ThienNhien.Net – Gỗ quý đường kính hơn cả mét bị “lâm tặc” đốn hạ, để lộ ra những khoảng rừng trống huơ trống hoác. Cả trăm khối gỗ bị cưa xẻ, dấu vết mới tinh nằm ngổn ngang giữa rừng khiến rừng Hóa Sơn như một “công trường” khai thác gỗ lậu của “lâm tặc”.
Đúng như lời người dẫn đường nói, vào sâu trong rừng, tận mắt chứng kiến cảnh “lâm tặc” tàn phá rừng Hóa Sơn, huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình, mới hiểu chuyện hàng chục phách gỗ, rồi những tấm gỗ, thân cây lũ suối cuốn về giữa suối ở bên ngoài chỉ là chuyện nhỏ.
Ngổn ngang hàng trăm khối gỗ giữa rừng
Sau 1 tiếng rưỡi đồng hồ băng núi dốc hiểm trở, chúng tôi chạm đến khu vực “giàu” gỗ của rừng Hóa Sơn, thuộc tiểu khu 142 do Lâm trường Minh Hóa quản lý. Vào vùng này, chỉ trong khoảng 2 giờ len lỏi theo các lối mòn giữa rừng, bắt gặp hàng trăm cây gỗ quý bị “lâm tặc” triệt hạ không thương tiếc.
Các loại gỗ bị triệt hạ không thương tiếc như: lát khét (thuộc nhóm II), cà ổi (nhóm II, người địa phương còn gọi là dẻ gai), chự (nhóm III), trường chua (nhóm III), gội nếp (nhóm IV), thông tre (nhóm I), bộp (nhóm VIII, còn gọi là đa xanh), giáng hương… Đây đều là những loại gỗ quý, có giá cao và được ưa chuộng trên thị trường.
Dấu vết cưa xẻ để lại cho thấy mới cũ khác nhau, nhưng đa phần chỉ trong khoảng 3 tháng trở lại đây. Cây đường kính nhỏ nhất là 80cm, những cây lớn đường kính lên đến 1,2 – 1,3m. Có cây đường kính gốc rộng cả mét rưỡi. “Lâm tặc” ở đây rất “sang”, chỉ chọn những cây từ 80cm trở lên.
“Các anh xem rừng bị phá tan hoang, khác chi bãi chiến trường. Khu vực này giờ chẳng còn được mấy cây gỗ lớn có giá trị nữa”, người dẫn đường nói. Những cây gỗ bị cưa đổ, thân và ngọn đè xuống quần nát cả một vạt rừng rộng hàng chục m2. Phía dưới đất, cành, ngọn, mạt cưa, bìa (phần vỏ bên ngoài)…mà “lâm tặc” bỏ lại nằm ngổn ngang. Nhiều cây khác đã bị cưa đổ, nhưng chưa cắt xẻ và lá còn chưa rụng.
“Đường nối từ cửa rừng ra ngoài thì chỉ có một. Nhưng trong này thì rất nhiều đường bởi “lâm tặc” săn lùng và phá đường để vận chuyển gỗ. Tìm đường khác để ra thôi, chứ quay lại thấy cảnh tượng cũ, xót lắm!”, chúng tôi trở ra theo lời người dẫn đường. Nhưng chỉ đi được mươi phút, cảnh tượng còn kinh khủng hơn.
Chỉ một vạt rừng rộng hơn 150m2 đã có 4 cây gỗ trường chua đường kính đều hơn 1m bị triệt hạ: 2 cây bị cưa đổ nhưng chưa được cắt xẻ đè rạp cả một khoảng rừng; 2 cây khác vừa bị cắt xẻ xong và dường như “lâm tặc” chỉ mới đi cách vài chục phút. Vết cưa xăng trên từng phách gỗ, gốc cây, còn mới tinh, đỏ ứa. Dù cả ngày đã trải qua 4 – 5 trận mưa, nhưng nước mưa vẫn chưa thấm hết mạt cưa vương vãi giữa rừng.
