ThienNhien.Net – Mưa lũ đã làm 21 người chết (Nghệ An 2 người, Hà Tĩnh 2 người, Quảng Bình 15 người, Huế 2 người); 8 người mất tích (Hà Tĩnh 1 người, Quảng Bình 7 người); 18 người bị thương (Quảng Bình 13 người, Quảng Trị 3 người, Huế 2 người). Về tài sản, hơn 100.000 ngôi nhà bị ngập, hư hỏng.
Đó là thông tin được đưa ra trong cuộc họp trực tuyến của Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, diễn ra chiều 16/10, tại Hà Nội, bàn về các giải pháp khắc phục hậu quả do mưa lũ gây ra ở miền Trung, đồng thời chuẩn bị các phương án ứng phó bão số 7 Sarika . Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng trực tiếp chủ trì cuộc họp.
Theo báo cáo của Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai: Do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đợi và gió mùa đông bắc, từ ngày 13/10 đến sáng ngày 16/10, trên địa bàn các tỉnh từ Nghệ An đến Thừa Thiên Huế đã có mưa to đến rất to. Các tỉnh Thừa Thiên Huế, Quảng Trị có tổng lượng mưa từ 200 – 300 mm; tại Quảng Bình, Hà Tĩnh tổng lượng mưa từ 400 – 600 mm, nhiều khu vực mưa trên 800mm, đặc biệt ở Mai Hóa (Quảng Bình) mưa 949mm; Nghệ An tổng lượng mưa từ 100 – 250 mm.
Mưa lớn làm mực nước lũ trên các sông lên nhanh, nhiều sông tại Hà Tĩnh, Quảng Bình lên mức xấp xỉ lũ lịch sử, gây ngập úng diện rộng; nhiều tuyến đường quốc lộ, tỉnh lộ và đường giao thông bị ngập sâu, đường sắt Bắc-Nam đi qua khu vực tỉnh Quảng Bình bị ngập nhiều đoạn, gây cản trở, ách tắc giao thông tuyến đường huyết mạch của đất nước.
Tại cuộc họp, đại diện các địa phương: Nghệ An, Hà Tĩnh, Thái Bình, Quảng Bình đã báo cáo về tình hình thiệt hại do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới cũng như công tác chuẩn bị ứng phó bão số 7 đang đi vào Biển Đông.
Theo UBND tỉnh Nghệ An, từ ngày 13-15/10, lượng mưa 150 mm tại Nghệ An đã gây ngập lụt một số tuyến đường giao thông; làm ngập 8.835 hộ; 1.763ha lúa mùa, hàng nghìn diện tích ngô và cây vụ đông. Hiện nay, tỉnh đang hướng dẫn, chỉ đạo các phương tiện để đảm bảo an toàn. Riêng về sản xuất nông nghiệp, lúa hè thu ở địa phương đã thu hoạch 100%, lúa mùa đã thu hoạch được 35%, vụ đông đã gieo trồng được 21.536 ha, các cơ quan thường trực đang tiến hành theo dõi để xử lý những tình huống có thể xảy ra.
Với Hà Tĩnh, mưa lũ đã làm 20.000 hộ gia đình ngập sâu từ 1-2m, hiện nay nưới đang rút dần. Lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh đã chỉ đạo các huyện, xã khắc phục những khó khăn do mưa lũ gây ra, đồng thời chuẩn bị các phương án di dân các vùng trọng yếu nhằm đảm bảo an toàn tính mạng của người dân. Tỉnh Hà Tĩnh cũng đề nghị các bộ, ban ngành cùng hỗ trợ tỉnh khắc phục hậu quả và chuẩn bị lực lượng ứng phó với cơn bão số 7.
Còn tại tỉnh Quảng Bình, các sự cố đứt neo, chìm tàu của 5 tàu chở hàng Clinke (Công ty Trường Thành) tại cửa Gianh, đã gây thiệt hại lớn về người và tài sản. Các lực lượng chức năng đang tiếp tục tìm kiếm 5 người mất tích. Trên lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, cơ bản diện tích lúa đã được thu hoạch; tuy nhiên vẫn còn khoảng 20% diện tích lúa mùa muộn chưa thu hoạch; khoảng 56% diện tích cây màu vụ đông đã trồng, nếu gặp phải mưa, lũ lớn sẽ gây thiệt hại nghiêm trọng đối với sản xuất vụ đông. Đối với các hồ chứa thủy điện, mực nước các hồ chứa lớn đạt từ 70-80%, các hồ chứa nhỏ xấp xỉ đạt mực nước dâng bình thường. Lượng nước trong các hồ thủy lợi, thủy điện tăng lên rất nhanh do ảnh hưởng của đợt mưa lũ vừa qua. Vì vậy, nguy cơ rủi ro về an toàn hồ chứa do ảnh hưởng của mưa, lũ sau bão số 7 là rất lớn.
