ThienNhien.Net – Thủ tướng Chính phủ đã ra lệnh đóng cửa rừng để khôi phục và cứu các cánh rừng trong cả nước, nhưng vì lợi nhuận từ rừng mang lại nhiều đối tượng vẫn ngang nhiên xà xẻo, tổ chức khai thác lâm sản khiến cho rừng Tây Nguyên tiếp tục “chảy máu”.
Đắk Nông là một trong những địa phương xuất hiện nhiều điểm nóng về phá rừng, lấn chiếm đất rừng, khai thác, vận chuyển, mua bán, chế biến lâm sản trái phép.
Tuy UBND tỉnh Đắk Nông đã chỉ đạo các cấp, ngành triển khai đồng bộ nhiều giải pháp trong công tác quản lý, bảo vệ rừng, nhưng những cố gắng của tỉnh Đắk Nông vẫn chưa thể kiềm chế được tình trạng phá rừng trái phép.
Tại Đắk Nông không chỉ rừng tự nhiên, rừng phòng hộ, mà ngay cả rừng bảo tồn cũng bị lâm tặc ngang nhiên tàn phá. Cụ thể, tại Khu bảo tồn thiên nhiên Nam Nung toàn bộ diện tích gần 22 nghìn ha rừng thuộc khu bảo tồn này được bảo vệ, bao bọc chung quanh bởi hàng chục nghìn ha rừng tự nhiên; với hàng chục chốt kiểm soát, trạm quản lý bảo vệ rừng của 6 công ty lâm nghiệp, lực lượng kiểm lâm của các huyện nhưng, lâm tặc vẫn đột nhập tạo hàng trăm đường mòn, mở lối vào tận vùng lõi để triệt hạ rừng, khai thác gỗ trái phép tràn lan và vận chuyển gỗ ra khỏi rừng.
Điển hình mới đây, tại tiểu khu 1133 Khu Bảo tồn bước đầu xác định có khoảng hơn 400m3 gỗ du sam nhóm 1A, đường kính từ 90cm -1,8m bị lâm tặc khai thác và đã chuyển ra khỏi rừng.
Dấu vết hiện trường cho thấy rừng bị tàn phá vào nhiều thời điểm, trong thời gian dài nhưng đơn vị chủ rừng vẫn không phát hiện để ngăn chặn.
Gỗ mất, rừng bị tàn phá nhưng trách nhiệm thì các bên đùn đẩy cho nhau. Trao đổi với phóng viên, ông Đặng Xuân Lộc-Giám đốc Khu bảo tồn thiên nhiên Nam Nung cho biết: “Diện tích rừng này mới được Khu bảo tồn tiếp quản từ Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Đức Hòa, huyện Đắk Song vào đầu tháng 5/2016.
Sau khi nhận bàn giao, tổ chức kiểm tra lại phát hiện rừng bị tàn phá, khai thác chúng tôi đã báo cơ quan chức năng làm rõ, để mất rừng, trách nhiệm thuộc về đơn vị quản lý trước đó”.
Còn ông Phạm Đình Dũng- Giám đốc Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Đức Hòa lại lý giải, khi tiến hành bàn giao rừng cho Khu bảo tồn thiên nhiên Nam Nung hai bên đã phối hợp với các cơ quan chức năng trực tiếp đi khảo sát, kiểm tra thực địa nhưng không hề phát hiện rừng bị tàn phá hoặc khai thác gỗ. Trong biên bản ký giao nhận giữa hai đơn vị thể hiện rất rõ việc này.
Ông Lê Công Trường- Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Đắk Nông cho biết, vụ việc khai thác gỗ du sam trái phép khối lượng lớn tại Khu bảo tồn thiên nhiên Nam Nung là rất nghiêm trọng, đơn vị đang chỉ đạo phòng chuyên môn phối hợp với các cơ quan chức năng của tỉnh, huyện Đắk Song và đơn vị chủ rừng tiến hành kiểm tra thực tế, khám nghiệm hiện trường, tổ chức thu gom tang vật để điều tra làm rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân liên quan đến vụ việc.
