Công Thương hoặc UBND tỉnh phê duyệt. Trong đó Bộ Công Thương đã phê duyệt 17 Quy trình vận hành hồ chứa thủy điện, còn lại do UBND các tỉnh phê duyệt. Ngoài ra, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành 3 Quy trình vận hành liên hồ chứa trên các lưu vực: sông Mã, sông Cả, sông Hương (bao gồm các hồ chứa thủy điện: Hủa Na, Bản Vẽ, Khe Bố, Hương Điền, Bình Điền, A Lưới). Từ khi Thủ tướng Chính phủ ban hành các quy trình vận hành liên hồ đến nay, các chủ hồ đã nâng cao ý thức, trách nhiệm trong việc phối hợp vận hành điều tiết để giải quyết những vấn đề cấp nước, phòng chống lũ cho hạ du, các trường hợp tranh chấp, phát sinh đã giảm dần.
Tuy nhiên, theo đánh giá của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), hàng năm trước mùa lũ, các đơn vị thuộc EVN đều lập phương án phòng chống lũ lụt cho vùng hạ du. Tuy nhiên, trong phương án đề cập đến tình huống xả lũ khẩn cấp, tình huống vỡ đập chưa thực hiện được đồng bộ. Việc xây dựng phương án phòng, chống lũ lụt cho vùng hạ du còn nhiều khó khăn, vướng mắc như: Chưa có bản đồ địa hình, phân bố dân cư vùng hạ du; khó xác định ranh giới ảnh hưởng ở hạ du đập; chưa đồng bộ trong việc điều phối chung giữa các chủ đập khi các hồ chứa trên cùng lưu vực cùng tham gia xả lũ. Cùng với đó, công tác dự báo về khí tượng thủy văn còn hạn chế, chưa thực hiện dự báo lưu lượng đến hồ trong thời gian 24 giờ trước khi đạt ngưỡng gây lũ.
Vụ việc thủy điện Hố Hô xả lũ cũng cho thấy chính quyền địa phương cũng có khuyết điểm là chưa tổ chức diễn tập di dời, sơ tán nhân dân và tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn trên sông thuộc hạ du thủy điện Hố Hô năm 2016; phê duyệt phương án phòng chống lũ lụt vùng hạ du công trình chưa quy định rõ trách nhiệm, nhiệm vụ của các đơn vị tham gia ứng phó, chưa quy định rõ chế độ thông tin, báo cáo…
Giám sát chặt việc điều tiết nước
Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng cho biết sẽ xử lý vi phạm hành chính đối với Công ty cổ phần Thủy điện Hồ Bốn trong lĩnh vực an toàn đập. Trường hợp tái phạm sẽ xem xét thu hồi Giấy phép hoạt động điện lực. Bộ Công Thương cũng sẽ tiếp tục theo dõi, đôn đốc, kiểm tra và hướng dẫn các chủ đập thực hiện công tác quản lý an toàn đập, công tác vận hành hồ chứa đảm bảo an toàn công trình và hạ du.
Từ vụ việc thủy điện Hố Hô, Bộ Công Thương sẽ chỉ đạo đối với hồ chứa thủy điện trên khu vực miền Trung thực hiện nghiêm túc Quy trình vận hành liên hồ chứa và Quy trình vận hành hồ chứa thủy điện đã được các cấp phê duyệt; rà soát các phương án phòng chống lụt cho vùng hạ du đập, phương án phòng chống lụt bão đảm bảo an toàn đập phù hợp với thực tế, phân định rõ trách nhiệm, nhiệm vụ của các đơn vị tham gia trình cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định.
Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng cho rằng, các thủy điện phải phối hợp với địa phương rà soát và điều chỉnh quy chế phối hợp trong việc vận hành hồ chứa, phòng chống lụt, bão đảm bảo phân định rõ nhiệm vụ, trách nhiệm của các cơ quan liên quan; rà soát, nghiên cứu điều chỉnh, bổ sung nội dung quy trình vận hành, trình cấp thẩm quyền thẩm định phê duyệt theo quy định, trong đó lưu ý phải đảm bảo phù hợp với điều kiện hiện nay về: diễn biến của lũ, điều kiện hạ du…
Cục Quản lý tài nguyên nước (Bộ Tài nguyên – Môi trường) cho biết, đã xây dựng thử nghiệm và đang hoàn thiện hệ thống theo dõi, giám sát việc vận hành hồ và dữ liệu quan trắc thủy văn trực tuyến, bước đầu cho thấy hệ thống này khá hiệu quả phục vụ đắc lực công tác chỉ đạo, điều hành và kiểm tra, giám sát việc vận hành của các hồ chứa.Trong thời gian tới, cùng với việc tiếp tục thanh tra, kiểm tra việc vận hành của các hồ chứa theo Quy trình liên hồ trên các lưu vực sông Đồng Nai, sông Ba, sông Vu Gia – Thu Bồn, sông Se San và lưu vực sông Srêpok và kiểm tra đột xuất, Cục sẽ tập trung theo dõi, giám sát thường xuyên việc vận hành, việc vận hành bảo đảm duy trì dòng chảy tối thiểu của các hồ thông qua việc áp dụng công nghệ giám sát vận hành tự động trực tuyến nhằm bảo đảm việc tuân thủ Quy trình, xử lý kịp thời các tình huống phát sinh, đồng thời nâng cao hiệu quả phối hợp vận hành điều tiết, cấp nước cho hạ du.
