ThienNhien.Net – Việc nhiệt điện vốn Trung Quốc muốn đổ 1,5 triệu m3 chất thải từ nạo vét luồng hàng hải, vũng quay tàu xuống biển Bình Thuận đang khiến không ít người âu lo. Ngoài phá vỡ cân bằng hệ sinh thái, ảnh hưởng đến khu bảo tồn biển Hòn Cau, việc đổ chất thải nạo vét luồng hàng hải xuống đáy biển có thể phá hủy “ngôi nhà” của các loài thủy sinh, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, nuôi trồng thủy hải sản.
Hiệp hội tôm “kêu cứu”
Chia sẻ với PV. VietNamNet, ông Phan Tuấn Cự, phó Chủ tịch Hiệp hội tôm Bình Thuận không khỏi lo âu trước thông tin nhiệt điện Vĩnh Tân 1 muốn “nhận chìm” 1,5 triệu m3 chất thải nạo vét luồng hàng hải xuống biển. Bởi lẽ Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân nằm ở giữa 2 khu sản xuất tôm giống tập trung tại Xã Vĩnh Tân, Huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận, cách các đường ống lấy nước phục vụ sản xuất tôm giống không quá 1 km.
Ông Cự cho biết: Hiệp hội lo ngại việc nạo vét gần khu vực sản xuất tôm giống sẽ ảnh hưởng đến nguồn nước phục vụ tôm giống. Họ đổ thải chỗ nào chúng tôi cũng không nắm được. Nghe qua báo chí, thì ảnh hưởng đến khu bảo tồn Hòn Cau. Chỗ tôi cách khu bảo tồn Hòn Cau cách nhau 10 km. Nếu đổ thải ảnh hưởng đến Hòn Cau thì chắc chắn ảnh hưởng đến tôm giống.
Thế nhưng Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bình Thuận, Sở Nông nghiệp và Phát Triển Nông thôn tỉnh Bình Thuận, và ý kiến của Chi cục bảo vệ nguồn lợi thủy sản Bình Thuận khi xem xét hồ sơ xin nhấn chìm chất thải nạo vét của nhà máy nhiệt điện lại không nhắc tới ảnh hưởng đến sản xuất tôm giống và nuôi trồng thủy sản xung quanh nhà máy. Cho nên đại diện Hiệp hội tôm Bình Thuận muốn các cơ quan chức năng lưu ý đến việc nuôi tôm giống khi xem xét việc đổ thải nạo vét luồng hàng hải của nhà máy nhiệt điện.
Ngày 7/11, Hiệp hội Tôm Bình Thuận cũng đã có văn bản khẩn gửi UBND tỉnh bày tỏ lo ngại về việc nạo vét và đổ thải của nhà máy nhiệt điện với hoạt động sản xuất tôm giống.
Theo hiệp hội này, hiện nay mùa vụ tôm chuẩn bị bắt đầu, cho nên các doanh nghiệp sản xuất tôm giống đã nhập khẩu một lượng tôm bố mẹ rất lớn để phục vụ cho mùa vụ mới. Cho nên Hiệp hội tôm giống Bình Thuận kiến nghị UBND tỉnh khi góp ý cho hồ sơ xin đổ thải của nhà máy nhiệt điện, thì cần đặc biệt quan tâm đến sản xuất kinh doanh tôm giống, và môi trường thủy sản xung quanh khu vực nạo vét và đổ thải của nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân I.
“Đồng thời xin thông báo cho Hiệp hội tôm Bình Thuận biết những diễn biến liên quan đến môi trường trong vùng của nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân I, để Hiệp hội tôm Bình Thuận có cơ sở thông báo cho các hội viên biết để ứng phó kịp thời, tránh xảy ra rủi ro…, nhằm giảm thiểu thiệt hại cho các doanh nghiệp sản xuất tôm giống cũng như nuôi trồng thủy sản khác xung quanh nhà máy điện lực Vĩnh Tân I”, văn bản của Hiệp hội tôm Bình Thuận nêu rõ.
Nói về tác động của việc đổ thải, một chuyên gia của Hội Nghề cá Việt Nam cho hay: Anh có thể hình dung nó như sạt lở núi, trôi hết nhà cửa. Con tôm, cá, tất cả các loài thủy sinh có đáy biển của nó, nhất là tầng đáy, đó như ngôi nhà, nơi trú ẩn của các loài thủy sinh. Giờ đem bùn đất đổ vào thì có khác gì sạt lở núi trên cạn. Cuốn trôi hết không còn gì. Việc này làm mất toàn bộ sinh cảnh, hệ sinh thái ở đó, nơi trú ngụ của thủy sinh nói chung không còn. Tác hại của nó thấy rất rõ.
“Đây là một hoạt động ảnh hưởng đến môi trường. Trước khi đổ ra biển phải làm báo cáo đánh giá tác động môi trường, xem tác động thế nào theo đúng Luật Tài nguyên môi trường mới ban hành”, vị này nhấn mạnh.
San hô cũng khó thoát
Từng có thời gian nghiên cứu vùng biển nơi nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 1 xin đổ thải nạo vét luồng hàng hải, TS. Nguyễn Hữu Huân – Trưởng phòng sinh thái biển (Viện Hải dương học) cho rằng: Đổ một lượng lớn chất thải xuống vùng ven bờ giàu nguồn lợi sinh vật đáy, chưa tính đến độc tính của nguồn thải thì cũng sẽ làm ảnh hưởng lớn đến khu hệ sinh vật đáy do bị chôn vùi.
“Đặc biệt, rạn san hô sẽ bị ảnh hưởng rất lớn bởi hoạt động đổ thải do tác động của trầm tích vô cơ lắng đọng sẽ lấp san hô. Trong khi đó trầm tích hữu cơ do nhẹ nên trong môi trường động lực mạnh thường xuyên ở trạng thái lơ lửng và tái lơ lửng sẽ làm đục nước, làm giảm độ xuyên sâu của ánh sáng và như vậy sẽ không đủ ánh sáng cho quá trình quang hợp của tảo cộng sinh với san hô”, ông Huân giải thích dưới góc độ khoa học.
Cho rằng cần có đánh giá tác động một cách khoa học để xem xét được đổ thải hay không, chuyên gia của Viện Hải dương học vẫn lo lắng: Nếu đổ một lượng thải 1,5 triệu m3 lên một vùng biển ven bờ khoảng 30ha, với chế độ thủy động lực rất mạnh, chỉ cách nhà máy điện Vĩnh Tân khoảng 13km và cách ranh giới Khu bảo tồn biển Hòn Cau 500 m mà chưa có phương án cụ thể thì chắc chắn sẽ có ảnh hưởng không nhỏ đến môi trường và các hệ sinh thái biển trong khu vực.
Ông Huân chia sẻ: “Không thể lấy lý do là nếu đổ chất thải trên đất liền sẽ gây ô nhiễm nên đề xuất đổ xuống biển. Bởi lẽ, nhiều khi đổ ra biển tác động còn lớn gấp nhiều lần trên đất liền do tốc độ lan truyền nhanh, phạm vi ảnh hưởng lớn, đặc biệt là những vùng đa dạng sinh học cao, nguồn lợi phong phú và có các hệ sinh thái điển hình”.
“Cần thay đổi tư duy cứ cái gì không an toàn trên đất liền thì đem thải ra biển, khả năng của biển, nhất là các vực nước ven bờ, không phải vô cùng vô tận”, TS Nguyễn Hữu Huân chốt lại.