Theo Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, vào 10 giờ ngày 16/10, vị trí tâm bão số 7 cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 750km về phía đông. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 13, giật cấp 16. Dự báo trong khoảng 24 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng Tây, mỗi giờ đi được khoảng 20km. Đến 10 giờ ngày 17/10, vị trí tâm bão ở cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 200km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 14, giật cấp 16-17.
Không để người dân đói, khát
Theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn– Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai Nguyễn Xuân Cường, các tỉnh miền Trung vừa phải khắc phục hậu quả của áp thấp nhiệt đới, còn phải ứng phó với bão số 7. Do vậy, công việc đầu tiên là tập trung khắc phục các điểm ngập úng ở các tỉnh từ Nghệ An đến Thừa Thiên Huế. Ở những vùng ngập sâu, cần tập trung khắc phục sự cố môi trường sau khi ngập úng. Thứ hai là tập trung công tác cứu hộ, cứu nạn, hướng dẫn không tham gia giao thông ở những nơi nguy hiểm như: các ngầm, tràn… hỗ trợ không để người dân đói, khát. Các địa phương cần có tờ trình đề xuất với Chính phủ để hỗ trợ gạo, một số thực phẩm thiết yếu.
Để ứng phó với bão số 7, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường chỉ đạo: “Bão số 7 được dự báo với cấp độ lớn, vùng ảnh hưởng trên biển rộng. Vì vậy, tránh tâm lý chủ quan, các tỉnh từ Khánh Hòa trở ra đảm bảo an toàn hoạt động trên biển, kiểm soát lại số tàu thuyền trên biển nhằm đảm bảo an toàn tuyệt đối. Ủy ban tìm kiếm cứu nạn, lực lượng bộ đội biên phòng cần thực hiện tốt các khâu cảnh báo, hỗ trợ kể cả trước, trong và sau bão, các ngành với chức năng hỗ trợ và phối hợp với các địa phương theo phương châm 4 tại chỗ”.
Cũng tại buổi họp, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã yêu cầu các địa phương chủ động nắm bắt thông tin về cơn bão, thăm hỏi động viên bà con những gia đình gặp nạn, rà soát để ứng cứu kịp thời cho các gia đình bị nạn, không để người dân đói. Đảm bảo thông suốt về giao thông, các công trình điện đường trường trạm, sửa chữa nhà cửa, ổn định đời sống của người dân, ổn định môi trường, thông suốt các tuyến đường giao thông huyết mạch, không để xảy ra sự cố.
Các địa phương từ Quảng Ninh đến Nha Trang cần giúp người dân chằng chống nhà cửa, chặt tỉa cây xanh, không để xảy ra thiệt hại ở đô thị về nhà cửa, kiểm tra an toàn các hồ chứa, vận hành đảm bảo, phối hợp với các bộ ngành. Bên cạnh đó, rà soát khu nuôi trồng, thủy sản ven bờ, di dời những nơi xung yếu, không an toàn, có biện pháp cụ thể, chủ động khi có sự cố xảy ra.
Phó Thủ tướng cũng yêu cầu Trung tâm khí tượng thủy văn Trung ương cập nhập thường xuyên thông tin về cơn bão, cung cấp cho các cơ quan, nhân dân biết. Bộ Quốc phòng, Công an chủ động rà soát các phương án hỗ trợ cho các địa phương, sơ tán dân, cứu hộ cứu nạn. Bộ NN&PTNT chỉ đạo các địa phương thu hoạch lúa mùa, bảo vệ hoa màu vụ sản xuất đông xuân, cung cấp nguồn giống dự phòng cho sản xuất, rà soát an toàn hồ đập thủy lợi, phối hợp địa phương xây dựng rà soát an toàn hệ thống đê điều. Bộ Giao thông Vận tải kiểm tra an toàn tàu cá, tàu vận tải, khu neo đậu, kịp thời khắc phục sự cố. Bộ Công Thương đảm bảo hệ thống điện cho sản xuất, sinh hoạt, ứng phó với thiên tai. Bộ Y tế chủ động việc bảo đảm vệ sinh sau môi trường, bảo đảm nước sạch, xử lý môi trường dịch bệnh.