ThienNhien.Net – Tại buổi làm việc mới đây giữa Bộ Công Thương với Tổng cục Năng lượng và tổ soạn thảo sửa đổi Thông tư 07 về giải pháp gỡ khó trong thủ tục dán nhãn năng lượng, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết sẽ cân nhắc bỏ quy định dán nhãn năng lượng.
Các quy định tại Thông tư 07 được cho là rườm rà, khó hiểu và gây nhiều bức xúc cho doanh nghiệp (DN). Từ năm 2006-2011, chương trình dán nhãn năng lượng được áp dụng dưới hình thức tự nguyện, sau đó bắt buộc cho đến nay. Nếu năm 2012, 665 mã sản phẩm được cấp giấy chứng nhận và dán nhãn thì năm 2013, con số này là 1.532, năm 2014 lên đến 2.655. Những mặt hàng nhập khẩu được cấp chứng nhận và dán tem nhiều nhất là điều hòa không khí, tủ lạnh, tivi, máy giặt, quạt điện, nồi cơm điện và đèn chiếu sáng.
Theo nhiều DN sản xuất, quy trình cấp giấy chứng nhận và dán nhãn gây nhiều khó khăn. Cụ thể, Thông tư 07 quy định DN được sử dụng phiếu thử nghiệm trong 6 tháng cho hình thức chứng nhận nhãn dán theo lô hàng.
Vì vậy, DN nhập khẩu nhiều lô sản phẩm giống nhau nhưng sau 6 tháng vẫn phải thử nghiệm lại để được cấp giấy chứng nhận và dán nhãn, dẫn đến tốn kém thời gian và chi phí. Phòng Thương mại và Công nghiệp châu Âu cũng nhìn nhận do vướng quy định này đã dẫn đến tình trạng hàng tồn kho chờ kiểm nghiệm, gây thiệt hại DN sản xuất và nhà nhập khẩu.
Trong khi đó, các hãng sản xuất lớn như Apple, Dells, Canon, Sony, Samsung… đang áp dụng tiêu chuẩn quốc tế về hiệu quả năng lượng, đã được kiểm tra bởi những đơn vị uy tín, được thế giới công nhận.
Trao đổi với phóng viên, DN sản xuất rất ủng hộ việc Bộ Công Thương cân nhắc bỏ quy định dán nhãn năng lượng. Phó tổng giám đốc một DN sản xuất hàng điện tử, điện máy gia dụng tại Việt Nam cho biết nếu bỏ được quy định này sẽ đơn giản hóa nhiều thủ tục cho nhà sản xuất.
Quy định theo Thông tư 07 không cần thiết, chủ yếu mang tính hình thức và tăng thêm thủ tục hành chính cho DN. Hiện các nhà sản xuất đua nhau sản xuất sản phẩm tiết kiệm năng lượng, được kiểm tra nghiêm ngặt về chất lượng tại nhà máy, qua các thủ tục đăng ký chất lượng sản phẩm và chịu trách nhiệm về nội dung đăng ký.
Với những DN lớn, sản xuất nhiều loại sản phẩm, mỗi dòng sản phẩm lại phải kiểm nghiệm, đăng ký mới nên rất mất thời gian và chi phí. Ngoài ra, việc kiểm nghiệm được thực hiện tại một số đơn vị do Bộ Công Thương chỉ định, gây ra tình trạng phải “xếp hàng” chờ nên mất rất nhiều thời gian, gây chậm trễ cho DN trong việc đưa sản phẩm ra thị trường.
Ông Trần Tấn Hoàng Hậu, Giám đốc marketing hệ thống siêu thị điện máy Thiên Hòa, lại mong muốn duy trì quy định dán nhãn vì cho rằng giúp người tiêu dùng dễ nhận biết, lựa chọn sản phẩm tiết kiệm năng lượng. Quan trọng hơn, nhãn năng lượng là một trong những yếu tố giúp phân biệt giữa sản phẩm nhập khẩu chính hãng và hàng xách tay, không chính hãng.