ThienNhien.Net – TP Hồ Chí Minh đã có phương án triển khai thực hiện quy hoạch mạng lưới hồ điều tiết chống ngập trên toàn địa bàn, đặc biệt là khu vực sân bay Tân Sơn Nhất. Trung tâm điều hành chương trình chống ngập nước (ĐHCTCNN) TP Hồ Chí Minh cho biết, quy hoạch tổng thể hệ thống thoát nước TP đến năm 2020, bước đầu đã xác định 103 vị trí cần xây dựng hồ điều tiết.
Theo Trung tâm ĐHCTCNN TP, quy hoạch được được xây dựng trên cơ sở rà soát quy hoạch 1/2000 để cải tạo diện tích mảng xanh, các hồ cảnh quan làm hồ có chức năng điều tiết nước ở các địa bàn như: Quận Thủ Đức với hồ ở công viên Gò Dưa, Linh Đông; quận 2 hồ trung tâm khu vực Thủ Thiêm rộng 18 ha, khu vực dân cư 87 ha và nhiều hồ ở quận Bình Tân, bình Chánh, quận 12, Gò Vấp…
Ưu tiên chống ngập trước 3 điểm
Giám đốc Trung tâm Chống ngập TP Hồ Chí Minh Nguyễn Ngọc cho biết, sẽ ưu tiên thực hiện trước 3 hồ điều tiết tại 3 điểm: Bàu Cát (Q.Tân Bình), Gò Dưa (Q.Thủ Đức) và Khánh Hội (Q.4) với tổng vốn đầu tư khoảng 1.300 tỉ đồng. Quy mô, tính chất xây dựng mỗi hồ khác nhau; nếu như hồ Bàu Cát xây ngầm, trữ được khoảng 10.000 m3 giúp giảm ngập cục bộ một khu vực khoảng 20 ha; thì hồ Khánh Hội kết hợp công viên giúp giảm ngập cho cả Q.4; trong khi hồ Gò Dưa tận dụng sông rạch tự nhiên giúp giảm ngập cho khu vực phía đông TP.
PGS-TS Hồ Long Phi, Giám đốc Trung tâm Quản lý nước và Biến đổi khí hậu (WACC) thuộc Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh là một chuyên gia trong lĩnh vực biến đổi khí hậu và trực tiếp thực hiện đồ án quy hoạch chống ngập cho TP Hồ Chí Minh, phân tích, đa phần các đồ án quy hoạch thoát nước trước đây tập trung vào các giải pháp công trình như xây kè, làm cống thoát nước, xây trạm bơm…Trong khi đó, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu ngày càng bất thường, khả năng các công trình trở nên “lạc hậu” trước thiên tai là rất lớn.
“Giải pháp chống ngập có nhiều nhưng phải lựa chọn giải pháp nào phù hợp, hiệu quả để làm. TP đang triển khai dự án ngăn triều, do vậy trong tương lai nguy cơ ngập do triều hoàn toàn có thể kiểm soát. Vấn đề còn lại là phải tự xử lý nguồn nước mưa chảy tràn ở nội đô thông qua hệ thống cống, kênh rạch, hồ điều tiết được đầu tư đồng bộ, trên nguyên tắc nước nơi nào tự điều tiết nơi đó…”, ông Phi nói.
PGS-TS Lưu Đức Cường, Phó Viện trưởng Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn quốc gia (Bộ Xây dựng) đề nghị: “Việc tái lập không gian chứa nước trong điều kiện đô thị đặc thù của TP HCM là hết sức cần thiết. Thứ nhất, tạm giữ nước khi mưa lớn, hệ thống cống thoát nước không kịp thoát nước. Thứ hai, tạm giữ nước trong tình huống nước thoát ra cống nhưng lại gặp triều cường đang dâng cao. Giải bài toàn này, nếu ở vùng thấp trũng thì tận dụng kênh rạch tự nhiên thông thoáng. Với những khu vực đô thị hóa rồi, chủ yếu phải dùng hệ thống kết nối kênh rạch như cống thoát nước, hồ điều tiết. Tuy nhiên, vị trí hồ điều tiết phải có nghiên cứu cụ thể, phù hợp cho từng địa hình và nhu cầu phát triển của từng khu vực đô thị”.
