ThienNhien.Net – Trách nhiệm của chính quyền địa phương, cơ quan chức năng của Đắc Nông ở đâu trong việc quản lý rừng và đất lâm nghiệp sau vụ 3 người bị bắn.
Những ngày qua, dư luận đặc biệt quan tâm vụ án đặc biệt nghiêm trọng ở Đắc Nông. Vì tranh chấp đất đai với doanh nghiệp, người dân đã dùng súng tự chế bắn chết 3 người và làm bị thương 16 người khác. Từ vụ án đặc biệt nghiêm trọng này, đặt ra câu hỏi về trách nhiệm của chính quyền địa phương và ngành chức năng trong việc quản lý rừng và đất lâm nghiệp như thế nào? Phóng viên VOV phỏng vấn ông Trương Thanh Tùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắc Nông để làm rõ thêm về vấn đề này.
PV: Trước hết, ông có thể thông tin nhanh và cập nhật thông tin mới nhất về vụ việc người dân dùng súng tự chế bắn chết 3 người và khiến 16 người bị thương ở huyện Tuy Đức?
Ông Trương Thanh Tùng: Sau khi vụ việc xảy ra, UBND tỉnh đã chỉ đạo ráo riết các đơn vị chức năng tập trung mọi nguồn lực có thể bám sát hiện trường và đưa các nạn nhân bị thương tới các cơ sở y tế gần nhất để sơ cứu. Đến nay 5 ca được chỉ định mổ đã qua cơn nguy kịch; 1 ca trúng não thì đã di chuyển xuống Bệnh viện Chợ Rẫy – thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục điều trị và hiện đã có dấu hiệu bình phục. Tình hình an ninh trật tự trong khu vực đã trở lại ổn định. 2 nghi can chính trong vụ bắn người ở công ty Long Sơn thì Hà Xuân Trường đã bị bắt tại Bù Đăng, còn Đặng Văn Hiến đã ra tự thú.
PV: Ông đánh giá như thế nào về bản chất vụ việc đặc biệt nghiêm trọng này?
Ông Trương Thanh Tùng: Bản chất của vấn đề là việc tranh chấp đất đai, xung đột lợi ích giữa công ty Long Sơn và các hộ dân ở đây. Công ty Long Sơn đã được tỉnh cho thuê đất với diện tích 1.079 ha. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện dự án, diện tích rừng giao cho công ty cũng không quản lý bảo vệ được và luôn bị lấn chiếm đất đai với các hộ dân xâm canh lấn chiếm.
PV: Thưa ông, đây chỉ là một vụ việc đơn lẻ đặc biệt nghiêm trọng. Nhưng trong thực tế tình trạng tranh chấp đất đai, đặc biệt là đất lâm nghiệp vẫn diễn ra thường xuyên ở địa phương. Theo ông, nguyên nhân là gì?
Ông Trương Thanh Tùng: Về khách quan thì các chính sách, cơ chế của Trung ương về công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng còn nhiều bất cập; chức năng nhiệm vụ công tác quản lý bảo vệ rừng còn chồng chéo. Có nhiều cơ quan tham gia công tác quản lý bảo vệ rừng nhưng không rõ trách nhiệm. Áp lực về dân số của các vùng có rừng thì tăng nhanh, nên nhu cầu về đất ở và đất sản xuất rất lớn.
Về chủ quan thì vai trò lãnh đạo chỉ đạo, tổ chức thực hiện ở cấp huyện và xã chưa kiên quyết, trách nhiệm chưa cao, các ngành các cấp chưa chấp hành nghiêm về công tác quản lý bảo vệ rừng. Chính quyền cơ sở chưa thực hiện hết trách nhiệm quản lý nhà nước về bảo vệ rừng. Việc quản lý đất đai giữa ngành nông nghiệp và ngành tài nguyên môi trường các cấp còn nhiều bất cập, không thống nhất.
PV: Vậy trách nhiệm của chính quyền và ngành chức năng ở địa phương, cụ thể là người đứng đầu cấp xã, huyện và tỉnh trong vụ việc này được xem xét như thế nào, thưa ông?
Ông Trương Thanh Tùng: Trong thời gian qua, Tỉnh ủy cũng có nghị quyết về tăng cường ngăn chặn phá rừng, quản lý bảo vệ rừng, cũng đã giao trách nhiệm rõ ràng với Đảng ủy, chính quyền các cấp. Tuy nhiên trong thời gian vừa qua thì tình hình phá rừng trên địa bàn cũng xảy ra nhiều, cho nên chính quyền cơ sở đã bị rất nhiều hình thức xử lý, khiển trách, cảnh cáo thậm chí thuyên chuyển công tác. Lực lượng Kiểm lâm và các Công ty nhà nước mà quản lý bảo vệ rừng không được thì cũng đã bị xử lý tương đối nhiều. Mới đây, đã đình chỉ công tác với một Chủ tịch HĐQT, kiêm giám đốc công ty Đức Hòa.
PV: Vậy cụ thể về quá trình giao rừng cho các công ty, hay các doanh nghiệp quản lý sử dụng trong những năm qua như thế nào, thưa ông?
Ông Trương Thanh Tùng: Việc giao đất giao rừng cho các công ty lâm nghiệp là do lịch sử để lại. Khi tài nguyên hết và không còn nguồn bao cấp từ ngân sách, không còn đủ nguồn lực con người và tài chính trong quản lý bảo vệ rừng thì bị các đối tượng khác tấn công lấn chiếm nên diện tích rừng ngày càng bị suy giảm mạnh và dẫn đến giải thể các công ty.
Mới đây nhất thì Thủ tướng chính phủ đã đồng ý cho tỉnh Đắc Nông giải thể tiếp 6 công ty lâm nghiệp để thành lập Ban quản lý rừng giao đất về cho địa phương quản lý bố trí sử dụng. Từ khi thành lập tỉnh đến nay, chủ yếu là trước năm 2010 đã giao cho khoảng 39 doanh nghiệp. Qua thanh tra kiểm tra các dự án này thì diện tích rừng bị phá là rất lớn nên tỉnh đã tiến hành thu hồi nhiều dự án, số còn lại sẽ tiếp tục thanh tra nếu phát hiện sai phạm sẽ tiếp tục thu hồi.
PV: Theo ông, có hay không tình trạng các chủ rừng “bật đèn xanh” cho dân vào khai hoang phá rừng và sang nhượng trái phép để trục lợi?
Ông Trương Thanh Tùng: Việc “bật đèn xanh” hay không thì các ngành chức năng đang điều tra. Nhưng có tình trạng các chủ rừng bất lực, buông lỏng công tác quản lý bảo vệ rừng, báo cáo diện tích rừng bị phá không trung thực, không lập biên bản, không khắc phục hậu quả. Công tác sắp sếp các công ty lâm nghiệp giải thể còn nhiều lúng túng, tâm lý cán bộ nhân viên quản lý bảo vệ rừng bị giao động, tiêu cực làm cho diện tích rừng bị mất nhiều trong thời gian qua.
Trước tình hình đó UBDN tỉnh đã thành lập 5 tổ kiểm tra quản lý bảo vệ rừng ở các huyện để tập trung bảo vệ số diện tích rừng hiện còn”.
Xin cảm ơn ông!