ThienNhien.Net – Phóng viên TTXVN tại Brussels dẫn một nghiên cứu vừa công bố trên tạp chí Nature Climate Change đánh giá việc áp dụng thuế thực phẩm dựa trên hàm lượng carbon không chỉ có lợi đối với môi trường mà còn tốt cho sức khỏe người tiêu dùng.
Từ cánh đồng đến bàn ăn, thực phẩm mà con người tiêu thụ hàng ngày chính là thủ phạm gây ra 1/4 tổng lượng phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính. Tỷ lệ này sẽ còn tăng mạnh do dân số tăng và sự thay đổi chế độ ăn uống tại các nước đang phát triển, khi người dân tiêu thụ ngày càng nhiều các sản phẩm có nguồn gốc từ động vật.
Đối mặt với khoảng trống về an ninh lương thực và cuộc chiến chống biến đổi khí hậu, giáo sư Marco Springmann, thuộc Đại học Oxford, cùng các đồng nghiệp đã nghiên cứu lợi ích khi thực hiện đánh thuế thực phẩm trên toàn cầu dựa trên hàm lượng carbon trong quá trình sản xuất thực phẩm.
Căn cứ mức giá 52 USD/1 tấn quy đổi dioxid carbon (CO2), các nhà nghiên cứu đánh giá sự ảnh hưởng của yếu tố tăng giá do tăng thuế đến quy mô tiêu dùng và những lợi ích môi trường cũng như sức khỏe.
Đối với những thực phẩm tạo ra nhiều phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính nhất như thịt bò, cừu, các chế phẩm của sữa, dầu thực vật, giá tăng từ 15-40% sẽ kéo theo việc giảm lượng tiêu thụ trên thế giới từ 6-13%.
Về hoa quả và rau xanh, thuế chỉ dưới 3% và hầu như không ảnh hưởng lớn đến lượng tiêu thụ.
Kết quả lượng phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính trên toàn thế giới có thể giảm 1 tỷ tấn quy đổi CO2 mỗi năm, trong đó khoảng 9,3% có nguồn gốc từ thực phẩm. Khoảng 2/3 lượng CO2 quy đổi giảm được là nhờ hạn chế tiêu thụ thịt bò và 1/4 lượng giảm liên quan đến giảm tiêu thụ các chế phẩm từ sữa.
Nghiên cứu trên cũng chứng minh sức khỏe người dân sẽ tốt lên. Thế giới sẽ giảm được 107.000 trường hợp tử vong mỗi năm, trong đó đa phần là do các bệnh tim mạch gây ra.
Theo các nhà nghiên cứu, kịch bản hiệu quả nhất là cố định một loại thuế cho tất cả các loại thực phẩm, ngoại trừ rau và hoa quả, đồng thời bù giá cho người tiêu dùng tại các nước nghèo nhất.