ThienNhien.Net – Trong những năm qua, tỉnh Hà Giang đã thực hiện khá tốt chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng (DVMTR); từ đó đã góp phần nâng cao hiệu quả của công tác quản lý và bảo vệ rừng trên địa bàn.
Cho tới thời điểm hiện nay, toàn tỉnh Hà Giang đã có 275.129ha rừng được tham gia cung ứng dịch vụ với 4 nhóm chủ rừng của các tổ chức Nhà nước và 1.500 chủ rừng thuộc cộng đồng do dân cư các địa phương quản lý.
Bên cạnh đó, hiện trên địa bàn Hà Giang có 46 dự án thủy điện vừa và nhỏ được các cấp có thẩm quyền phê duyệt với tổng công suất 769MW, 11 trung tâm cấp nước sinh hoạt có sử dụng DVMTR. Trong đó đã có 22 nhà máy thủy điện với công suất 354MW đã đi vào hoạt động, mỗi năm đóng góp trên 30 tỷ đồng cho công tác khoanh nuôi, bảo vệ và phát triển tài nguyên rừng; 24 nhà máy thủy điện có công suất khoảng 418MW đã và đang được triển khai xây dựng, khi đi vào hoạt động mỗi năm sẽ đóng góp khoảng 33 tỷ đồng cho công tác DVMTR.
Tinh từ năm 2013 đến nay, tổng số tiền được ủy thác chi về quỹ bao gồm tiền chi trả DVMTR, trồng và phát triển rừng và vốn ngân sách cấp ban đầu đạt 173,4 tỷ đồng. Trong đó, số tiền chi trả DVMTR từ 3 công ty thủy điện liên tỉnh, 15 công ty sản xuất thủy điện nội tỉnh, 11 trung tâm sản xuất nước sinh hoạt đạt trên 159 tỷ đồng. Tổng số tiền đã chi gần 132 tỷ đồng, trong đó số tiền chi trả DVMTR đạt trên 128,5 tỷ đồng.
Trong những năm qua, nhờ thực hiện tốt các chính sách chi trả DVMTR nên công tác quản lý, bảo vệ và phát triển tài nguyên rừng, nhất là tại các địa phương có cung ứng dịch vụ chi trả DVMTR của Hà Giang đã mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần làm giảm số vụ cháy rừng và khai thác lâm sản trái phép. Cũng nhờ có chính sách chi trả DVMTR nên độ che phủ rừng của Hà Giang không ngừng được nâng lên, nếu như độ che phủ rừng của Hà Giang đạt 50,21% vào đầu năm 2013 thì đến cuối năm 2015 đã đạt 54,4%.
Tuy nhiên, sau hơn 3 năm thực hiện triển khai chính sách chi trả DVMTR của Hà Giang vẫn còn bộc lộ một số mặt hạn chế, đó là một số đơn vị sử dụng dịch vụ trả tiền chậm, nợ đọng còn kéo dài; một số huyện chưa quan tâm kiểm tra, giám sát việc triển khai chi trả DVMTR đã làm giảm hiệu quả khi thực hiện triển khai chính sách. Một số nơi công tác giao rừng và giao đất lâm nghiệp chưa thực hiện đồng bộ nên vấn đề thực hiện chính sách chi trả DVMTR đến các hộ dân và cộng đồng dân cư còn bị hạn chế và gặp khó khăn.
Ông Nguyễn Minh Tiến, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang cho biết, chính sách chi trả DVMTR đã có tác động tích cực đến các cấp chính quyền và người dân, góp phần nâng cao hiệu quả của công tác bảo vệ và phát triển rừng.
Tuy nhiên, công tác thực hiện chính sách chi trả DVMTR có nơi thực hiện chưa đạt hiệu quả. Vì vậy, trong thời gian tới cần phải khắc phục để thực hiện tốt hơn, nhất là khi nghiệm thu cần phải có sự tham gia của đơn vị sử dụng dịch vụ. Bên cạnh đó, cần có giải pháp nhằm nâng cao năng lực và chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ chi trả dịch vụ; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát công tác thực hiện chính sách chi trả DVMTR.