Nhiều ý kiến trái chiều về dự án thủy điện cột nước thấp trên sông Lô

ThienNhien.Net – Dự án thủy điện cột nước thấp Phú Thọ dự kiến được xây dựng tại vị trí phía sau hợp lưu giữa sông Lô và sông Chảy, nơi cung cấp nước sinh hoạt, nước sản xuất nông nghiệp, công nghiệp cho cả 2 tỉnh Vĩnh Phúc và Phú Thọ.

Nhà máy thủy điện cột nước thấp đầu tiên được xây dựng tại Chiêm Hóa, Tuyên Quang, được khánh thành năm 2013. (Ảnh minh họa. Nguồn: TTXVN)
Nhà máy thủy điện cột nước thấp đầu tiên được xây dựng tại Chiêm Hóa, Tuyên Quang, được khánh thành năm 2013. (Ảnh minh họa. Nguồn: TTXVN)

Mặc dù chưa triển khai nhưng dự án đã nhận được rất nhiều ý kiến trái chiều của các chuyên gia, nhà nghiên cứu, khoa học, cán bộ quản lý có liên quan trong và ngoài tỉnh.

Dự án thủy điện cột nước thấp ở Phú Thọ đã được cho phép bổ sung vào quy hoạch bậc thang thủy điện trên sông Lô; đồng thời bổ sung dự án vào đề án điều chỉnh quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011-2020 có xét đến năm 2030.

Theo dự án, từ hai con sông Lô và sông Chảy, nhà đầu tư sẽ làm thủy điện, tích nước thủy lợi, tạo điều kiện tốt hơn cho giao thông thủy trong mùa cạn. Dự án do Công ty cổ phần tập đoàn xây dựng và du lịch Bình Minh thi công, với tổng nguồn đầu tư gần 4.000 tỷ đồng, trong đó tập đoàn này sẽ đáp ứng được khoảng 30% vốn, còn lại là vay thương mại.

Dự án được triển khai sẽ cung cấp cho tỉnh Phú Thọ 422,1 triệu KWh mỗi năm, đóng góp vào ngân sách khoảng 80 tỷ đồng tiền thuế từ nguồn thu điện năng, dự kiến thời gian thu hồi vốn là 20 năm.

Theo nhà đầu tư, dự án cột nước thấp Phú Thọ sẽ không ảnh hưởng đến các công trình khác như đường giao thông, công trình quốc phòng, mỏ khoáng sản… Đặc biệt, dự kiến không có hộ dân nào phải tái định cư, đặc biệt là không ảnh hưởng đến cơ sở hạ tầng khu vực thành phố Tuyên Quang nhưng vẫn đảm bảo việc vận hành phát điện.

Tuy nhiên, sau khi lấy ý kiến tư vấn, phản biện của các chuyên gia, nhà nghiên cứu, khoa học, cán bộ quản lý có liên quan trong và ngoài tỉnh, có rất nhiều ý kiến trái chiều về dự án thủy điện cột nước thấp Phú Thọ trên sông Lô.

Theo phân tích của giáo sư Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, dãy núi Hoàng Liên Sơn cùng sông mẹ là sông Hồng, sông Đà và hệ thống sông Lô, sông Gâm có hướng Tây Bắc-Đông Nam, tạo ra thế phong thủy rất đẹp, giữ yên ổn cho đất nước hàng ngàn vạn năm nay. Đụng đến những núi sông đó phải hết sức cẩn thận. Nếu chúng ta có tác động làm thay đổi tự nhiên thì chắc chắn sẽ nhận lại sự phản kháng của tự nhiên.

Phó giáo sư, tiến sỹ Lê Bắc Huỳnh, Tổng Thư ký Hội Bảo vệ thiên nhiên Việt Nam cho biết Phú Thọ cũng cần xem xét cẩn trọng việc có quyết định đầu tư đầu tư công trình thủy điện cột nước thấp trên sông Lô hay không.

Theo ông Huỳnh, công trình sẽ gây thay đổi cơ bản, lâu dài dòng sông Lô khu vực từ thành phố Tuyến Quang, đến thành phố Việt Trì khoảng 40 km và hạ lưu đập Thác Bà về Đoan Hùng khoảng 20 km, nhất là làm tăng sức ép lớn hơn đối với hạ du, đồng bằng sông Hồng-Thái Bình, mà theo đánh giá của nhiều chuyên gia tài nguyên nước, môi trường thì đang có khả năng đã tới ngưỡng không bền vững về môi trường, an ninh nguồn nước ở hạ du và vùng cửa sông.

Phó giáo sư, tiến sỹ Trương Mạnh Tiến, Chủ tịch Hội kinh tế Môi trường Việt Nam cho biết những năm qua, việc phát triển thủy điện vừa và nhỏ đã có những đóng góp nhất định trong việc cung cấp năng lượng điện trong mạng lưới điện quốc gia. Song ở một số địa phương, việc phát triển thủy điện đã gây nên nhiều hệ lụy, ảnh hưởng tiêu cực đến phát triển kinh tế, xã hội làm suy thoát môi trường, tác động trực tiếp đến an ninh xã hội của người dân nơi có thủy điện.

Theo ông Tiến, dự án thủy điện cột nước thấp ở Phú Thọ cũng thuộc loại nhỏ, công suất 105MW, hiện nay không thuộc diện khuyến khích ưu tiên vì dự án này không tạo hiệu quả đáng kể về năng lượng điện, không thúc đẩy sự phát triển năng lượng điện. Nếu dự án còn ở giai đoạn nghiên cứu, khảo sát ban đầu để trình cấp có thẩm quyền thì sau đó, không nên tiến hành.

Tiến sỹ Bùi Phúc Khánh, Chủ tịch Hội Bảo vệ thiên nhiên Phú Thọ cho biết thêm, nguồn nước sông Lô khá sạch (hiện nay Công ty cấp nước Phú Thọ đang khai thác để sử dụng làm nguồn nước sinh hoạt cho thành phố Việt Trì), khi xây dựng nhà máy sẽ làm ô nhiễm nguồn nước.

Bên cạnh đó, công trình sẽ là vật cản làm mất khả năng cắt lũ. Ngoài ra, tài nguyên cát sỏi trên sông Lô vô cùng phong phú, khi triển khai xây dựng chắc chắn dự án sẽ đề cập đến việc khai thác tài nguyên cát sỏi để tận thu phục vụ thi công công trình. Vì vậy, tỉnh Phú Thọ cần đấu thầu minh bạch, tránh thất thoát tài nguyên, ảnh hưởng đến nguồn thu ngân sách…

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Phú Thọ, khi xây dựng thủy điện cột nước thấp trên sông Lô, nước sẽ dâng ở cao trình đập 17 mét, gây ngập úng cho trên 1.506ha đất, trong đó 1.274ha diện tích sông suối, 193 đất chưa sử dụng, 38,8ha đất trồng ngô và 0,8ha đất trồng lúa.

Bên cạnh đó, khi nước dâng, 24 cống tiêu thoát nước không phát huy hiệu quả từ đó sẽ gây ngập úng cho một số khu vực và ảnh hưởng trực tiếp tới sản xuất và đời sống của nhân trong vùng. Cao trình của đáy các cống hiện là 12-14 mét, lệch so với cao trình đập từ 3 đến gần 5 mét.

Tại hai xã Sóc Đăng và Ngọc Quan của huyện Đoan Hùng, nước dâng cao 17 mét sẽ gây ngập cho khu vực của hai xã trên. Đặc biệt, nước dâng sẽ làm ảnh hưởng tới 2 tuyến đê ở tả ngạn và hữu ngạn vì nước ngâm lâu sẽ làm đê bị sạt lở hoặc vỡ gây lụt lội, ảnh hưởng tới giao thông đi lại của người dân.

Dòng sông Lô có vai trò hết sức quan trọng trong việc cung cấp nước cho sinh hoạt, nước sản xuất nông nghiệp, công nghiệp cho người dân của hai tỉnh Phú Thọ và Vĩnh Phúc. Đặc biệt con sông này rất phong phú về tài nguyên khoáng sản, thủy sản và là tuyến giao thông đường thủy quan trọng của nhiều tỉnh miền núi phía Bắc…