Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu chuẩn bị có hiệu lực

ThienNhien.Net – Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon ngày 5/10 thông báo Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu sẽ qua giai đoạn chuẩn bị thứ hai và cuối cùng trước khi chính thức có hiệu lực từ ngày 4/11 tới.

Trong tuyên bố chính thức, Tổng Thư ký Ban Ki-moon đánh giá động lực toàn cầu để đưa Hiệp định Paris có hiệu lực trong năm 2016 là “phi thường.” Sự ủng hộ mạnh mẽ của cộng đồng quốc tế là minh chứng cho tính cấp thiết của vấn đề cũng như phản ánh sự đồng thuận của các chính phủ rằng hợp tác toàn cầu là cần thiết để giải quyết thách thức biến đổi khí hậu.

Tổng Thư ký gửi lời chúc mừng tới những nước đã ký Hiệp định Paris đồng thời hối thúc các nước đẩy nhanh tiến trình phê chuẩn trong nước để thông qua Hiệp định sớm nhất có thể trước Hội nghị lần thứ 22 Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP22) dự kiến diễn ra vào ngày 7-18/11 tại Marrakes, Maroc.

Ông Ban Ki-moon hối thúc tất cả các chính phủ và lĩnh vực xã hội triển khai đầy đủ Hiệp định Paris, có những hành động khẩn cấp để giảm khí thải nhà kính, cải thiện “sức khỏe” khí hậu toàn cầu và hỗ trợ các nước dễ bị tổn thương trong việc thích ứng với tác động từ biến đổi khí hậu.

Trong khi đó, Tổng thống Mỹ Barack Obama cùng ngày đã bày tỏ niềm vui mừng trước thông tin Hiệp định Paris sẽ có hiệu lực từ ngày 4/11 tới, nhận định đây là công cụ giải cứu Trái đất hữu hiệu nhất.

Hồ La Angostura ở Bolivia cạn khô nước do nắng nóng và hạn hán kéo dài. (Nguồn: AFP/TTXVN)
Hồ La Angostura ở Bolivia cạn khô nước do nắng nóng và hạn hán kéo dài. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Phát biểu từ Nhà Trắng, Tổng thống Obama nói rằng chỉ riêng Hiệp định Paris sẽ không thể giải quyết được cuộc khủng hoảng khí hậu hiện nay, song văn kiện này sẽ góp phần làm chậm hoặc tránh được những hậu quả tồi tệ nhất. Ông Obama nhấn mạnh “nếu chúng ta tuân thủ các cam kết trong Hiệp định Paris, lịch sử sẽ ghi nhận đây là một bước ngoặt đối với hành tinh của chúng ta.”

Tổng thống Obama đưa ra phát biểu trên sau khi nhiều nước châu Âu – trong đó có Đức, Pháp, Bồ Đào Nha và Áo – cùng ngày đã hoàn tất quy trình thông qua Hiệp định Paris. Theo kế hoạch, văn bản này sẽ có hiệu lực sau khi nhận được sự phê chuẩn của ít nhất 55 quốc gia chiếm 55% lượng khí thải toàn cầu.

Mới nhất, Quốc hội Canada ngày 5/10 đã thông qua Hiệp định Paris với 207 phiếu thuận và 81 phiếu chống với mục tiêu giảm khí thải nhà kính gây biến đổi khí hậu. Bộ trưởng Môi trường Catherine McKenna nhận định đây là bước đi nghiêm túc đầu tiên của Ottawa nhằm đối phó với biến đổi khí hậu sau 10 năm thiếu vắng hành động.

Trước đó, dưới thời của cựu Thủ tướng Stephen Harper, đảng Bảo thủ cầm quyền đã rút khỏi Nghị định thư Kyoto về biến đổi khí hậu do quan ngại ảnh hưởng tới kinh tế quốc gia, đồng thời kiên quyết phản đối mọi hình thức đánh thuế khí thải carbon.

Theo trang mạng của Công ước khung Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (UNFCCC), Hiệp định Paris hiện đã nhận được sự phê chuẩn của 72 quốc gia đóng góp hơn 56% khí thải nhà kính toàn cầu.

Nguồn: