ThienNhien.Net – Châu Á là nơi sinh sống của 3 loài tê giác: Javan, Sumatra và tê giác Ấn Độ. Mỗi loài này đều đang phải chịu những thách thức sinh tồn khác nhau.
Tê giác Ấn Độ
Tê giác Ấn Độ (hay còn gọi là tê giác một sừng lớn) có thời sinh sống dọc từ lãnh thổ Pakistan cho đến vùng đất Myanmar. Ngày nay, chúng chỉ còn tại một vài khu bảo tồn thiên nhiên phía bắc Nepal và các bang Assam, Tây Bengal và Uttar Pradesh của Ấn Độ, trong đó phần lớn tập trung tại VQG Kaziranga thuộc bang Assam.
Hiện tê giác Ấn Độ còn khoảng 3.500 cá thể – ít hơn bất cứ loài tê giác châu Phi nào. Tuy nhiên, con số này đang gia tăng, đánh dấu sự trở lại ngoạn mục của loài này so với số lượng quần thể ở thế kỷ trước.
Năm 2008, IUCN đã hạ mức nguy cấp của tê giác Ấn Độ từ “nguy cấp” xuống “sẽ nguy cấp”. Đây được coi là thành công lớn nhất trong các nỗ lực bảo tồn các loài thú lớn tại châu Á.
Các chương trình bảo tồn tại VQG Kaziranga đã thành công tới mức các nỗ lực bảo tồn hiện tại đang hướng tới việc chuyển tê giác sang nơi khác để thiết lập một quần thể tê giác mới tại Ấn Độ.
Chính phủ Ấn Độ và Nepal đã đóng góp lớn vào sự thành công của chương trình, đồng thời phối hợp ăn ý với các nỗ lực bảo tồn từ các tổ chức phi chính phủ, giúp nỗ lực chống săn trộm tăng hiệu quả gấp bội. Ngoại trừ một vụ săn trộm tê giác ngoài khu vực bảo tồn hồi đầu tháng 9, Nepal đã duy trì 2 năm không ghi nhận bất cứ vụ săn trộm nào.
Mặc dù vậy, áp lực vẫn còn đó khi nhu cầu sừng tê giác tại Đông Á, đặc biệt là Trung Quốc và Việt Nam vẫn tiếp tục tăng mạnh.
Chỉ có thành phần chính là Keratin giống như móng tay người, thế nhưng sừng tê giác có giá tới 60.000 USD/kg tại chợ đen, khiến tê giác trở thành con mồi béo bở cho các mạng lưới săn trộm có vũ trang.
Mặc dù Ấn Độ có trang bị vũ khí cho đội tuần tra rừng, số vụ săn trộm vẫn tăng vọt. Theo ước tính của IUCN, đã có khoảng 121 đến 125 con tê giác bị bắn chết tại Assam.
Tê giác Ấn Độ còn phải chịu áp lực từ các hoạt động lấn chiếm môi trường sống của con người. Khu vực ranh giới của VQG Kaziranga hiện đang xảy ra tranh chấp nặng nề sau khi tòa án tối cao Assam yêu cầu khoảng 300 hộ dân sống trên vùng đệm khu bảo tồn phải di dời. Ngày 20/9 vừa qua, đã có 2 người thiệt mạng và 20 người bị thương trong cuộc xung đột giữa nhóm biểu tình phản đối việc di dời và cảnh sát.
Tê giác Javan
Với số lượng ít hơn nhưng Tê giác Javan (Rhinoceros sondaicus sondaicus) cũng đang chịu chung mối đe dọa do mất môi trường sống và nạn săn bắn.
Tê giác Javan được IUCN xếp loại “cực kỳ nguy cấp” với số lượng còn lại khoảng 65 cá thể. Các nhà bảo tồn cho rằng, nếu được quản lý hợp lý, số lượng ít ỏi này vẫn có thể phát triển. Tuy nhiên, quần thể này vẫn rất dễ tổn thương trước nhiều mối đe dọa. Với toàn bộ quần thể tập trung ở một khu vực duy nhất ở VQG Ujung Kulon, Indonesia, thì một đợt dịch bệnh hoặc một thảm họa thiên nhiên cũng có thể xóa sổ toàn bộ quần thể.
Trong khi đó, với vị trí nằm trên một eo biển hẹp cạnh núi lửa Krakatau, việc xảy ra thiên tai tại VQG Ujung Kulon không phải chỉ là một rủi ro giả định. Năm 1883, khi núi lửa Krakatau phun trào, 40.000 người đã thiệt mạng và toàn bộ VQG đã bị phá hủy. Ngọn núi vẫn tiếp tục âm ỉ cho đến nay.
