ThienNhien.Net – Tiểu vùng tứ giác Long Xuyên (TGLX) hiện là vựa lúa lớn nhất đồng bằng sông Cửu Long và cả nước. Để tiếp tục khai thác hiệu quả vùng đất màu mỡ và rộng lớn này, một trong những giải pháp được đề ra là liên kết, hợp tác sản xuất giữa các địa phương nằm trong tiểu vùng, nhằm tạo được lợi thế của vùng và cân đối lợi ích giữa các địa phương.
Từ chuyện công trình thủy lợi…
Tiểu vùng TGLX có diện tích tự nhiên gần 499.000 ha, nằm trên địa bàn ba tỉnh, thành phố: An Giang, Kiên Giang và Cần Thơ. Trong đó, phần lớn diện tích nằm ở An Giang và Kiên Giang, TP Cần Thơ chỉ khoảng 15.000 ha. Sau hơn 20 năm đầu tư khai phá, TGLX đã trở thành vùng sản xuất lúa gạo lớn nhất vùng đồng bằng sông Cửu Long với diện tích khoảng 350.000 ha, hằng năm tổng sản lượng lúa đạt gần năm triệu tấn. Bên cạch đó, ngành nuôi trồng thủy sản nước ngọt và lợ cũng phát triển nhanh, đóng góp lớn cho kinh tế của vùng. Chỉ tính riêng diện tích nuôi cá tra ở An Giang và Cần Thơ đã khoảng 2.000 ha, chiếm một phần ba diện tích nuôi ở đồng bằng sông Cửu Long.
Những ngày đầu tháng 10 vừa qua, mực nước tại tiểu vùng TGLX, khu vực thượng nguồn (tỉnh An Giang) lên nhanh. Dự báo mực nước lũ năm nay cao hơn năm 2015 từ 0,5 đến 0,9 m, tuy nhiên vẫn thấp hơn so với những năm trước nữa. Hai đập Tha La và Trà Sư đã bắt đầu mở xả lũ, vùng hạ lưu (Kiên Giang) nước cũng đã bắt đầu lên.
Theo một số lão nông cao tuổi sống ở khu vực này, khoảng 20 năm trước, cả một vùng đất rộng lớn có hình tứ giác giáp với miệt Long Xuyên, Rạch Giá dường như hoang hóa. Một phần diện tích chỉ trồng được một vụ lúa mỗi năm, vì mùa mưa nước lũ trắng đồng, mùa khô xâm nhập mặn vào sâu bên trong. Đến những năm 1996-2000, Nhà nước chủ trương đầu tư hệ thống thoát lũ ra biển Tây qua TGLX, những con kênh được đào ngang, xẻ dọc, hệ thống đê biển, cống đập ngăn mặn, giữ ngọt, từng bước hoàn thành đã làm thay đổi cơ bản yếu tố tự nhiên, môi trường, kinh tế – xã hội của vùng. Phần lớn diện tích đất ở TGLX được đưa vào sản xuất và nhanh chóng tăng về số vụ; nhiều diện tích đất người dân đưa vào canh tác mỗi năm đến ba vụ lúa. Nhiều khu vực trước kia trồng tràm, mía, khóm… đã bị phá bỏ để canh tác lúa, và dần dần tình trạng độc canh cây lúa trở nên phổ biến ở vùng đất này. Ông Đỗ Quý Hạo, ngụ huyện Hòn Đất (Kiên Giang), người một thời được mệnh danh là “vua khoai lang” cho rằng, TGLX là vùng đất có tiềm năng để đa dạng hóa sản xuất, sự phát triển thời gian qua chưa tương xứng với tiềm năng đất và nước. Một trong những nguyên nhân tác động là sự bất ổn về thị trường tiêu thụ, trong đó việc liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân trong tiêu thụ nông sản chưa được đẩy mạnh, do thiếu các doanh nghiệp đầu tàu, tiềm lực mạnh để dẫn dắt, hình thành chuỗi giá trị. Đối với lĩnh vực thủy sản, tình trạng phát triển nóng, phát triển ngoài quy hoạch đã xảy ra, ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường, gây nên tình trạng cung vượt cầu, lợi nhuận sụt giảm mạnh…
