ThienNhien.Net – Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang chủ trì soạn thảo dự thảo Luật Bảo vệ và Phát triển rừng (sửa đổi), trong đó quy định về quản lý, bảo vệ, phát triển, sử dụng rừng, chế biến và thương mại lâm sản (gọi chung là hoạt động lâm nghiệp).
Để rừng có chủ thực sự
Dự thảo Luật nêu rõ nguyên tắc phát triển lâm nghiệp bền vững. Theo đó, phát triển rừng sản xuất, khai thác, chế biến lâm sản phải bảo đảm cung ứng và nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm hàng hóa, dịch vụ theo cơ chế thị trường; bảo đảm hài hoà lợi ích giữa Nhà nước với chủ rừng; giữa lợi ích kinh tế của rừng với lợi ích phòng hộ, bảo vệ môi trường và bảo tồn thiên nhiên; giữa lợi ích trước mắt và lợi ích lâu dài; bảo đảm cho người làm nghề rừng sống chủ yếu bằng nghề rừng; góp phần xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm an ninh môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu.
Các hình thức sở hữu rừng
Theo dự thảo, rừng thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước là đại diện chủ sở hữu, gồm: Rừng tự nhiên nguyên sinh, rừng tự nhiên thứ sinh phục hồi, rừng trồng bằng vốn đầu tư của Nhà nước; hệ thống rừng giống quốc gia.
Rừng thuộc sở hữu riêng của tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, gồm: Rừng trồng được hình thành bằng công sức và nguồn vốn của tổ chức, hộ gia đình, cá nhân; rừng trồng do tổ chức, hộ gia đình, cá nhân nhận chuyển nhượng rừng từ chủ rừng khác.
Rừng thuộc sở hữu chung: Rừng trồng được hình thành từ nhiều nguồn vốn của nhiều chủ thể khác nhau; rừng trồng do các thành viên của cộng đồng dân cư thôn cùng nhau đóng góp hoặc từ các nguồn khác phù hợp với quy định của pháp luật nhằm mục đích thỏa mãn lợi ích chung hợp pháp của cộng đồng; rừng trồng do cộng đồng dân cư thôn nhận chuyển nhượng rừng từ chủ rừng khác.
Những hành vi bị nghiêm cấm
Dự thảo Luật quy định cụ thể các hành vi bị nghiêm cấm trong Bảo vệ và Phát triển rừng gồm: Chặt, phá rừng, khai thác rừng trái phép; lấn, chiếm, chuyển mục đích sử dụng rừng trái phép; mang trái phép hoá chất độc hại, chất nổ, chất dễ cháy vào rừng; săn, bắn, bắt, bẫy, nuôi nhốt, giết mổ động vật rừng trái phép, thu thập mẫu vật trái phép trong rừng; huỷ hoại trái phép tài nguyên rừng, hệ sinh thái rừng, phá hoại các công trình phục vụ việc bảo vệ và phát triển rừng.
Đồng thời nghiêm cấm các hành vi vi phạm các quy định về phòng cháy, chữa cháy rừng; phòng, trừ sinh vật hại rừng; tàng trữ, vận chuyển, chế biến, buôn bán trái pháp luật mẫu vật loài động vật rừng, thực vật rừng nguy cấp, quý, hiếm theo quy định của Chính phủ; khai thác trái phép tài nguyên khoáng sản và các tài nguyên thiên nhiên khác; làm thay đổi cảnh quan thiên nhiên, diễn thế tự nhiên của rừng; giao rừng, cho thuê rừng, chuyển đổi, chuyển nhượng, thừa kế, tặng cho, thế chấp, bảo lãnh, góp vốn bằng giá trị quyền sử dụng rừng, giá trị rừng sản xuất là rừng trồng trái pháp luật.
Mời bạn đọc xem toàn văn dự thảo và góp ý tại đây.