ThienNhien.Net – Trong nhiều ngày, PV đã theo chân một người đi rừng thâm nhập vùng rừng tự nhiên Hóa Sơn (huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình) chứng kiến rừng thuộc khu vực vùng đệm Di sản thiên nhiên thế giới – Vườn Quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng trong tình cảnh bị “lâm tặc” tàn phá.
Con đường độc đạo nối từ địa bàn dân cư vào sâu trong rừng ngổn ngang gỗ lậu, “lâm tặc” ngang nhiên vác cưa xăng vào rừng triệt hạ những cây gỗ quý cổ thụ rồi cưa xẻ, gùi gỗ ra ngoài như chốn không người.
Đó là tình hình đáng báo động với hàng nghìn hecta rừng thuộc địa phận xã Hóa Sơn, huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình. Vùng rừng này thuộc tiểu khu 142, trong lâm phận của Lâm trường Minh Hóa quản lý, trên lý thuyết là nghiêm cấm mọi hình thức khai thác, vận chuyển, mua bán, tàng trữ và sử dụng.
Đường độc đạo ngập gỗ lậu
Trong nhiều ngày, nhờ một người địa phương thông thạo địa bàn dẫn đường, phóng viên đã bí mật tìm cách thâm nhập vào khu vực rừng Hóa Sơn.
Người dẫn đường cho rằng: “Lâm tặc” vùng này tung hoành ngang nhiên một phần vì liều lĩnh, phần nữa do kiểm lâm, bảo vệ rừng và các lực lượng chức năng tại đây không hề quyết liệt, thậm chí có biểu hiện tiếp tay cho “lâm tặc”. |
Theo con đường độc đạo cuối thôn Tăng Hóa, xã Hóa Sơn vào rừng, chẳng mấy khó khăn để nhận biết nạn “lâm tặc” tung hoành nơi đây. Ra khỏi thôn chỉ vài trăm mét, chúng tôi bắt gặp 11 phách gỗ trường chua (dân địa phương thường gọi là gỗ trơng) đã được cắt xẻ từ lâu trong rừng, nay được “lâm tặc” ngang nhiên đưa ra tập kết. Thấy chúng tôi dừng lại để ghi hình, người dẫn đường bảo: “Tập trung băng rừng đi kẻo muộn. Đi vào nữa kinh khủng hơn, sợ các anh không đủ sức quay phim, chụp ảnh ấy chứ”.
Đến ở những đoạn cắt ngang qua suối, thấy ngay nhiều tấm gỗ bìa lớn, thân, gốc cây to đường kính cả mét nằm ngổn ngang ở các vỉa đá lớn chặn giữa dòng. Số gỗ này do “lâm tặc” không tận dụng hết nên bỏ sót lại trong rừng, mấy trận mưa lớn khiến nước dâng từ thượng nguồn cuốn về. Vị trí chúng tôi đang đi đã ở gần vùng lõi của rừng Di sản thiên nhiên thế giới Phong Nha – Kẻ Bàng.
“Người thạo đi rừng chỉ mất 4 tiếng băng qua rừng vùng đệm là đặt chân vào vùng lõi. Còn như các anh thì phải mất 6 tiếng, có thể hơn… Nạn khai thác gỗ trái phép hoành hành như thế, rừng Hóa Sơn chẳng bao lâu mà kiệt sạch gỗ, “lâm tặc” cũng sẽ tràn vào vùng lõi thôi. Thấy chúng phá rừng, xót lắm mà chẳng làm gì được. Cả mấy trạm bảo vệ rừng của lâm trường (Lâm trường Minh Hóa – PV), kiểm lâm (Trạm Kiểm lâm Hóa Sơn của Hạt Kiểm lâm huyện Minh Hóa, thuộc Chi cục Kiểm lâm Quảng Bình), rồi cả biên phòng mà có cũng như không!”, người dẫn đường nói với vẻ ái ngại.
