ThienNhien.Net – Như Lao Động đã thông tin, lò nấu dầu thải (thuộc Công ty TNHH Tùng Dương) đóng trên địa bàn xã Nghĩa An, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định vừa được phép tái hoạt động, trong khi theo phản ánh của người dân, lò nấu dầu thải này gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Phan Văn Phong – Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) tỉnh Nam Định.
Không cung cấp văn bản cho báo chí
Sở TN&MT tỉnh Nam Định lý giải như thế nào về trường hợp Công ty TNHH Tùng Dương hoạt động trong lĩnh vực tái chế dầu thải 9 năm thì 7 năm không phép, thưa ông?
– Ông Phan Văn Phong – Phó Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Nam Định: Công ty Tùng Dương đúng như các anh nói có thời kỳ hoạt động như thế, không phải không có phép mà là có giấy phép do huyện Nam Trực cấp nhưng cũng không đúng quy định. Sau đó, Cảnh sát môi trường tỉnh Nam Định (C49) đã kiểm tra, xử lý. Thời gian sau, họ đã làm các thủ tục về môi trường và được Bộ TN&MT và Tổng cục Môi trường (TCMT) phê duyệt đề án bảo vệ môi trường chi tiết và cấp phép xử lý chất thải nguy hại. Thời gian vừa qua, người dân cũng có rất nhiều ý kiến, tỉnh huyện cũng đã tiếp rất nhiều. Cảnh sát Môi trường C49 trước đó đã kiểm tra, xử lý. Năm 2011, C49 kiểm tra và xử lý, một lần nữa phạt rất nặng, chủ yếu là do hành vi không có thủ tục.
Việc quản lý chất thải nguy hại phải có đánh giá tác động môi trường (ĐTM), vậy Công ty đã làm chưa? Sở TN&MT có thể cung cấp ĐTM của Công ty Tùng Dương không?
– Ông Phan Văn Phong: Công ty đã lập đề án đánh giá tác động môi trường, song đề án này do Bộ TN&MT phê duyệt, chúng tôi chỉ có bản sao. Nếu các anh cần cung cấp văn bản ấy thì đến Công ty, đến Bộ TN&MT. Chúng tôi chỉ có thể trả lời là người ta đã có và chúng tôi cũng có trong tay, còn việc cung cấp là do cơ quan phát hành ra người ta cung cấp. Chúng tôi không có thẩm quyền cấp và không dám cung cấp.
Công ty này có đảm bảo về môi trường tại địa phương hay không, thưa ông?
– Ông Phan Văn Phong: Công ty được TCMT cấp phép hành nghề chất thải nguy hại vào tháng 2.2015. Sau khi được cấp phép hoạt động thì người dân có ý kiến. Sau khi có ý kiến, công ty không hoạt động và đến tháng 5.2015, tỉnh chỉ đạo chúng tôi phối hợp với TCMT tổ chức đối thoại với dân công khai những thủ tục cũng như kết quả quan trắc môi trường của Công ty TNHH Tùng Dương trước nhân dân. Hôm đó, các kết quả phân tích khi vận hành thử đều đạt quy chuẩn cho phép. Tuy nhiên, nhân dân cho rằng nó ô nhiễm. Ngay sau đó, tình hình căng thẳng, TCMT đã ra văn bản tạm ngừng hoạt động. Đến tháng 1.2016, TCMT cho phép Công ty tiếp tục hoạt động trở lại. Tuy nhiên, đến giữa tháng 7 vừa rồi, Công ty mới hoạt động. Trong quá trình hoạt động, đến giữa tháng 8.2016, Công ty lấy mẫu phân tích chất thải để báo cáo và mẫu đạt tiêu chuẩn cho phép.
Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, cuối tháng 9.2016, Sở TN&MT đã lấy mẫu nước thải, đồng thời có văn bản đề nghị với TCMT chỉ đạo việc cử lấy mẫu chất thải nói chung của Công ty Tùng Dương. Tuy nhiên, TCMT chưa có phúc đáp, trả lời văn bản đề nghị của Sở TN&MT. Trước đây, chưa lấy mẫu lần nào, vì có cả một quá trình dài họ không hoạt động, vì công ty không hoạt động nên không lấy mẫu được. Công ty từng cam kết với huyện nên huyện theo dõi về mặt đó. Tất nhiên báo cáo lên chúng tôi đã biết, còn thủ tục do huyện cấp là chưa đúng.
Vậy Sở TN&MT cung cấp được những văn bản nào cho Báo Lao Động thưa ông?
– Ông Phan Văn Phong: Văn bản gì? Chúng tôi chỉ có các văn bảo là báo cáo nội bộ các cơ quan quản lý nhà nước. Cho nên chúng tôi không thể cung cấp văn bản mà chúng tôi chỉ cung cấp thông tin cho các anh.
Theo ông, những văn bản đó có thuộc loại cấm hoặc bí mật hay không?
– Ông Phan Văn Phong: Không phải!
Không phải thì dựa vào quy định nào mà không cung cấp cho báo chí, thưa ông?
– Ông Phan Văn Phong: Vì đây là những văn bản báo cáo giữa các cơ quan quản lý nhà nước… Bây giờ, anh cứ đặt ra yêu cầu cung cấp những văn bản gì, chúng tôi sẽ thống nhất trong nội bộ cơ quan. Cái gì có thể cung cấp được chúng tôi sẽ cung cấp. Chứ không có gì là bí mật cả, tức là trong những phạm vi có thể cung cấp được. Còn nếu là văn bản để chúng tôi trong quá trình báo cáo UBND thì cái đấy chúng tôi không thể cung cấp được.
Khẳng định có sai phạm
Theo ông, CSMT nhiều lần xử phạt Công ty TNHH Tùng Dương là có đúng không?