Được biết, 9 tháng đầu năm, qua khảo sát, nắm bắt tình hình, các ngành chức năng đã xác định trên địa bàn tỉnh Đắk Nông tồn tại 11 “điểm nóng” phá rừng. Qua triển khai thực hiện, các cơ quan chức năng đã ngăn chặn được 7 “điểm nóng” về phá rừng. 4 “điểm nóng” còn lại, chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng liên quan đang tập trung đấu tranh, ngăn chặn.
Không chỉ ở Đắk Nông, trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk thời gian qua cũng ghi nhận các vụ phá rừng, khai thác lâm sản trái phép. Ông Lê Đắc Ý- Giám đốc Khu bảo tồn thiên nhiên Ea Sô (Đắk Lắk) cho biết, thời gian qua tình trạng lâm tặc đột nhập khu bảo tồn triệt hạ gỗ quý thường xuyên diễn ra, đặc biệt là các đối tượng ở tỉnh ngoài.
Cụ thể, ngày 28/9, lực lượng Kiểm lâm Khu Bảo tồn trong khi tuần tra tại Tiểu khu 622 phát hiện một nhóm đối tượng đang vận chuyển gỗ trái phép và đã tiến hành bắt giữ được 3 đối tượng gồm: Lê Mô Y Cường (SN 1980), Ha Ra Y Trang (SN 1993), La Ô Y Em (SN 1999) cùng trú tại buôn Zô (xã Ea Ly, huyện Sông Hinh, tỉnh Phú Yên).
Qua khám nghiệm hiện trường, lực lượng chức năng phát hiện có 26 cây gỗ giáng hương (nhóm IIA), đường kính phần gốc từ 20-35 cm bị chặt hạ. Phần lớn gỗ đã bị lấy đi chỉ còn lại cành ngọn và 31 phách gỗ các đối tượng chưa kịp vận chuyển. Ngay sau đó, toàn bộ hồ sơ vụ việc và các đối tượng bị bắt giữ đã được Hạt Kiểm lâm KBTTN Ea Sô bàn giao cho Công an huyện Ea Kar tiến hành điều tra, làm rõ theo quy định của pháp luật.
Ngày 4-10, Công an huyện Ea Kar, tỉnh Đăk Lắk tiến hành bắt tạm giam các đối tượng này phục vụ điều tra.
Trước đó, khoảng giữa tháng 3/2016, lợi dụng lực lượng kiểm lâm mỏng, lâm tặc đã lẻn vào triệt hạ 29 cây gỗ Giáng hương quý hiếm nằm ngay vùng lõi của khu bảo tồn.
Sau khi xảy ra vụ việc, Ban Quản lý Khu Bảo tồn đã báo cáo cho Công an huyện và Viện Kiểm sát nhân dân huyện Ea Kar để phối hợp điều tra, xử lý, nhưng đến nay vẫn chưa tìm ra đối tượng phá rừng.
Mới đây, ngày 30-9, tại Tiểu khu 718, thuộc Rừng phòng hộ núi Vọng Phu do Ban quản lý rừng phòng hộ núi Vọng Phu (huyện M’Đrắk, Đắk Lắk) quản lý, Phòng An ninh kinh tế (Công an tỉnh Đắk Lắk) phối hợp với Công an huyện M’Đrắk đã phát hiện và bắt giữ 4 đối tượng gồm: Nguyễn Kiệp, Đỗ Ngọc Khoa, Trần Khánh Linh và Hồ Văn Hùng (cùng trú tỉnh Phú Yên) đang vận chuyển gỗ lậu.
Tại hiện trường, lực lượng chức năng thu giữ 3 xe độ chế dùng để chở gỗ, 65 lóng gỗ với khối lượng hơn 35 m3 thuộc chủng loại từ nhóm III đến nhóm IV. Lực lượng chức năng đã tạm giữ các đối tượng, tang vật để điều tra làm rõ vụ việc.
Để các cánh rừng ở Tây Nguyên được bình yên thiết nghĩ bên cạnh xử lý nghiêm các đối tượng phá rừng; tăng cường kiểm tra, quản lý của cơ quan chức năng thì cần tăng cường công tác tuyên truyền của chính quyền địa phương đến người dân, để người dân hiểu và chung tay cùng chính quyền thực hiện tốt công tác bảo vệ rừng.