Ngoài ra, tê giác Javan cũng không tránh khỏi các mối đe dọa từ con người dù nơi sinh sống hoàn toàn hẻo lánh. Các vụ săn trộm vẫn liên tục xảy ra, không chỉ với tê giác mà cả với các sinh vật hoang dã khác. Theo ông Widodo Ramono, Giám đốc Tổ chức Tê giác Indonesia (YABI), mặc dù không có bằng chứng về vụ việc săn trộm tê giác nào từ năm 2006, các tay săn trộm vẫn liên tục xuất hiện trong rừng.
Chưa kể, sinh cảnh của tê giác Javan tại VQG Ujung Kulon cũng bị đe dọa bởi sự phát triển của loài cọ ngoại lai arenga (Arenga obtusifolia) đang làm thu hẹp diện tích sống của loài cỏ bản địa vốn là thức ăn chính của tê giác.
Sự kỳ vọng hiện được đặt vào Khu vực Nghiên cứu và Bảo tồn Tê giác Javan, chiếm 5.000 ha trên tổng diện tích VQG. Khu vực này được ban bảo vệ tê giác tuần tra chặt chẽ, và cọ arenga tại đây được chặt bỏ để khôi phục lại nguồn thức ăn cho tê giác. Các nhà bảo tồn hy vọng VQG Ujung Kulon có thể đóng vai trò nền tảng để từ đó tê giác Javan có thể chuyển sang nơi ở thứ hai phù hợp, giúp duy trì hai quần thể song song, tránh rủi ro từ thiên tai hoặc bệnh dịch.
Tê giác Sumatra
Nguy cấp hơn cả là loài tê giác nhiều lông Sumatra (Dicerorhinus sumatrensis) – loài tê giác duy nhất còn tồn tại trong họ tê giác hai sừng. Hiện nay loài này chỉ còn lại 7 con tại Indonesia và 3 con tại Malaysia sống trong điều kiện nuôi nhốt.
Năm ngoái, các quan chức Malaysia đã xác nhận quốc gia này không còn tê giác ngoài tự nhiên. Một số ước tính cho rằng vẫn còn khoảng 100 con tê giác Sumatra sống trong môi trường tự nhiên tại Indonesia, nhưng Giám đốc Liên minh Tê giác Borneo, ông John Payne cho rằng chỉ còn khoảng trên 55 con sống tại khu vực giữa đảo Kalimantan và Sumatra, và bị chia thành những quần thể nhỏ lẻ đơn độc. Những quần thể này không thể sinh sản, hay sinh sản một cách khỏe mạnh. Tỷ lệ sinh sản thấp thậm chí còn nguy hiểm hơn cả nạn săn trộm hay mất sinh cảnh. Đầu tư cho các biện pháp chống săn trộm vì vậy vẫn là chưa đủ.
Vậy làm thế nào để đạt tới mục tiêu “thêm những chú tê giác con”? Một vài nhóm bảo tồn tin rằng cần đầu tư thêm cho các công nghệ hỗ trợ nhân giống, khi hầu hết những con tê giác còn sống đều có vấn đề sinh sản. Tại mỗi nước Indonesia và Malaysia, chỉ còn duy nhất một con cái đang nuôi nhốt có thể sinh đẻ tự nhiên. Một số nhóm bảo tồn khác lại thiên về nỗ lực đảm bảo môi trường kết đôi tự nhiên, hoặc hỗ trợ sinh sản tự nhiên trong môi trường bán tự nhiên.
Sau nhiều năm thất bại, các chương trình sinh sản trong môi trường nuôi nhốt tại Indonesia cuối cùng cũng đạt được một vài thành tựu. Andatu, một chú tê giác đực khỏe mạnh đã được sinh ra tại Khu bảo tồn Tê giác Sumatran vào năm 2012. Tê giác mẹ, Ratu, được đưa về từ môi trường tự nhiên, còn tê giác bố, Andalas, cũng được sinh ra trong môi trường nuôi nhốt tại Cincinnati. Cặp tê giác này vừa sinh thêm một chú tê giác cái vào tháng 5 vừa qua.
Thế nhưng, những tin mừng như trên chỉ là những đốm sáng lẻ loi. Mặc dù còn nhiều tranh luận, các nhà bảo tồn tin rằng cần phải gom những cá thể riêng lẻ lại thành một quần thể lớn để giúp loài này tiếp tục tồn tại. Sau nhiều thảo luận, Tổ chức YABI cùng Ban Quản trị Bảo vệ rừng và Bảo tồn Thiên nhiên Indonesia đã thống nhất vận chuyển và hợp nhất các nhóm quần thể dưới 5 con tê giác Sumatra thành các quần thể lớn hơn.
Kế hoạch đã có nhưng điều duy nhất còn thiếu là nguồn vốn. Các nhà bảo tồn đang hy vọng các chương trình bảo tồn của Liên minh châu Âu và chính phủ Bắc Mỹ sẽ tài trợ cho nỗ lực này.