– Ông Phan Văn Phong: Tất nhiên người ta xử phạt là đúng. Ở thời điểm đó không đảm bảo, xử lý là đúng. Hoàn toàn đúng, nhưng tôi xin nhắc lại, đó là xử phạt hành vi không có thủ tục.
Việc này Sở TN&MT đã báo cáo lên UBND tỉnh chưa?
– Ông Phan Văn Phong: Cái đó cảnh sát xử phạt thì họ thông báo lên tỉnh. Chúng tôi có xử phạt đâu mà chúng tôi báo cáo. Tất nhiên, trong những văn bản báo cáo với tỉnh, chúng tôi đều nêu vấn đề trước đây Tùng Dương đã vi phạm và xử lý như thế nào. Chúng tôi tổng hợp và báo cáo với tỉnh. Nhưng cơ quan nào xử phạt thấy cần báo cáo hoặc thông báo với các cơ quan thì cơ quan đó thông báo. Những cái đấy, chúng tôi cũng nắm được cả.
Vậy trách nhiệm của các cơ quan chức năng tỉnh Nam Định khi để xảy ra sai phạm đó, thưa ông?
– Ông Phan Văn Phong: Quá trình trước là thuộc về trách nhiệm của UBND huyện, còn sau khi kiểm tra thì chúng tôi cũng như CSMT đã yêu cầu công ty nếu tiếp tục hoạt động thì phải làm thủ tục. Cũng phải mất đến gần 2 năm, họ mới hoàn thành thủ tục và được cấp phép hành nghề quản lý chất thải nguy hại vào tháng 1.2015. Khi chuẩn bị hoạt động, người dân lại có ý kiến, nên đến tháng 5.2015, TCMT yêu cầu đình chỉ. Mãi đến tháng 1.2016 vừa rồi, TCMT mới tiếp tục cho phép họ hoạt động trở lại. Cái này các anh muốn rõ thì phải hỏi TCMT vì người ta cấp giấy, chứ chúng tôi không thể giải thích.
Với chức năng quản lý nhà nước về môi trường, theo Sở TN&MT, Công ty Tùng Dương có thực sự đảm bảo hay chưa, thưa ông?
– Ông Phan Văn Phong: Nếu nói về thủ tục thì người ta đảm bảo và đã được cấp phép của Bộ TN&MT và TCMT, còn đảm bảo yêu cầu về môi trường hay không thì phải lấy mẫu phân tích. Hiện nay, mẫu phân tích khí thải chưa có kết quả cuối cùng. Chúng tôi đang báo cáo với TCMT xin ý kiến của Tổng cục chỉ đạo lấy mẫu, có mẫu phân tích được thì mới biết được người ta đảm bảo hay không. Đến nay cũng chưa ai chắc có đảm bảo hay không.
Do đề xuất của Sở TNMT tỉnh Nam Định và các văn bản gửi lên thì TCMT mới đồng ý để cấp phép hoạt động thử nghiệm trong thời gian 6 tháng, ông nói gì về điều này?
– Ông Phan Văn Phong: Không có gì mâu thuẫn cả, doanh nghiệp tiến hành đầu tư, trong đó xử lý chất thải nguy hại là một danh mục được khuyến khích đầu tư nhằm bảo vệ môi trường. Dầu mỡ phế thải phải được xử lý để phát tán vào môi trường ít đi. Ý của dân là họ bị ảnh hưởng môi trường từ những quá trình trước kia, còn suốt quá trình vừa rồi, người ta có hoạt động đâu. Cho nên, chính chúng tôi cũng muốn làm sao để xác định chính xác là Công ty có gây ô nhiễm hay không.
Chúng tôi đang báo cáo với UBND tỉnh. Thứ nhất, phải chờ kết quả kết quả phân tích chất thải. Đề nghị TCMT chỉ đạo lấy mẫu khí thải trong quá trình người ta hoạt động. Thứ 2, từ tình hình cụ thể dưới địa phương, chúng tôi cũng đang yêu cầu Phòng TN&MT huyện báo cáo buổi đối thoại vừa rồi và quan điểm của UBND huyện. Từ những cái đó, chúng tôi sẽ tổng hợp lại để báo cáo với UBND tỉnh và Bộ TN&MT. Còn việc có cho công ty này hoạt động tiếp hay không thì thuộc thẩm quyền của Bộ TN&MT vì Bộ cấp phép.
Quan điểm chúng tôi là phải làm sao bảo vệ môi trường trong sạch. Công ty nào hoạt động vi phạm môi trường thì phải xử lý. Chúng tôi không đối đầu với dân. Trong các kỳ tiếp dân ở tỉnh, chúng tôi đều tiếp người dân ở Nghĩa An. Cũng nhức nhối lắm, nhưng để có cơ sở đình chỉ Công ty này thì phải xác định chính xác là nó ô nhiễm. Mà suốt một quá trình dài như vậy, nó không hoạt động thì làm sao xác định được. Cho nên, chúng tôi cũng có cái khó.
Vừa qua, Sở TN&MT có nắm được dư luận, báo chí nêu về vấn đề Công ty Tùng Dương hay không?
(Ông Phong quay sang ông Đặng Văn Sỹ – Phó chi cục môi trường tỉnh Nam Định hỏi: “Anh Sỹ có nắm được không?”. Ông Sỹ trả lời: “Trước đó có một vài tờ báo, sau đó sở đã có văn bản trả lời các báo”).
– Ông Phan Văn Phong: Chúng tôi mong muốn báo chí phản ánh khách quan, vừa tạo điều kiện phát triển địa phương vừa phản ánh được ý kiến của người dân.
Xin cảm ơn ông đã trả lời phỏng vấn Báo Lao Động!