ThienNhien.Net – Dự án sản xuất phân bón DAP Đình Vũ (khu công nghiệp Đình Vũ, phường Đông Hải 2, quận Hải An, Hải Phòng) thải ra khối lượng chất thải khổng lồ, đe dọa đời sống người dân.
Đứng từ xa ngoài KCN Đình Vũ nhìn vào đã thấy bãi chứa chất thải của DAP Đình Vũ giống hệt một quả núi, phủ màu đen xám xịt, khuất lấp cả một khoảng trời.
Chỉ trong thời gian rất ngắn, núi chất thải mọc lên cạnh nhà máy trở thành đề tài nóng hổi trong các kỳ tiếp xúc cử tri và họp HĐND TP Hải Phòng.
Từ người dân đến một số lãnh đạo địa phương cho rằng, bãi thải của DAP Đình Vũ không khác gì một quả bom môi trường lơ lửng trên đầu thành phố hoa phượng đỏ.
Thứ nhất là vị trí đặt bãi thải quá gần trung tâm.
Thứ hai, khối lượng chất thải từ nhà máy tuồn ra liên tục tăng theo cấp số nhân, bãi chứa trở thành quả núi chất chồng và to nhanh như thổi. Núi chất thải trên đã án ngữ ngay gần trung tâm TP Hải Phòng đã gần 7 năm nay.
Dây chuyền sản xuất, loại chất thải chất cao như núi này có tên là chất thải rắn thạch cao (gyps) dôi dư trong quá trình chuyển hóa quặng apatit thành phân bón.
Dù chưa có con số thống kê chính xác về khối lượng, nhưng bãi thải gyps đã vượt tràn ra ngoài 3ha so với qui định cấp phép chỉ có 10ha.
4 lần gây sự cố môi trường
Theo các cơ quan chức năng, trong quá trình hoạt động, công ty từng 4 lần xảy ra sự cố môi trường. Ngày 4/8/2016, Bộ TN&MT có văn bản 3218/BTNMT-VP, truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Bộ trưởng TN&MT Trần Hồng Hà về việc kiểm tra thông tin người dân phản ánh về nhà máy DAP Đình Vũ gây ô nhiễm.
Dự án xây dựng nhà máy sản xuất phân bón DAP (tại KCN Đình Vũ, quận Hải An, TP Hải Phòng) do Tổng công ty Hóa chất làm chủ đầu tư, được Thủ tướng phê duyệt năm 2005 với diện tích 72ha, công suất 330.000 tấn/năm.
Nhà máy khởi công ngày 27/7/2003, đến ngày 11/4/2009 hoàn thành và đưa vào sản xuất. Trong quá trình sản xuất, chuyển hóa từ quặng apatit thành phân bón, nhà máy thải ra một khối lượng gyps rất lớn. Việc chưa có biện pháp xử lý triệt để khiến bãi thải của nhà máy như một quả “núi” khổng lồ, tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây ô nhiễm môi trường.
Theo thiết kế, bãi chứa chất thải có diện tích 10ha, được phép chứa tạm thời không quá 3 năm. Đã hơn 5 năm trôi qua, bãi thải này vẫn tồn tại, diện tích tăng lên 13ha. Bãi chứa gyps lộ thiên, không được che chắn (việc trồng cây xanh bao xung quanh không được thực hiện nghiêm túc).
Hệ thống băng tải vận chuyển gyps từ nơi phát sinh ra bãi chứa gyps tạm thời là băng tải hở, có nguy cơ phát tán hơi axit ra xung quanh, ảnh hưởng đến môi trường không khí.
Theo văn bản số 2122, ngày 1/12/2015 của Sở TN&MT Hải Phòng, bãi chứa mới xây dựng giai đoạn I (5,4ha) không có hệ thống thu gom và xử lý nước mưa tràn mặt, nước thoát thẳng ra biển.
Để xỷ lý bãi thải gyps, công ty DAP Đình Vũ xây dựng nhà máy sản xuất thạch cao. Dự án triển khai từ năm 2015 với số vốn đầu tư 245 tỉ đồng, công suất xử lý 750.000 tấn bã thải/năm. Tiến độ thực hiện dự án rất chậm và hầu như chưa hoạt động. Trước diễn biến thời tiết bất thường, những nguy cơ tiềm ẩn có thể xảy ra.
Từ khi chạy thử (tháng 4/2009) đến nay, DAP Đình Vũ xảy ra 4 sự cố ảnh hưởng đến môi trường. Lần thứ nhất, ngày 26/7/2009, DAP Đình Vũ rò rỉ khoảng 7 tấn axit sunfuric (H2SO4) tại kho chứa. Rất may, nhà máy kịp thời khắc phục sự cố, không để phát tán ra môi trường.