Ngược lên phía đỉnh núi cách đó khoảng 150m, thêm 2 cây lát khét và bộp cũng vừa bị cắt xẻ. Theo ước tính, lượng gỗ của các cây đã bị đốn hạ, chưa cắt xẻ và đã được cưa xẻ nhưng chưa gùi ra ngoài còn nằm lại giữa rừng lên đến hàng trăm khối. Các loại gỗ ở đây được “lâm tặc” cưa xẻ thành nhiều dạng khác nhau. Loại thì được cắt thành phách dài để đóng khung cửa nhà, loại được xẻ thành phách hơn 40cm rộng, gần 2m dài để đóng quan tài, loại nhỏ hơn để đóng đồ gia dụng…
Rừng đã “chảy máu” nhiều năm
Vừa trượt xuống khỏi một dốc cao, đập vào mắt chúng tôi là một cây gội nếp có đường kính hơn 1,3m, cao hơn 50m bị đốn ngã nằm chắn giữa đường mòn. Dấu vết cưa máy dưới gốc cây còn ứa nhựa, phía trên ngọn đổ xuống, lá vẫn chưa rụng khỏi cành. Cạnh đó, một cây dẻ rừng đường kính khoảng hơn 30cm khác cũng bị triệt hạ.
“Chúng phá đến thế là cùng! Cây dẻ này nhỏ chưa lấy gỗ được, nhưng vì lúc cắt cây gội nếp vướng quá nên bị hạ luôn. Thường thì sát bên lối đi, “lâm tặc” sẽ “ngại” nên không cắt, nhưng bây giờ thì họ liều mạng lắm rồi”, người dẫn đường cho hay.
Trên những lối mòn dốc trong rừng Hóa Sơn, một phần đường mòn vì người đi, phần khác do “lâm tặc” kéo gỗ đi khiến mặt đường mòn vẹt. Theo người dẫn đường, lợi dụng địa hình đường dốc, đất mềm, “lâm tặc” néo dây một đầu phách gỗ rồi kéo xuôi theo dốc ra khỏi rừng. Khi xuống suối, nước cạn mới phải gùi gỗ, những đoạn nước to, “lâm tặc” sẽ thả nổi để kéo đi để khỏi mất sức. “Rừng này bị tàn phá nhiều năm nay rồi, các anh xem dấu đường đi thì biết. Đường mòn lắm mà có dấu gì khác ngoài dấu chân với vệt kéo gỗ đâu?”, người dẫn đường nhận xét.
Rừng Hóa Sơn đang bị tàn phá kinh hoàng. Cũ có, mới có, cho thấy rừng không chỉ bị phá vào một thời điểm nhất định, mà rừng đã bị “chảy máu” trong một thời gian dài nhưng đơn vị chủ rừng, lực lượng chức trách vì sao vẫn chưa có động thái gì? Chúng tôi trở ra khỏi rừng mà trong lòng cứ day dứt mãi: Ai sẽ cứu những cây gỗ quý còn lại thoát khỏi lưỡi cưa “lâm tặc”?
“Luật rừng” đánh dấu gỗ
Đến một đoạn rừng nữa, gặp mấy cây trường chua, gội nếp, bộp to đẹp, đường kính hơn cả mét chưa bị đốn hạ đứng bên lối đi, chúng tôi tỏ vẻ mừng bỗng hụt hẫng ngay: “Những cây đó đã được đánh dấu là có người chọn rồi, coi như gỗ đã có “chủ”. Người khác không được đụng đến! Đó là luật của “lâm tặc”, trước sau gì cũng bị đốn. Không tin vạch dưới gốc mà xem”, người dẫn đường khẳng định. Chúng tôi vạch tìm, thấy dưới những gốc cây này đều có những dòng chữ nguệch ngoạc, khó đọc. |