ThienNhien.Net – Lãnh đạo tỉnh Quảng Nam cho rằng sự cố vừa qua tại thủy điện Sông Bung 2 là bài học xương máu trong việc bảo đảm an toàn cho các công trình thủy điện.
Ngày 10-10, UBND tỉnh Quảng Nam đã họp với đại diện các thủy điện trên địa bàn để bàn công tác quản lý, vận hành các hồ chứa thủy điện trong mùa mưa lũ sau sự cố trôi van hầm dẫn dòng thủy điện Sông Bung 2 khiến 2 người chết và mất tích.
Theo Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn (PCLB-TKCN) tỉnh Quảng Nam, trên hệ thống sông Vu Gia – Thu Bồn (tỉnh Quảng Nam) hiện có 42 thủy điện được phê duyệt. Đối với 10 dự án thủy điện bậc thang thì có 7 công trình đã phát điện, 3 công trình đang xây dựng. Trong 32 thủy điện vừa và nhỏ có 10 công trình đã phát điện, 6 công trình đang xây dựng, 16 dự án chưa triển khai. Đến nay, có 18 hồ chứa thủy điện có quy trình vận hành được duyệt (trong đó, Bộ Công Thương phê duyệt 14 hồ, UBND tỉnh Quảng Nam phê duyệt 4 hồ).
Trong năm nay, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Nam trình UBND tỉnh phê duyệt 12 phương án phòng, chống lũ lụt cho vùng hạ du đập thủy điện. Đáng chú ý, thủy điện Đắk Mi 4 là 1 trong 6 thủy điện vận hành theo quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Vu Gia – Thu Bồn nhưng không trình phương án phòng, chống lũ lụt cho vùng hạ du. Thời gian qua, việc quản lý, vận hành các công trình liên hồ chứa thủy điện cơ bản bảo đảm. Tuy nhiên, hiện trên sông Vu Gia có nhiều nhà máy thủy điện cùng tham gia điều tiết lũ trong khi việc xây dựng phương án phòng chống lũ lụt cho vùng hạ du theo quy định thì lại thực hiện theo từng hồ là không phù hợp. Quy trình vận hành nêu rõ quá trình vận hành điều tiết trong điều kiện bình thường thì giao trách nhiệm cho trưởng ban chỉ huy PCLL-TKCN điều hành, tình huống bất thường thì giao trách nhiệm cho chủ tịch tỉnh. Tuy nhiên, không có quy định nào nêu rõ trường hợp nào là bất thường nên việc triển khai gặp lúng túng.
Ông Trương Xuân Tý, Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy PCLB-TKCN tỉnh Quảng Nam, nêu ví dụ cho thấy quy trình vận hành liên hồ chứa còn bất cập. Cụ thể năm 2013, mực nước hồ của một thủy điện cao hơn mực nước đón lũ và trời đang mưa to nhưng chưa có bản tin dự báo của Đài Khí tượng Thủy văn trung ương. Ban Chỉ huy PCLL-TKCN tỉnh có đề xuất nên xả lũ để đón mưa nhưng lãnh đạo thủy điện này cho rằng không có trong kịch bản cũng như trong quy định phải có bản tin dự báo của Đài Khí tượng Thủy văn trung ương nên không thực hiện.
Ông Lê Đình Bản, Phó Tổng Giám đốc phụ trách Công ty CP Thủy điện A Vương, cho rằng người dân hạ du còn thiếu thông tin, nhiều người hiểu nhầm về lưu lượng nước về hạ du đối với các thủy điện bậc thang. Ông Lê Trí Thanh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, yêu cầu các thủy điện thực hiện nghiêm túc các chỉ thị của UBND tỉnh Quảng Nam về tăng cường công tác quản lý, bảo đảm an toàn hồ chưa nước và công tác PCLL-TKCN năm 2016; tăng cường đưa thông tin đến với người dân một cách hiệu quả. Ông Thanh cũng chỉ ra rằng hiện chỉ có 17 trạm đo mưa là quá thưa, theo quy định phải có 40 trạm. Việc có ít trạm tính lưu lượng nước về hồ sẽ đưa ra dự báo thiếu chính xác và hậu quả khó lường. Mật độ mốc báo lũ cũng nên bổ sung vì hiện chỉ có 72 mốc.
Nhắc đến sự cố thủy điện Sông Bung 2, ông Thanh cho biết hiện tỉnh đã cử cán bộ tham gia tổ điều tra sự cố do Bộ Công Thương chủ trì. Ông Thanh yêu cầu thủy điện Sông Bung 2 khẩn trương khơi thông, trả lại dòng chảy bình thường và sớm bồi thường cho người dân, nhất là những hộ bị mất nhà, hoa màu…
Không làm ào ào!
Ông Đinh Hữu Tấn, Giám đốc Công ty CP Thủy điện Đắk Mi, cho hay đã xây dựng phương án phòng, chống lũ lụt cho vùng hạ du đối với thủy điện Đắk Mi 4 nhưng còn thiếu kịch bản ứng phó sự cố vỡ đập. Hiện công ty vẫn đang thuê đơn vị thực hiện nhưng gặp nhiều khó khăn nên chưa hoàn thành. Vấn đề này, ông Lê Trí Thanh yêu cầu trước mắt phải trình phương án phòng, chống lũ lụt cho vùng hạ du để tỉnh duyệt, riêng kịch bản ứng phó tình huống vỡ đập chưa làm kịp thì phải bổ sung sau nhưng phải làm kỹ chứ “không ào ào”. Ông Thanh cũng bác ý kiến “xin” không lắp đặt hệ thống camera và đường truyền đối với thủy điện Sông Bung 4A và Sông Bung 5. |