Bên cạnh đó, thời gian qua các yếu tố về biến đổi khí hậu và một số nguyên nhân khác cụ thể như tình hình hạn hán, xâm nhập mặn, lũ kém đã ảnh hưởng đến môi trường, tác động xấu đến đời sống, sản xuất của người dân. Đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN và PTNT) Kiên Giang cho rằng, việc tổ chức sản xuất và kiểm soát lũ giữa các địa phương trong tiểu vùng phụ thuộc vào sự vận hành của hai đập Tha La và Trà Sư khi có lũ chính vụ. Sau khi thu hoạch hoàn toàn vụ lúa hè thu vào đầu tháng 9 hằng năm, hai đập Tha La và Trà Sư bắt đầu mở để xả lũ, nhằm giảm mực nước thượng nguồn. Hệ thống thủy lợi này đã tạo điều kiện cho một số nơi phát triển sản xuất vụ thu đông. Sau khi hoàn thành vụ thu đông, tỉnh An Giang tiến hành đóng hai đập này nhằm hạ thấp mực nước trên các kênh rạch nội đồng, tạo điều kiện cho người dân sản xuất vụ đông xuân năm sau. Tuy nhiên trong công tác vận hành hai đập này cũng nảy sinh một số vấn đề, bởi trong cùng tiểu vùng nhưng lịch sản xuất của hai tỉnh An Giang và Kiên Giang có sự chênh lệch do một tỉnh ở đầu nguồn-nơi tiếp nhận lũ, tỉnh cuối nguồn-nơi thoát lũ.
… Đến chuyện chia sẻ nguồn nước
Tiến sĩ Đỗ Minh Nhựt, Phó Giám đốc Sở NN và PTNT tỉnh Kiên Giang nhấn mạnh, liên kết vùng sẽ giải quyết được những vấn đề mà một địa phương không thể giải quyết như: biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn, khô hạn, quản lý, kiểm soát và điều tiết nguồn nước, tài nguyên đất đai; bảo vệ môi trường… Tuy nhiên, Giám đốc Sở NN và PTNT tỉnh Kiên Giang Nguyễn Văn Tâm, thừa nhận, thời gian qua vấn đề liên kết vùng mới chỉ xoay quanh việc chia sẻ nguồn nước và khẳng định: “Thực tế sản xuất nhiều năm qua, đặc biệt là tại vùng đất rộng lớn TGLX, cho thấy các mô hình hợp tác, liên kết đã mang lại kết quả tích cực. Vì vậy, trong bối cảnh tái cơ cấu kinh tế và hội nhập kinh tế thế giới thì việc liên kết càng trở nên cấp thiết. Chỉ có liên kết mới tạo được lợi thế cạnh tranh, tạo ra nguồn sản phẩm có khối lượng lớn, chất lượng cao đáp ứng tốt cho thị trường”. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Mai Anh Nhịn cho rằng, Kiên Giang và An Giang là hai tỉnh có diện tích lớn nằm trong tiểu vùng TGLX, việc liên kết có thể thực hiện ngay về lịch thời vụ và vận hành hệ thống thủy lợi. Liên kết tốt không chỉ sẽ bảo đảm khâu sản xuất, thu hoạch mà còn thuận lợi trong tiêu thụ nông sản, nâng cao lợi nhuận.
