ThienNhien.Net – Tuyến đê biển Tây thuộc địa bàn tỉnh Kiên Giang đang bị hàng trăm hộ dân xâm chiếm làm nhà ở, trồng cây, đào bới làm công trình phục vụ sản xuất nông nghiệp. Không những vậy, nhiều đoạn đê còn bị sạt lở rất nghiêm trọng do mất rừng phòng hộ ven biển.
Xâm chiếm tràn lan
Tuyến đê biển Tây đi qua nhiều huyện, thị, thành phố thuộc địa bàn tỉnh Kiên Giang có tổng chiều dài gần 200 km, bắt đầu Mũi Nai (TX Hà Tiên) đến Rạch Tiểu Dừa (huyện An Minh, giáp ranh với tỉnh Cà Mau). Dọc theo tuyến đê có rất nhiều cửa sông đổ ra biển, được bố trí, xây dựng nhiều công trình thủy lợi quan trọng như cống thoát lũ, ngăn mặn, giữ ngọt phục vụ sản xuất và bảo vệ đời sống dân sinh.
Mặc dù có tầm quan trọng lớn như vậy, nhưng nhiều hộ dân vì thiếu ý thức hoặc vì cuộc sống mưu sinh đã cố tình xâm chiếm, làm hư hại thân đê. Ở hầu hết các địa phương đều xảy ra tình trạng vi phạm, nhất là gần các các công trình xây dựng ở các cửa sông, cửa cống đổ ra biển.
Các hành vi vi phạm phổ biến là bao chiếm đất, xây dựng nhà ở trái phép trong phạm vị bảo bệ đê, lấn chiếm trồng cây lâu năm, trồng rau màu… Một số hộ dân có đất sản xuất phía trong đê thì đào bới, đặt ống bọng lấy nước phục vụ sản xuất.
Các huyện có số hộ vi phạm nhiều là Hòn Đất, An Biên, An Minh… Những tháng đầu năm 2016, Phòng Thanh tra- Pháp chế (Chi cục Thủy lợi Kiên Giang) đã tiến hành kiểm ra, lập biên bản tại huyện Hòn Đất 28 trường hợp, An Minh 12 trường hợp vi phạm. Đồng thời, gửi rất nhiều văn bản đề nghị chính quyền địa phương xử lý dứt điểm các hộ vi phạm. Tuy nhiên, tình hình chuyển biến rất chậm.
Có mặt tại các địa phương, chúng tôi ghi nhận rất nhiều trường hợp vi phạm đê điều. Tại huyện Hòn Đất như thị rấn Sóc Sơn có 6 hộ, xã Bình Sơn 6 hộ, Thổ Sơn 4 hộ, Lình Huỳnh 3 hộ, Bình Sơn 6 hộ…; huyện An Minh chỉ riêng xã Vân Khánh đã có 12 hộ vi phạm. Vi phạm chủ yếu là làm nhà trái phép trong phạm vi bảo vệ đê, cống, đào đê để trồng hoa màu, thậm chí có cả hộ dùng máy xúc đào phá đê.
Ông Trịnh Đình Bảo, Phụ trách phòng Thanh tra- Pháp chế cho biết, tình trạng xâm phạm đê biển ở các địa phương diễn ra nhiều năm nay. Đơn vị đã phối hợp với chính quyền lập biên bản, xử lý nhưng vẫn không giảm. Trong khi đó, lực lượng của phòng lại ít người, tuyến đê dài gần 200 km nên kiểm tra không xuể.
Mất rừng, đê lở
Không chỉ bị xâm hại, tuyến đê biển Kiên Giang còn xảy ra tình trạng sạt lở rất nghiêm trọng, nhiều đoạn dài cả km ăn sâu vào thân đê. Mà nguyên nhân chủ yếu là do cánh rừng phòng hộ trước biển đã bị tàn phá (do cả yếu tố tự nhiên và con người), vào mùa gió chướng sóng biển đánh thẳng vào gây sạt lở. Thân đê biển ở Kiên Giang chủ yếu đắp bằng đất tại chỗ nên khi đã bị sạt lở là xảy ra rất nhanh.
Ông Nguyễn Ngọc Nại, Trưởng phòng Phòng chống Thiên tai (Chi cục Thủy lợi Kiên Giang) cho biết, khảo sát mới đây cho thấy, toàn tuyến đê có 16 điểm sạt lở, với tổng chiều dài 27.330 m. Trong đó, điểm sạt lở ngắn nhất cũng khoảng 200 m, điểm dài từ 1,5 – 2 km. Các địa phương có đê biển bị sạt lở nhiều là Hòn Đất, Kiên Lương, An Biên, An Minh…
Riêng huyện Hòn Đất đang có 9 điểm sạt lở, nhiều nơi xảy ra rất nghiêm trọng. Tại xã Bình Giang, có 3 điểm sạt lở với tổng chiều dài 3,5 km; Thổ Sơn 3 điểm, 3,4 km; Lình Huỳnh 3 điểm, 2,5 km… Đặc điểm chung của các điểm sạt lở này là bị mất gần hết đai rừng phía trước, sóng đánh thẳng vào chân đê gây mất đất rừng, phá vỡ đê ngăn mặn.
Địa hình tuyến bờ biển Kiên Giang chủ yếu là bãi bồi, địa chất yếu, tại các tuyến dọc bờ biển, các kênh thông ra biển và các kênh trục chính có nhiều vị trí xung yếu bị sạt lở nghiệm trọng. Để khắc phục tình trạng này, có 2 việc song song phải làm là kè chống sạt lở và trồng lại rừng phòng hộ ven biển. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất vẫn là thiếu kinh phí.
Mới đây, Sở NN-PTNT Kiên Giang đã có văn bản trình UBND tỉnh kiến nghị Chính phủ, Bộ NN-PTNT xem xét, ưu tiên cấp vốn cho Kiên Giang thực hiện 3 dự áp cấp bách nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng chống hạn mặn, giữ ngọt phục vụ sản xuất và dân sinh với tổng kinh phí 2.849 tỷ đồng.
Trong đó, có 2 dự án liên quan đến đê biển gồm đoạn từ Kiên Lương đến Châu Thành (1.043 tỷ đồng) và đoạn từ An Biên đến An Minh (901 tỷ đồng).
“Xâm hại đê biển, ngoài dân địa phương còn có ngư dân ở các tỉnh khác đến. Họ thường dựng nhà tạm trên đê để ở, làm hết mùa vụ rồi lại chuyển đi. Những đối tượng này rất khó xử lý, nếu địa phương kiểm tra thì họ chuyển đi nơi khác. Còn sạt lở đê biển ngày càng xảy ra nghiêm trọng, nhất là ở những bãi bồi. Cần phải có giải pháp căn cơ là kè bằng đá và trồng lại rừng phòng hộ thì mới đảm bảo”, ông Cao Văn Nam, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi Kiên Giang.