Lần thứ hai, ngày 25/2/2011, tại khu vực cầu cảng rò rỉ khí amoniac (NH3). Lần thứ ba, đêm 23/6/2013, do ảnh hưởng của bão và triều cường, nước biển tràn qua đê vào hồ điều hòa làm nước trong hồ chứa nước thải nhiễm ra hồ nước sạch của công ty, làm chết cá của các hộ nuôi trồng thủy sản xung quanh.
Lần thứ tư, ngày 4/9/2015, khoảng 7m³ bã thạch cao tại mỏm cao nhất của bãi gyps tràn xuống vùng hồ chứa nước axit bên trong bãi chứa gyps, làm bùn dung dịch gyps và nước axit thu gom từ hồ chứa tràn qua đập chắn ra khu vực ngã ba đường giao thông KCN Đình Vũ.
Kết luận thanh tra số 345/KLTTr-TCMT, ngày 10/5/2016 của Tổng cục Môi trường, Bộ TN&MT chỉ rõ sai phạm trong công tác bảo vệ môi trường của DAP Đình Vũ. Cụ thể, đối với bãi gyps tạm thời, công ty chưa thực hiện đúng theo Báo cáo đánh giá tác động môi trường được phê duyệt.
Lãnh đạo Hải Phòng đã thấy nhức nhối
Theo báo cáo đánh giá tác động môi trường, bãi thải này có diện tích 10ha, thời gian lưu giữ tạm thời là 3 năm và phải trồng cây bao quanh.
Nhưng trên thực tế, bãi thải này có diện tích là 13 ha và thời gian lưu giữ hơn 5 năm, Sở TN&MT Hải Phòng nhiều lần có văn bản gửi Bộ TN&MT, Bộ Công thương báo cáo về nguy cơ gây ô nhiễm môi trường của DAP Đình Vũ. Hiện, bãi chất thải gyps của nhà máy DAP gần ngã ba KCN Đình Vũ, trên đường ra đảo Cát Bà.
Chiều 5/8, Phó chủ tịch UBND TP Hải Phòng Lê Thanh Sơn kiểm tra việc thực hiện các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường tại nhà máy DAP Đình Vũ. Đến nay, lượng bã thạch cao đang chứa tại bãi thải xấp xỉ 2,3 triệu tấn, chiều cao chất đống 25m. Tiến độ tái chế bãi thải gyps chậm; các biện pháp bảo đảm an toàn chưa đáp ứng yêu cầu, đặc biệt là khi có mưa lũ.
Qua kiểm tra thực tế tại hiện trường, Phó chủ tịch UBND TP Hải Phòng chỉ đạo: DAP Đình Vũ nằm ở khu vực nhạy cảm về môi trường, nếu xảy ra sự cố, diện ảnh hưởng, tác động tới môi trường, dân sinh rất lớn, song việc xử lý bãi thải gyps của nhà máy chưa thực hiện như cam kết, cần thực hiện đúng quy trình xử lý chất thải, nước thải, khí thải phát sinh trong quá trình sản xuất.
Trước mắt, khẩn trương thực hiện biện pháp bảo vệ môi trường, hạn chế phát sinh ô nhiễm ra chung quanh; công bố công khai kết quả quan trắc môi trường.
Ngày 17/8, tại kỳ họp thứ hai, HĐND TP Hải Phòng khoá 15, các đại biểu chất vấn ông Phạm Quốc Ka, Giám đốc Sở TN&MT về việc xử lý bãi thải gyps tại nhà máy DAP (KCN Đình Vũ).
Theo ông Ka, dự án này có 4 nhà máy sản xuất hoá chất, trong đó có nhà máy sản xuất DAP. Các nhà máy này đều xả khí thải có hàm lượng độc tố cao như clorua, ni tơ…
Tại khu vực nhà máy này, hai lần xảy ra sự cố rò rỉ nước thải, hai lần sạt lở bãi thải gyps. Tuy nhiên, nhức nhối nhất vẫn là bãi thải gyps. Bãi thải có thiết kế 10ha trong thời hạn từ 3-5 năm, nhưng hiện tại, thời hạn đã vượt 3 năm, diện tích bãi thải vượt 3ha.
Lượng axit tồn dư và hoá chất là kim loại nặng trong chất thải gyps cao gây nguy cơ ô nhiễm môi trường. Nhà máy xây dựng 4 dây chuyền sản xuất thạch cao để tiêu thụ chất thải gyps, nhưng chỉ mới có 1 dây chuyền vận hành với công suất không đáng kể.
Sở TN&MT Hải Phòng yêu cầu nhà máy giảm công suất. Về lâu dài, nhà máy phải có nghiên cứu, lập kế hoạch được cơ quan quản lý nhà nước thẩm định để xử lý bãi thải gyps theo lộ trình cụ thể. Trong thời gian chưa xử lý được triệt để, đơn vị phải chuyển bãi thải gyps sang bãi thải lâu dài, thu gom triệt để nước thải, khí thải. Nếu doanh nghiệp không bảo đảm môi trường, sẽ đề xuất đóng cửa nhà máy.