ThienNhien.Net – Rừng Tây Nguyên vốn đã cạn kiệt, giờ lại bị lật tung và có nguy cơ mất sạch gỗ quý
Sáng 24-10, Công an và Hạt Kiểm lâm thị xã Ayun Pa (tỉnh Gia Lai) tiến hành xác minh nguồn gốc xe chở 31 tấn gốc gỗ hương không có giấy tờ hợp lệ phát hiện trên 1 xe container trước đó. Vụ bắt gỗ quý này trùng hợp với những gì người dân ở Tây Nguyên đang kháo nhau rằng phong trào săn gỗ quý đang trỗi lên mạnh ở đây.
Rầm rập săn gỗ quý
Trong vai những người thất nghiệp, đang tìm việc làm, chúng tôi theo chân nhóm người tại TP Kon Tum (tỉnh Kon Tum) đi tìm gỗ. Địa điểm hẹn để tập hợp là tại một nhà rông ở xã Đoàn Kết, TP Kon Tum. Khi chúng tôi có mặt, tại đây đã có nhiều nhóm từ 5-10 người đang chuẩn bị lên đường. Nhóm nào cũng chuẩn bị sẵn thức ăn, cuốc, xẻng và đặc biệt là cây xăm để tìm gỗ. Nhóm của chúng tôi đi theo tới khu vực rừng thuộc xã Ia Chim (TP Kon Tum) để tìm. “Trước đây, khu vực này nhiều người tìm được gỗ trắc to lắm nên hôm nay, chúng tôi sẽ tới đây để tìm. Hy vọng gặp được gốc to” – ông A.N, một người được coi là trưởng nhóm, nói và cho biết phải tập hợp thành nhóm vì khi tìm được gỗ sẽ thay nhau đào chứ đi 1-2 người sẽ không đào nổi. Phải lật tung rừng mới lấy được gỗ.
Cũng theo ông A.N, đây là khoảng thời gian nhiều người trong làng đi tìm gỗ quý nhất vì đã hết mùa lên rẫy, không có việc làm nên cánh đàn ông khỏe mạnh rủ nhau đi tìm gỗ bán kiếm tiền.
Khi vào tới khu vực tìm kiếm, nhóm chúng tôi chia ra thành từng tốp nhỏ hơn để đi tìm. Sau khi đã xác định được vị trí nghi có gỗ, những người này dùng cây xăm dài khoảng 1 m chọc sâu xuống đất để tìm. Nếu có gốc gỗ, đầu xăm thiết kế hình mũi khoan sẽ khoan, nếu là loại gỗ quý thì thay phiên nhau đào lên. Đến chiều, nhóm chỉ đào được một gốc gỗ trắc, tuy nhiên gốc gỗ này bị hư mục khá nhiều. “Hôm nay xui quá, ngày mai chắc phải sang khu vực khác” – anh A.P, một người trong nhóm nói và cho biết việc tìm gỗ này đầy may rủi. Hôm nào tìm được gốc to, còn tốt mang bán thì có thể kiếm được cả chục triệu đồng. Còn xui thì cả tuần không tìm được gốc nào.
Theo ghi nhận, tại các khu vực khác của tỉnh Kon Tum như huyện Ngọc Hồi, tình trạng người dân vào rừng lùng sục tìm gỗ quý cũng đang diễn ra. Đặc biệt tại các xã như Đắk Xú, Bờ Y, Đắk Dục, Sa Loong. Rồi ở Gia Lai cũng đã có phong trào vào rừng săn gỗ.
Việc săn gỗ quý không dễ còn vi phạm pháp luật, các anh có sợ? Trả lời câu hỏi này, đa phần những người trong nhóm chúng tôi cho rằng tuy việc tìm được gỗ quý rất vất vả nếu không muốn nói là nguy hiểm nhưng được cái việc tiêu thụ khá dễ dàng và giá rất cao nên ai cũng bất chấp.
Bán công khai, khó xử lý!
Quả đúng như lời dân “săn” nói. Cứ vào đầu giờ chiều, những thương lái đứng đón đầy khu vực cửa rừng để thu mua. Giá các loại gốc gỗ cũng khác nhau, tùy vào chủng loại, đường kính của gỗ. Đối với gỗ hương thì dao động từ 8.000-25.000 đồng/kg; gỗ trắc, cẩm lai từ 50.000-120.000 đồng/kg,…
Chúng tôi tìm đến địa điểm thu mua của ông H. ở xã Ia Chim, TP Kon Tum. Tại đây, có rất nhiều cành, gốc rễ các loại gỗ được chất thành đống. Theo ông H., trước đây ông chỉ đi cạo mủ cao su nhưng thời gian gần đây có người đến nhờ ông đứng ra làm đầu mối thu mua gỗ quý tại địa phương. Chính vì vậy, cứ nghe chỗ nào người dân tìm được gốc gỗ quý là ông tìm tới mua, sau đó về bán lại hưởng tiền chênh lệch. Việc mua bán gần như diễn ra công khai. Một nguồn tin khác trong giới mua bán gỗ quý cho biết hầu hết thương lái mua gỗ quý đều chuyển ra Bắc.
Trước việc người dân vào rừng tìm gỗ quý về bán, UBND huyện Ngọc Hồi đã có cuộc họp với các ngành liên quan yêu cầu giám sát chặt chẽ nơi ra vào các khu vực rừng. Bên cạnh đó, tăng cường công tác tuần tra kiểm soát, quản lý chặt cơ sở thu mua.
Một lãnh đạo ngành kiểm lâm tại tỉnh Gia Lai cho hay nếu người dân vào rừng đào bới gốc gỗ về bán là vi phạm, phát hiện sẽ bị bắt giữ. Tuy nhiên, việc này rất khó bởi đa phần đã khô. Hơn nữa theo quy định, nếu người dân phát hiện cành, gốc khô tại khu vực nương rẫy, khi mang về bán cho các cơ sở thu mua thì chỉ cần có chính quyền địa phương làm chứng là hợp lệ. “Nếu cành, gốc tươi thì mới bị xử lý. Tuy nhiên, khi phát hiện và xử lý thì rất mất thời gian do phải chứng minh được số gỗ đó khai thác trong rừng mà số lượng nhỏ thì rất mất công” – người này nói.
Dáng dấp thương lái Trung Quốc
Theo ông Nguyễn Văn Quang, Giám đốc Vườn Quốc gia Chư Mon Ray (tỉnh Kon Tum), đơn vị này đã phải tăng cường lực lượng kiểm lâm cơ động tại địa bàn xã Sa Loong và Bờ Y (huyện Ngọc Hồi) trong những ngày qua để ngăn chặn việc người dân vào vườn tìm gỗ quý. “Việc thu mua này chắc chắn có liên quan đến thương lái Trung Quốc vì chủ yếu là cành, rễ nhỏ mua về không biết làm gì, chỉ một số gốc lớn có thể đục các loại tượng thủ công mỹ nghệ” – ông Quang nói. |