ThienNhien.Net – Mexico vừa đưa ra các biện pháp nhằm đảm bảo các mục tiêu giảm 22% lượng phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính và 51% lượng carbon đen vào năm 2030.
Bộ Môi trường và Tài nguyên Mexico (Semarnat) khẳng định quốc gia Bắc Trung Mỹ này cam kết mạnh mẽ tuân thủ Hiệp định Paris về chống biến đổi khí hậu với mục tiêu nền kinh tế phải giảm thiểu lượng carbon dioxide (CO2) vào năm 2050.
Semarnat cho biết toàn bộ các công ty, doanh nghiệp hoạt động trong mọi lĩnh vực sẽ phải báo cáo hàng năm về mức phát thải các hợp chất gây hiệu ứng nhà kính và carbon đen.
Theo chiến lược đề ra, đến năm 2030, lượng phát thải CO2 đối với mỗi 1.000 peso (tương đương 52 USD) đóng góp vào Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) sẽ giảm xuống mức 24kg so với mức 40kg hiện nay.
Chính phủ Mexico cũng cam kết thúc đẩy chuyển đổi năng lượng sạch hướng tới mục tiêu 35% sản lượng điện quốc gia vào năm 2024 được sản xuất từ các nguồn năng lượng sạch, thân thiện với môi trường. Ngoài ra, Mexico cũng đang tirển khai chương trình thí điểm nhằm phát triển thị trường carbon, theo đó lĩnh vực tư nhân sẽ giảm phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính và duy trì cạnh tranh trong môi trường toàn cầu. Đây là dự án đầu tiên của mô hình này tại khu vực Mỹ Latinh.
Cách thức hoạt động của thị trường carbon là các doanh nghiệp giảm mức độ phát thải khí gây ô nhiễm môi trường sẽ được Semanart chứng nhận và cấp phép phát thải, trong khi đó, những doanh nghiệp khác gặp khó khăn trong việc giảm phát thải khí gây ô nhiễm môi trường sẽ phải mua giấy phép phát thải.
Những lĩnh vực mục tiêu mà thị trường hướng tới gồm giao thông, điện lực, hóa dầu, công nghiệp thép, xi măng, thủy tinh, hóa chất, giấy… Ước tính thị trường carbon Mexico vào khoảng 70 triệu tấn và giá khởi điểm sẽ là 2 USD/tấn.
Hiệp định toàn cầu hay còn gọi là Hiệp định Paris về chống biến đổi khí hậu được thông qua tại Paris, Pháp vào năm ngoái đã chính thức có hiệu lực từ ngày 4/11 vừa qua. Với văn kiện này, khoảng 200 quốc gia sẽ bắt đầu thực hiện các kế hoạch quốc gia nhằm cắt giảm lượng phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính theo cam kết đã đề ra.
Hiệp định này quy định một loạt biện pháp về bảo vệ khí hậu nhằm giữ mức tăng nhiệt độ trung bình toàn cầu trong phạm vi 1,5-2 độ C so với mức thời kỳ tiền công nghiệp.
Ngoài ra, hiệp định đặt mục tiêu từ nay đến năm 2020, các nước phát triển sẽ huy động tối thiểu 100 tỷ USD mỗi năm để giúp các nước đang phát triển chuyển đổi sang sử dụng những nguồn năng lượng sạch và ứng phó với biến đổi khí hậu. Văn kiện này có hiệu lực trong bối cảnh khí phát thải nhà kính được dự báo sẽ tăng lên từ 12 tỷ tấn đến 14 tỷ tấn vào năm 2030.