GS.TSKH Phạm Hồng Giang, Chủ tịch Hội Đập lớn và Phát triển nguồn nước Việt Nam:
Đợt mưa bão vừa qua, một số vụ thủy điện xả nước làm ngập ở vùng hạ du. Cơ quan nhà nước cần vào cuộc xác minh nhiệm vụ của mỗi bên, cần có số liệu quan trắc đầy đủ để đánh giá trách nhiệm của chủ đầu tư thủy điện. Tuy nhiên, sự việc cho thấy có thể công tác dự báo mưa lũ khác xa thực tế khiến chủ đầu tư phải xả nước ồ ạt khi có lũ để đảm bảo an toàn hồ đập. Điều này cũng phản ánh việc quản lý vận hành của chúng ta còn yếu. Các thủy điện phải chịu giám sát của Ban chỉ huy phòng chống lụt bão cấp tỉnh, phải có cơ quan giám sát việc tích nước hồ, khi lũ cao phải xả theo từng bước, tránh đột ngột cho hạ du. TS Đào Trọng Hưng, Viện Hàn lâm Khoa học Công nghệ Việt Nam: Thủy điện góp phần an ninh kinh tế và tạo công việc nhưng khi quy hoạch các công trình thủy điện nhất thiết phải tính đến bài toán môi trường nếu không việc giải quyết hậu quả bão lũ hạn hán còn tốn kém hơn rất nhiều so với lợi ích thủy điện đem lại. Do đó, cần có chính sách riêng liên quan đến thủy điện. Theo đó, cần hoàn thiện đồng bộ chính sách riêng liên quan đến thủy điện trong đó có việc thủy điện với rừng, tái định cư, văn hóa xã hội như thế nào. Ông Hoàng Văn Bẩy, Cục trưởng Cục Quản lý Tài nguyên nước (Bộ Tài nguyên – Môi trường): Để phối hợp vận hành trên từng lưu vực sông có hiệu quả, ngoài những vấn đề về năng lực dự báo, năng lực vận hành hồ, thì vấn đề bảo đảm thông tin kịp thời, thống nhất là hết sức quan trọng. Trong khi đó, hiện nay, hầu hết trên các lưu vực sông đều thiếu các trạm quan trắc diễn biến lưu lượng, mực nước trên sông, thiếu công cụ để có thể giám sát việc vận hành xả nước xuống hạ du của từng hồ… Đây là khó khăn lớn nhất để nâng cao hiệu quả phối hợp vận hành của các hồ, đồng thời nâng cao hiệu lực, hiệu quả của các quy trình liên hồ. Nhận thức được vai trò quan trọng của các địa phương và chủ hồ trong việc đảm bảo hiệu quả của công tác phòng, chống lũ và cấp nước cho hạ du, trong các Quy trình liên hồ đã gắn trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị có liên quan, nhất là các giám đốc đơn vị quản lý, vận hành các hồ chứa thủy lợi, thủy điện và trách nhiệm của các địa phương, các cơ quan trong việc phối hợp vận hành, điều tiết các hồ với công tác phòng, chống lũ và cấp nước cho hạ du của 11 lưu vực sông nói trên để đáp ứng các yêu cầu phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội và bảo vệ môi trường của các địa phương trên các lưu vực sông lớn, quan trọng của nước ta. Đối với các địa phương, đây là nhiệm vụ mới và cũng rất phức tạp. Ngoài vấn đề tăng cường trách nhiệm, cần phải tăng cường năng lực của cơ quan chuyên môn, nhất là Sở NN&PTNT, Sở TN&MT để tham mưu, xử lý những vấn đề phát sinh hàng ngày, hàng giờ, cần thiết phải lập bộ phận chuyên trách để tư vấn kỹ thuật xử lý các tình huống, nhất là trong trường hợp xuất hiện lũ. |