“Lâm tặc” tung hoành
Trên hành trình thâm nhập vào rừng Hóa Sơn, trải qua nhiều trận mưa rào nặng hạt, chúng tôi phải nấp vào các bụi cây rừng rậm hoặc các tảng đá lớn để tránh ướt. Chỉ sau khoảng 45 phút đi bộ, chúng tôi đã phải trú mưa đến 2 lần. Mưa vừa dứt ở một ngã ba suối, chúng tôi vùng dậy tiếp tục vượt rừng thì người dẫn đường níu lại: “Khoan! Có người”.
Nghe chưa dứt lời, chúng tôi đã thấy ngay 2 bóng người ló ra từ khúc cua đường mòn. Một người đàn ông vác trên vai chiếc cưa xăng (máy cưa xích động cơ xăng) phăm phăm đi xuống băng ngang qua suối, theo sau là một người phụ nữ gùi phía sau một phách gỗ lát khét (người địa phương hay gọi là chò vảy), rộng hơn 30cm. Người dẫn đường nhận diện, 2 người này là vợ chồng ở Hóa Sơn, họ vừa đốn xẻ xong một vài cây gỗ lớn nào đó, trở về để thuê người vào gùi gỗ ra ngoài.
Theo nắm bắt của chúng tôi, thời gian vào đầu mùa mưa năm nay, nạn “lâm tặc” tàn phá rừng Hóa Sơn diễn ra rất ồ ạt. Chỉ cần 1 chiếc cưa xăng và ít lương thực vào rừng chưa đầy 1 ngày là “lâm tặc” đã có thể triệt hạ vài cây cổ thụ, cưa xẻ thành từng phách vuông vức rồi trở ra thuê người vào rừng gùi gỗ ra ngoài. “lâm tặc” ở vùng này còn thuê sơn tràng từ tận vùng Troóc (xã Phúc Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình) lên đây để gùi gỗ ra. “Sơn tràng vùng Troóc được chuộng thuê vì họ rất giỏi đi rừng và có thể gùi nặng gấp rưỡi, gấp đôi sơn tràng bản địa”, người dẫn đường lý giải.
Công đoạn khai thác của “lâm tặc” ở rừng Hóa Sơn diễn ra rất nhanh chóng và ồ ạt. Hành trang vào rừng của “lâm tặc” ở vùng này rất gọn nhẹ với chiếc cưa máy Trung Quốc sản xuất (giá trên thị trường tầm 12 – 13 triệu) và ít lương thực cho bữa ăn trưa. Gặp cây gỗ nào ưng ý là cắt ngang gốc đổ xuống, rồi cưa xẻ xong xuôi thì chỉ mất hơn 2 tiếng đồng hồ.
Câu chuyện giữa chúng tôi bị gián đoạn bởi những tiếng gỗ rừng va lục cục vào đá. Một nam thanh niên trẻ gùi phách gỗ chự (dân địa phương gọi là gỗ dự) dài khoảng 2,3m, rộng khoảng 50cm từ phía trên đỉnh núi đi xuống theo đường mòn bên suối. Cách phía sau khoảng 100m là một người đàn ông trung tuổi gùi một phách gỗ gội nếp rộng khoảng 60cm. Khi gặp chúng tôi, những người vác cưa xăng, gùi gỗ – tất cả họ chẳng tỏ vẻ sợ sệt hay e ngại gì. Theo người dẫn đường, “lâm tặc” vận chuyển vận chuyển gỗ ra khỏi rừng sẽ tập kết ngay chính trên địa bàn dân cư để chờ đầu nậu mua lại.
Các đầu nậu buôn gỗ lậu ở vùng Hóa Sơn, ai cũng có thể kể tên được. Phương tiện dùng để chuyên chở gỗ lậu đi tiêu thụ là thường là loại xe khách 16 chỗ ngồi được tháo ghế, dán kính cửa màu đen. Điều đáng nói là đường của gỗ lậu từ rừng sâu ra khỏi Hóa Sơn để đi tiêu thụ đều chỉ bằng 1 con đường độc đạo.
(Còn tiếp)