ThienNhien.Net – Ngay tại phiên họp đầu tiên khi Chính phủ mới kiện toàn, Thủ tướng đã xác định năm 2016 là năm khởi nghiệp doanh nghiệp, và hướng tới năm 2020 sẽ có 1 triệu doanh nghiệp (DN). Hiện nay đã có nhiều DN khởi nghiệp sáng tạo, gắn với cộng đồng và hướng tới sự phát triển bền vững.
Với nguồn nguyên liệu giá rẻ, sẵn có ở vùng quê như rơm, rạ, mùn cưa… Nguyễn Huy Hưng (Thái Nguyên) đã sáng chế ra sản phẩm viên nén mùn cưa, sản phẩm này đang được bạn hàng nước ngoài ưa chuộng, tìm kiếm đặt hàng.
Thân thiện môi trường
Sinh ra và lớn lên ở vùng quê thuần nông Kha Sơn – Phú Bình (Thái Nguyên), chàng trai Nguyễn Huy Hưng thấu hiểu hơn ai hết nỗi nhọc nhằn của những người dân quê. Thấy người dân quê mình sau khi thu hoạch lúa thường lấy rơm, rạ đốt để ủ phân bón cây trồng, còn các xưởng mộc chỉ tận thu mùn cưa làm chất đốt nhưng vẫn thải ra môi trường rất nhiều. “Hàng ngày chứng kiến những người thân trong gia đình mình vất vả khi đun bếp củi, bếp than, hít khói độc… cùng với sự “lãng phí” những nguồn nguyên liệu này đã thúc đẩy tôi làm sao tận dụng triệt để những phế phẩm thải loại ra môi trường nhằm hạn chế ô nhiễm môi trường”, anh Hưng chia sẻ.
Qua tìm hiểu, thấy viên nén mùn cưa và bếp đun viên nén mùn cưa là một sản phẩm hoàn toàn mới, chưa có trên thị trường. Từ đó, anh Hưng cùng bạn bè đã quyết nghiên cứu và thử nghiệm thành công hai sản phẩm này.
Ban đầu chưa có kỹ thuật, nguồn vốn eo hẹp, Hưng đã mạnh dạn thế chấp đất, vay tiền ngân hàng mở xưởng sản xuất. Để cho ra những sản phẩm viên nén mùn cưa, hàng ngày Hưng đi thu gom toàn bộ rơm, rạ của người dân trong vùng và mùn cưa tại các xưởng mộc. Các nguyên liệu này được nghiền, phơi, sấy, nén… để tạo ra viên nén mùn cưa. Sau khi đạt được độ ẩm thích hợp sẽ được đưa vào máy nạp nguyên liệu của máy ép viên. Nguyên liệu sau khi được nén với áp suất cao sẽ cho ra viên có kích thước đồng đều và cứng mà không cần dùng đến phụ gia, hay hóa chất.
Anh Hưng cho biết, để cho ra được sản phẩm viên nén mùn cưa, anh đã trải qua thất bại nhiều lần. Mặc dù mỗi lần thử nghiệm rất lâu và chi phí không nhỏ, nhưng anh không bỏ cuộc, vì nhận thấy rõ sản phẩm có tiềm năng sử dụng rất lớn, nhất là trên thị trường lại chưa có sản phẩm cùng loại. Nhiều lần kiên trì và cả thất bại, cuối cùng anh đã cho ra được sản phẩm hoàn thiện.
Sau khi đã thành công trong việc sản xuất viên nén mùn cưa, Hưng và các thanh niên trong xóm đã nghĩ cách chế tạo bếp đun phù hợp với loại viên nén này. Trên thân bếp có quạt điều gió có tác dụng giữ ngọn lửa trong lò duy trì ổn định và đốt cháy hoàn toàn nhiên liệu. Nhờ hệ thống quạt gió này mà khói, bụi sinh ra trong quá trình đốt được hạn chế. Sau khi sử dụng, lượng tro sinh ra cũng thấp hơn so với các phương pháp đốt bằng than, củi thông thường. Đặc biệt, chi phí sản xuất loại nhiên liệu này chỉ bằng 30 – 50% so với điện và ga và giảm hơn 90% khí thải cacbon ra môi trường khi sử dụng.
Cơ hội xuất khẩu lớn
Nếu so sánh với các nhiên liệu khác như than đá, củi thì viên nén mùn cưa hoàn toàn làm từ nguyên liệu tự nhiên, tận dụng từ phế thải. Trong quá trình tạo viên chỉ có áp lực và nhiệt độ, không có hóa chất độc hại, nên không ảnh hưởng đến sức khỏe con người và thân thiện với môi trường. Cùng với đó, chi phí đun nấu giảm rõ rệt, chỉ với giá 2.200 đồng/kg, bếp đun và viên nén mùn cưa đã trở thành mặt hàng ưa chuộng của bà con nhiều vùng nông thôn. Hiện nay, mỗi tháng anh xuất xưởng 120 tấn.
Không chỉ được ưa chuộng ở thị trường trong nước, sản phẩm của cơ sở sản xuất bếp và mùn cưa sạch Hương Phương của gia đình anh Hưng được xuất nhiều nhất vào thị trường Hàn Quốc, Đài Loan, Đức. Sử dụng chủ yếu cho lò sưởi, lò hơi trong các ngành công nghiệp nhẹ. Nhiều nước hiện nay đang khuyến khích các doanh nghiệp sử dụng viên nén mùn cưa thay cho các nhiên liệu đốt khác vì giá thành thấp mà không gây ô nhiễm môi trường. Thậm chí, Hàn Quốc còn miễn thuế nhập khẩu và tài trợ vốn cho các nhà nhập khẩu mặt hàng này.
Với những ưu điểm của mặt hàng này, anh Hưng cũng mong muốn chia sẻ kinh nghiệm với những ai muốn khởi nghiệp, do đó, cơ sở anh thực hiện chuyển giao công nghệ hoàn toàn, đối ứng vốn tỷ lệ 50/50. Hoặc bán hàng theo phương thức trả tiền chậm, hoặc đổi bằng sản phẩm sản xuất ra để thu hồi vốn. Hiện anh đã chuyển giao công nghệ ở nhiều tỉnh như: Thái Nguyên, Bình Dương, Phú Thọ, Lâm Đồng, Gia Lai, Đồng Nai…