ThienNhien.Net – Sau khi thu hồi dự án thủy điện, tỉnh Gia Lai mới phát hiện gần 30 ha rừng trong vùng dự án bị đốn hạ.
Theo chỉ đạo của UBND tỉnh Gia Lai, hôm nay (20-10), các ngành chức năng tỉnh này phải nộp báo cáo về việc kiểm tra, xác minh, tính toán giá trị cụ thể của 23,6 ha rừng đã bị đốn hạ trong vùng dự án thủy điện Ia Glea 2. Trong đó, phải nêu rõ trách nhiệm của các đơn vị, cơ quan có liên quan để xảy ra việc chặt phá rừng.
Rừng bị “hô biến”
Vào năm 2010, UBND tỉnh Gia Lai đã thu hồi hơn 42 ha đất của các tổ chức và địa phương đang quản lý; cho phép chuyển mục đích sử dụng gần 80 ha đất các loại để Công ty CP Thủy điện Khải Hoàng (Công ty Khải Hoàng) thuê thực hiện dự án thủy điện Ia Glea 2 nằm trên địa bàn huyện Chư Prông (Gia Lai) với công suất 9 MW, tổng vốn đầu tư 225 tỉ đồng. Trong tổng số gần 80 ha đất được cho thuê thì có hơn 30 ha rừng tự nhiên. Trong đó chỉ tính riêng xã Ia Vê có gần 13 ha rừng. Thế nhưng, sau khi được giao đất, Công ty Khải Hoàng không triển khai xây dựng dự án thủy điện nên tháng 6-2013, UBND tỉnh Gia Lai đã ra quyết định thu hồi dự án thủy điện Ia Glae 2.
Sau khi thu hồi, các ngành chức năng kiểm tra và phát hiện có 23,6 ha rừng trong tổng số hơn 30 ha rừng mà UBND tỉnh giao cho Công ty Khải Hoàng đã bị phá. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) tỉnh Gia Lai đã có báo cáo kết quả kiểm tra cho UBND tỉnh. Sau khi xem xét, UBND tỉnh đã giao Sở NN-PTNT chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính, UBND huyện Chư Prông cùng các ngành liên quan kiểm tra, xác minh, tính toán giá trị cụ thể, trách nhiệm của các bên liên quan việc mất rừng.
Tuy nhiên, do chủ đầu tư xin tiếp tục triển khai dự án nên UBND tỉnh Gia Lai yêu cầu Công ty Khải Hoàng điều chỉnh phương án xây dựng thủy điện Ia Glea 2 để không làm ảnh hưởng đến 6,6 ha rừng tự nhiên còn lại. Sở Công Thương và Sở Tài nguyên – Môi trường có trách nhiệm kiểm tra thực tế phương án điều chỉnh, ảnh hưởng đến môi trường, tham mưu và đề xuất cho UBND tỉnh.
Chiều 19-10, một lãnh đạo Sở NN-PTNT tỉnh Gia Lai cho biết đã đi kiểm tra lại diện tích rừng bị thiệt hại. “Hiện chúng tôi đang thống nhất lại với các ngành để làm báo cáo gửi UBND tỉnh” – lãnh đạo này nói.
Tại dân địa phương!?
Ngày 19-10, có mặt tại khu vực lòng suối Đục – nơi dự kiến xây nhà máy thủy điện Ia Glae 2 – phóng viên Báo Người Lao Động ghi nhận chỉ còn lại diện tích rừng rất ít, cây nhỏ nằm rải rác. Dọc dòng suối Đục, người dân đang trồng cây nông nghiệp, hồ tiêu, cà phê.
Theo ông Siu Juơ, Chủ tịch UBND xã Ia Vê, thời điểm trước khi cho Công ty Khải Hoàng thuê đất để làm nhà máy thủy điện, tại khu vực này diện tích rừng còn rất nhiều, xanh mướt. Ông Trương Văn Thắng, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Chư Prông, cho biết vào năm 2014, cơ quan chức năng đi kiểm kê rừng ở khu vực cho Công ty Khải Hoàng thuê thì mới biết rừng bị mất và không biết rừng bị phá hồi nào vì ông mới về nhận công tác tại đây thời gian ngắn.
Ông Nguyễn Trúc, nguyên Chủ tịch UBND xã Ia Vê (hiện là Chủ tịch UBND xã Ia Bang), cho biết sau khi giao đất cho Công ty Khải Hoàng quản lý thì người dân vào chặt phá. Việc để người dân vào chặt phá là thuộc trách nhiệm của công ty.
Trong khi đó, ông Dương Viết Quyết, Trưởng Phòng Kỹ thuật Công ty Khải Hoàng, cho rằng: “Việc rừng bị mất sau khi giao cho công ty là do người dân địa phương phá làm nương rẫy. Phía công ty sẽ trồng lại rừng và chờ cơ quan chức năng kiểm đếm lại rừng, số củi, gỗ bị mất và đền theo quy định. Hiện tại, công ty đang xin lại UBND tỉnh Gia Lai dự án thủy điện trên để triển khai xây dựng” – ông Quyết hứa.
Đền bù quá thấp
Bà Nguyễn Thị Mơ, thôn Đoàn Kết, xã Ia Ga, cho biết khi Công ty Khải Hoàng tiến hành đo đạc thì nhà bà có 1,7 ha đất trồng hồ tiêu bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, khi đền bù thì chỉ được thông báo nhận hơn 50 triệu đồng cho 1 ha đất nên bà không đồng ý. “Gia đình tôi không nhận đền bù vì diện tích bị thiệt hại không đúng. Hơn nữa, số tiền đền bù quá thấp so với giá thị trường nên quyết không đồng ý” – bà Mơ nói và cho biết mới chỉ có một số hộ người đồng bào dân tộc thiểu số nhận tiền đền bù còn đa phần không đồng ý. |