Tái khởi động siêu dự án thép 3 tỉ USD

ThienNhien.Net – Tỉnh Quảng Ngãi dành hàng loạt ưu đãi để Tập đoàn Hòa Phát tiếp quản dự án thép có mức đầu tư 3 tỉ USD của Đài Loan.

Ban Thường vụ Tỉnh ủy và UBND tỉnh Quảng Ngãi vừa đồng ý chủ trương để Tập đoàn Hòa Phát tiếp quản dự án thép của Đài Loan tại Khu kinh tế Dung Quất với hàng loạt ưu đãi về thuế và tiền thuê đất.

111016-thep

Ban Quản lý Khu kinh tế Dung Quất cũng đã có công văn xin ý kiến các bộ, ngành liên quan làm cơ sở để tỉnh thực hiện thủ tục cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư theo quy định. Theo công văn, dự án thép Hòa Phát Dung Quất sẽ thay thế dự án nhà máy thép Guang Lian Dung Quất (Quảng Liên Dung Quất) do Tập đoàn Tycoons, Đài Loan triển khai vừa bị thu hồi do chậm tiến độ 10 năm. Tập đoàn Hòa Phát được tiếp quản, mua tài sản thanh lý của Quảng Liên Dung Quất để tiếp tục đầu tư dự án mới.

UBND tỉnh Quảng Ngãi đánh giá Tập đoàn Hòa Phát là doanh nghiệp có kinh nghiệm sản xuất thép, có năng lực tài chính. Dự án Hòa Phát Dung Quất phù hợp với quy hoạch tổng thể Khu kinh tế Dung Quất đến 2015-2020 đã được Thủ tướng phê duyệt. Quy mô của dự án phù hợp với quyết định của Bộ Công Thương về quy hoạch hệ thống sản xuất và phân phối thép đến năm 2020. Để thúc đẩy việc thực hiện dự án, tỉnh Quảng Ngãi đề xuất cho dự án được ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp 10% trong 30 năm, thay vì 15 năm như quy định. Ngoài ra, dự án cũng được đề nghị miễn tiền thuê đất tối đa 18 năm.

Dự án nhà máy thép Quảng Liên Dung Quất đã bỏ hoang nhiều năm. Ảnh: Luận Ngữ
Dự án nhà máy thép Quảng Liên Dung Quất đã bỏ hoang nhiều năm. Ảnh: Luận Ngữ

Về phần mình, Tập đoàn Hòa Phát cam kết sẽ sử dụng công nghệ, thiết bị hiện đại nhất hiện nay, đảm bảo thân thiện môi trường, tiết kiệm năng lượng. Công nghệ sản xuất than coke áp dụng là công nghệ thu hồi nhiệt không phát sinh hóa chất độc hại ra môi trường. Khí than lò cao, lò thổi được thu hồi toàn bộ để phục vụ gia nhiệt cho các nhà máy phụ trợ. Dây chuyền thực hiện theo chu trình sản xuất khép kín. Các loại xỉ luyện gang, xỉ luyện thép sẽ làm nguyên liệu cho ngành công nghiệp xi măng, vật liệu xây dựng… Chủ đầu tư cũng cam kết không thải nước ra môi trường bên ngoài.

Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ngãi lưu ý thêm Tập đoàn Hòa Phát phải khắc phục triệt để các hạn chế của khu liên hợp sản xuất gang, thép của tập đoàn này tại tỉnh Hải Dương; bảo đảm công nghệ, trang thiết bị xử lý môi trường theo tiêu chuẩn châu Âu và các quy định của Chính phủ Việt Nam.

Đặc biệt, chủ đầu tư phải dành ít nhất 35% tổng mức đầu tư dự án để đầu tư trang thiết bị và công tác quản lý, bảo vệ môi trường; đầu tư hệ thống quan trắc môi trường tự động hiện đại; không xả bụi, khí thải, chất thải rắn, nước thải ô nhiễm độc hại ra môi trường quanh dự án và ra biển. Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ngãi cũng yêu cầu UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành tích cực hướng dẫn, hỗ trợ giúp Tập đoàn Hòa Phát hoàn thành các thủ tục liên quan; Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy lấy ý kiến nhân dân trong vùng dự án; công khai đầy đủ thông tin của dự án để nhân dân biết.

Theo báo cáo của UBND tỉnh Quảng Ngãi, dự án thép Hòa Phát Dung Quất có công suất 4 triệu tấn/năm được chia làm hai giai đoạn. Tổng vốn đầu tư đăng ký 60.000 tỉ đồng (khoảng 3 tỉ USD); Hòa Phát còn phải bỏ thêm chi phí mua tài sản thanh lý dự án có tổng giá trị 266 tỉ đồng. Dự án sẽ được hoàn thành các giai đoạn trong vòng hơn 40 tháng sau khi triển khai. Sản phẩm chủ yếu là thép xây dựng, thép thanh vằn và thép cuộn. Sau khi đi vào hoạt động, dự án dự kiến có doanh thu 2 tỉ USD, đóng góp 4.000 tỉ đồng/năm cho ngân sách địa phương và tạo việc làm cho 8.000 lao động.

Họ đã nói

Một công nghệ hiện đại phải đảm bảo dây chuyền sản xuất liên tục, năng lượng tiêu hao thấp nhất, chất thải của giai đoạn trước là nguyên liệu của công đoạn sau. Do dự án này đang ở khâu xin chủ trương đầu tư nên phải tới khi có báo cáo tiền khả thi của chủ đầu tư và các bộ, ngành thì mới có cơ sở để nhận xét, đánh giá được công nghệ có hiện đại hay không.

PGS Ngô Trí Phúc, nguyên Trưởng bộ môn Luyện kim đen, ĐH Bách khoa Hà Nội
_________________________________

Hòa Phát là doanh nghiệp có kinh nghiệm làm thép nhưng cần theo dõi sát công nghệ, thiết bị sản xuất. Bởi lâu nay Hòa Phát thường nhập thiết bị công nghệ của Bỉ lẫn Trung Quốc để phục vụ các dự án thép của mình. Mọi việc cần phải được chứng minh qua số liệu báo cáo cụ thể, chứ không thể dựa vào các cam kết chung để đánh giá.

Ông Phạm Chí Cường, nguyên Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam