ThienNhien.Net – “Thông qua Chương trình Hỗ trợ ứng phó với biến đổi khí hậu (SP-RCC), trong giai đoạn 2016-2020, các đối tác phát triển sẽ tiếp tục hỗ trợ Việt Nam thực hiện Thỏa thuận Paris với nguồn vốn huy động dự kiến cho năm 2016, 2017 và 2018 là gần 500 triệu USD”.
Cam kết trên vừa được đại diện Ủy ban Quốc gia về biến đổi khí hậu Việt Nam công bố tại Diễn đàn đối thoại chính sách cấp cao giữa Ủy ban Quốc gia về biến đổi khí hậu và các đối tác phát triển, do Ủy ban Quốc gia về biến đổi khí hậu, Bộ Tài nguyên-Môi trường phối hợp với chương trình phát triển Liên hợp quốc tổ chức ngày 25/10, tại Hà Nội.
Phát biểu khai mạc diễn đàn, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho biết: Biến đổi khí hậu đã và đang trở thành vấn đề khẩn thiết mang tính toàn cầu. Việc thông qua Thỏa thuận Pari về khí hậu (COP21) đã mở ra một kỷ nguyên mới – kỷ nguyên hợp tác để thích ứngvới biến đổi khí hậu và phát triển bền vững theo hướng ít phát thải carbon, thân thiện với môi trường.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cũng nhấn mạnh, Việt Nam là một trong những quốc gia chịu nhiều tác động nhất của biến đổi khí hậu. Theo Chỉ số rủi ro về khí hậu, Việt Nam là nước đứng thứ năm về thiệt hại do thiên tai, với trung bình mỗi năm có hàng trăm người bị thương vong, và thiệt hại về GDP bình quân hàng năm là 1,9 tỷ USD.
“Mặc dù còn rất nhiều khó khăn, nguồn lực cho phát triển còn hạn chế, nhưng Việt Nam đã và đang chủ động, tích cực triển khai Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu và các chiến lược tăng trưởng xanh, phòng chống thiên tai, và phát triển năng lượng tái tạo. Việt Nam cũng đã cam kết mạnh mẽ để cùng cộng đồng quốc tế ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu,” Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nói.
Về thực hiện Thỏa thuận Paris và các cam kết khác tại COP21, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho biết: Việt Nam đặt mục tiêu đến 2030 sẽ giảm 8% tổng lượng phát thải khí nhà kính so với kịch bản phát triển thông thường bằng các nguồn lực trong nước, và có thể tăng lên thành 25% khi nhận được hỗ trợ quốc tế thông qua hợp tác song phương, đa phương và thực hiện các cơ chế mới trong Thỏa thuận khí hậu toàn cầu.
Bên cạnh đó, Việt Nam sẽ tiếp tục thực hiện các chương trình, dự án thích ứng với biến đổi khí hậu trong khuôn khổ Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu nhằm tăng khả năng chống chịu, bảo vệ cuộc sống và sinh kế cho người dân, tạo điều kiện để có đóng góp lớn hơn trong giảm nhẹ phát thải khí nhà kính…
Chia sẻ từ góc độc quốc tế, ông Ousmane Dione – Giám đốc quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam cho rằng, diễn đàn hôm nay chính là dịp các đối tác cùng nhấn mạnh tầm quan trọng của quan hệ đối tác giữa các bên trong việc hỗ trợ Việt Nam ứng phó với những thách thức do biến đổi khí hậu và phát triển một nền kinh tế vững mạnh theo hướng sử dụng carbon thấp.
Ông Ousmane Dione cũng khẳng định, trong giai đoạn 2016-2020, Chương trình SP-RCC có thể mang lại một số trong những phát triển về chính sách cần thiết để giúp cho Việt Nam giải quyết những thách thức về biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh.
“Chúng tôi cũng cam kết sẽ tiếp tục chia sẻ những kinh nghiệm và kiến thức cũng như huy động các nguồn lực sẵn có để góp phần vào việc thực hiện chương trình SP-RCC dưới sự lãnh đạo của Chính phủ.”
“Khi chúng ta bước vào giai đoạn mới này, sự chỉ đạo của Ủy ban Quốc gia về biến đổi khí hậu là rất quan trọng. Chúng tôi tin rằng sự cam kết mạnh mẽ từ Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cũng như các Bộ trưởng đang có mặt tại đây là rất cần thiết để đảm bảo có đuợc một khuôn khổ chính sách mạnh mẽ,” ông Ousmane Dione nhấn mạnh.