Đợt hạn mặn lịch sử vừa qua và tình trạng lũ kém một vài năm gần đây đã đặt ra những vấn đề cấp thiết cần giải quyết ở quy mô cấp vùng như: kiểm soát xâm nhập mặn, cấp nước tưới và sinh hoạt, kiểm soát lũ, ô nhiễm nguồn nước, thủy lợi… Theo Viện Quy hoạch thủy lợi miền nam, ngoài những công trình nằm trong từng tỉnh có tác động lên toàn vùng, những công trình lớn mang tính liên kết tiểu vùng các tỉnh cần đưa vào kế hoạch, tranh thủ nguồn vốn thực hiện như: Nạo vét hệ thống kênh trục nối sông Hậu với biển Tây để tăng cường khả năng thoát lũ, cấp nước vào mùa kiệt; sửa chữa hai đập tràn Tha La và Trà Sư; đầu tư các cốngdọc sông Hậu; nâng cấp hệ thống đê biển Tây và các công trình kiểm soát mặn còn thiếu. Ngoài ra cần tiếp tục hoàn thiện hệ thống đê biển Tây kết hợp với tuyến đường giao thông ven biển…
Để cùng phát triển
Thứ trưởng Bộ NN và PTNT Trần Thanh Nam cho biết: Nghị quyết Đại hội XII của Đảng và Chiến lược phát triển kinh tế – xã hội giai đoạn 2011-2020 đã nhấn mạnh, phải tăng cường liên kết giữa các địa phương trong vùng theo quy hoạch, nhằm khắc phục tình trạng đầu tư trùng lặp, thiếu liên kết giữa các địa phương trong vùng; phối hợp giữa các vùng để các vùng cùng phát triển, từng bước giảm bớt chênh lệch và hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung. Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cũng đã giao UBND tỉnh An Giang chủ trì phối hợp với các tỉnh thuộc tiểu vùng TGLX xây dựng đề án “Liên kết phát triển bền vững tiểu vùng TGLX”. Theo đó, việc xây dựng đề án cần lấy ý kiến các bộ, cơ quan liên quan và các nhà khoa học. Các ý kiến tại hội thảo “Liên kết, hợp tác sản xuất nông sản chủ lực tiểu vùng TGLX” vừa tổ chức tại Kiên Giang đã gợi mở: Việc liên kết cần tập trung vào bảy nội dung chính: Liên kết phát triển hạ tầng; liên kết bảo vệ, quản lý và khai thác tài nguyên nước; liên kết quy hoạch vùng sản xuất; liên kết kêu gọi hợp tác đầu tư; liên kết xây dựng chuỗi ngành hàng và thương hiệu nông sản; liên kết trong khuyến nghị chính sách chung cho tiểu vùng; liên kết để phản hồi chính sách cho Chính phủ. Về sản phẩm, lúa gạo và công nghệ chế biến lúa gạo vẫn là ngành hàng chủ lực của tiểu vùng TGLX, tiếp đến là ngành hàng thủy sản, ngành còn rất nhiều tiềm năng phát triển.
Để phát triển tốt các ngành hàng này thì các địa phương trong tiểu vùng cần “bắt tay” cùng làm tốt công tác quy hoạch, xây dựng các cụm liên kết, liên kết chuỗi giá trị, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng và dịch vụ công. Trong quy hoạch, căn cứ vào quy hoạch tổng thể vùng đồng bằng sông Cửu Long để xây dựng quy hoạch phát triển ngành thuộc tiểu vùng TGLX. Trong đó cần quan tâm đến yêu cầu thích ứng với biến đổi khí hậu, xác định quy mô, thời vụ, cơ cấu cây trồng, vật nuôi hợp lý của các tỉnh trong vùng. Phải xác định phạm vi, địa điểm, quy mô để xây dựng cụm liên kết ngành lúa gạo và thủy sản gắn kết với các vùng chuyên canh. Trong liên kết chuỗi giá trị, phải xác định chuỗi giá trị chính và cơ cấu phối hợp giữa các doanh nghiệp đầu tàu với doanh nghiệp vừa và nhỏ, với hợp tác xã, tổ nhóm nông dân, trang trại…
Một trong những vấn đề quan trọng trong liên kết là cơ cấu huy động nguồn lực. Cần phải xem xét việc phối hợp chặt chẽ giữa nguồn lực trung ương và địa phương, giữa nguồn lực khu vực công và khu vực tư, giữa doanh nghiệp và người dân. Việc sử dụng nguồn lực cần tập trung vào các công trình, công đoạn sản xuất, kinh doanh, dịch vụ công trọng yếu để thúc đẩy liên kết vùng và xem xét đề xuất một số chính sách đặc thù của riêng tiểu vùng để thúc đẩy liên kết này.