Phản ứng việc đổ 1,5 triệu m3 chất thải xuống biển

ThienNhien.Net – Hoạt động  nạo vét sẽ trực tiếp làm xáo trộn nơi cư trú, tiêu diệt các loài sinh vật đáy (nghêu, sò, ốc…).

Ngày 7-11, Hiệp hội Tôm giống Bình Thuận có văn bản khẩn gửi chủ tịch tỉnh Bình Thuận liên quan việc Công ty Điện lực Vĩnh Tân 1 sẽ đổ hơn 1,5 triệu m3 chất thải xuống biển Tuy Phong sau khi nạo vét luồng lạch hàng hải.

Không biết việc xin nhấn chìm bùn thải

Theo văn bản này, Trung tâm Điện lực Vĩnh Tân 1 nằm ở giữa hai khu sản xuất tôm giống tập trung tại xã Vĩnh Tân và chỉ cách các đường ống lấy nước phục vụ sản xuất tôm giống không quá một cây số. Tuy nhiên, Hiệp hội Tôm không hề được biết việc xin ý kiến thẩm định hồ sơ cấp giấy phép nhấn chìm bùn thải sau khi nạo vét. Trong khi hiện nay, các doanh nghiệp sản xuất tôm giống đã nhập khẩu một lượng tôm bố mẹ rất lớn để phục vụ cho mùa vụ mới.

Hiệp hội Tôm giống Bình Thuận kiến nghị khi tổng hợp các ý kiến về thẩm định hồ sơ, UBND tỉnh đặc biệt quan tâm ngành tôm giống và môi trường thủy sản quanh khu vực nạo vét và đổ thải. Đồng thời hiệp hội xin tỉnh thông báo diễn biến liên quan đến môi trường để hiệp hội có cơ sở thông báo cho các hội viên. Qua đó, giúp hội viên ứng phó kịp thời, tránh xảy ra rủi ro nhằm giảm thiểu thiệt hại cho các doanh nghiệp sản xuất tôm giống cũng như nuôi trồng thủy sản khác xung quanh nhà máy điện.

Các nhà máy nhiệt điện tại Trung tâm Điện lực Vĩnh Tân rất gần với Khu bảo tồn biển Hòn Cau. Ảnh: ĐỖ HỮU TUẤN
Các nhà máy nhiệt điện tại Trung tâm Điện lực Vĩnh Tân rất gần với Khu bảo tồn biển Hòn Cau. Ảnh: ĐỖ HỮU TUẤN

Hủy hoại vài chục hecta san hô

Cũng theo văn bản của Hiệp hội Tôm giống Bình Thuận, hiện nay Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 4 cũng đang nạo vét lấy đất dưới lòng biển để bồi đắp mặt bằng. Việc làm này gây sạt lở đất dọc bờ biển phía sau các khu sản xuất tôm giống xóm 7 (Vĩnh Tân), làm thiệt hại lớn cho các thành viên. Hiệp hội Tôm giống Bình Thuận có gần 50 hội viên, mỗi năm cung ứng cho thị trường hơn 20 tỉ con tôm giống chất lượng cao, chiếm 20% sản lượng tôm giống của cả nước.

Được biết trong hồ sơ xin cấp giấy phép nhận chìm chất thải trên biển, Công ty Điện lực Vĩnh Tân 1 thừa nhận khi nạo vét, đổ thải, môi trường trầm tích tại khu vực dự án sẽ bị xáo trộn, ảnh hưởng đến sinh vật biển. Hoạt động nạo vét sẽ trực tiếp làm xáo trộn nơi cư trú, tiêu diệt các loài sinh vật đáy (nghêu, sò, ốc…), đặc biệt ảnh hưởng mạnh đến một phần hệ san hô, cỏ biển ven bờ. Ước tính tổng diện tích san hô, cỏ biển bị hủy hoại lên đến vài chục hecta.

Có thể làm chết hàng loạt tôm giống

Hồ sơ này cũng thừa nhận hoạt động nạo vét cũng sẽ làm đảo nước, tăng độ đục, dầu mỡ…, ảnh hưởng xấu đến nơi cư trú của các loài động vật nước dẫn đến sự di trú của các loài tôm, cá sống trong khu vực. Và hồ sơ này kết luận: “Đây là tác động không thể đảo ngược của việc nạo vét”.

Hồ sơ dự án cũng cho biết hiện khu vực ven biển cách điểm nạo vét luồng tàu từ 1.000 đến 2.000 m có các công ty nuôi tôm giống. Kết quả khảo sát thực địa cho thấy mỗi trại giống có doanh thu hằng năm từ 200 triệu đến 8 tỉ đồng. Các trại này đều cần lấy nước biển để nuôi tôm. Do tôm giống rất nhạy cảm với việc thay đổi chất lượng nước nên nếu nguồn nước cấp bị ô nhiễm có thể làm chết hàng loạt tôm giống.

Phải có biện pháp phòng, chống ô nhiễm

Ngày 7-11, trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Lê Hùng Việt, Phó Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Bình Thuận, cho biết ngày 1-11, Sở TN&MT tỉnh Bình Thuận đã có văn bản gửi Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam liên quan đến việc xả thải. Trong đó Sở đề nghị chủ đầu tư nghiên cứu tận dụng tối đa vật liệu nạo vét để san lấp các khu vực lấn biển của cảng tổng hợp Vĩnh Tân và Trung tâm Nhiệt điện Vĩnh Tân… Ngoài ra, Sở TN&MT chỉ có ý kiến thẩm định hồ sơ xin cấp giấy phép, còn thẩm quyền cấp phép là do Bộ TN&MT quyết định. Để được cấp giấy phép, ngoài Bộ TN&MT còn phải có ý kiến thẩm định của nhiều bộ, ngành khác.

Ban Kinh tế Trung ương cũng vừa có tờ trình gửi Ban Bí thư về chỉ đạo giải quyết một số yêu cầu cấp bách có tác động lớn đến phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh Bình Thuận.

Theo đó kiến nghị giao cho Ban Cán sự Đảng Bộ TN&MT phối hợp với các bộ, ngành liên quan sớm rà soát, đánh giá lại tổng thể các tác động đối với môi trường của các dự án tại Trung tâm Điện lực Vĩnh Tân để có biện pháp phòng, chống, giảm thiểu nguy cơ gây ô nhiễm môi trường… Yêu cầu các chủ đầu tư phải thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng ngừa, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, trong đó sớm có phương án xử lý căn bản vấn đề tro xỉ.

______________________________
Phải bồi thường nếu xóa sổ ngành tôm

Cần phải có phương án khác và dừng ngay việc nhận chìm chất thải xuống biển. Nếu dự án nhận chìm chất thải được cấp phép, chủ đầu tư phải có cam kết nếu gây chết tôm, làm ô nhiễm nguồn nước, xóa sổ ngành tôm giống ở đây thì phải bồi thường.

Ông NGUYỄN HOÀNG ANH, Chủ tịch Hiệp hội Tôm giống Bình Thuận