Khi thực hiện thí điểm thành công 3 hồ điều tiết trên, việc bố trí, xây dựng hồ điều tiết chống ngập cũng sẽ được tính toán nhân rộng.
Chống ngập sân bay Tân Sơn Nhất
Trong hai năm 2015 và 2016, sân bay Tân Sơn Nhất (Q.Tân Bình) trở thành “điểm nóng” ngập nước, nhiều trận mưa lớn đã làm ngập bãi đỗ máy bay của Tân Sơn Nhất, hàng loạt chuyến bay buộc hạ cánh nơi khác, và uy hiếp trạm điện có khả năng dẫn đến cháy nổ.
Cục Hàng không đã đề nghị Bộ Giao thông Vận tải có ý kiến với Bộ Quốc phòng, chấp thuận phương án xây hồ điều hòa tại khu vực đất quốc phòng (hiện là sân bóng mini Chảo Lửa), nhằm thoát nước cho sân bay Tân Sơn Nhất, có thể giải quyết ngập úng cục bộ cho khoảng 20ha sân đỗ máy bay.
Cục Hàng không cho biết, việc xây hồ điều hòa trong khu bay của cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất đã được UBND TP Hồ Chí Minh thống nhất với các cơ quan liên quan.
Cụ thể, theo kết luận tại cuộc làm việc của TP Hồ Chí Minh với Bộ Giao thông mới đây, về chống ngập úng cục bộ tại cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, UBND TP Hồ Chí Minh sẽ cho nạo vét, khơi thông và mở rộng hệ thống thoát nước của thành phố quanh khu vực sân bay.
Các đơn vị liên quan cũng đã thống nhất nghiên cứu xây dựng hồ điều hòa trong khu bay cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, tại khu vực sân bóng mini Chảo Lửa, diện tích đất hiện do Xí nghiệp A41 Quân chủng phòng không – không quân quản lý.
Hồ điều tiết được dự kiến xây dựng với diện tích khoảng 1,2 ha, sâu 5-7 m để có thể giải quyết ngập úng cục bộ cho khoảng 20 ha sân đỗ máy bay. Ngày 3/10/2016, Cục hàng không đã có văn bản đề nghị Quân chủng phòng không – không quân đồng thuận việc xây dựng hồ điều tiết tại khu đất do Quân chủng quản lý theo phương án nêu trên.
Trước đó, trong cuộc họp ngày 19/9/2016 về nguyên nhân và các giải pháp chống ngập khu vực sân bay Tân Sơn Nhất (quận Tân Bình), lãnh đạo Thành ủy TP Hồ Chí Minh Đinh La Thăng đã đề nghị UBND thành phố phải khẩn trương xây dựng kế hoạch điều hành tổng thể để chống ngập sân bay Tân Sơn Nhất và khu vực xung quanh. Việc chống ngập cần có sự phân cấp, phân quyền, đầu tư hạ tầng, giao nhiệm vụ cho từng đơn vị cụ thể.
Giám đốc Trung tâm chống ngập TP Hồ Chí Minh Nguyễn Ngọc Công cho biết, sau hai cơn mưa lớn gần đây sân bay Tân Sơn Nhất xảy ra tình trạng ngập cục bộ ở một số vị trí sân đỗ. Đặc biệt trận mưa kỷ lục hôm 26/8/2016 khiến ít nhất 4 vị trí sân đỗ tàu bay bị ngập. “Trước mắt sẽ xây hồ điều tiết để thu gom nước khi có mưa lớn”, ông Công nói. Phó Chủ tịch UBND TP.Hồ Chí Minh Lê Văn Khoa cũng yêu cầu quận Tân Bình trong tháng 6/2017 phải giải phóng xong mặt bằng. “Dự án phải được hoàn thành trong năm 2018”, ông Khoa chỉ đạo.
Thượng tướng Võ Văn Tuấn – Phó Tổng tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Việt Nam – cũng cho rằng xây hồ điều tiết là giải pháp, bởi nó không chỉ chống ngập mà còn cung cấp nước chữa cháy cho sân bay.