ThienNhien.Net – Ngày 5/10, tại Hà Nội, hơn 50 đại diện đến từ các doanh nghiệp, tổ chức xã hội và cơ quan chính phủ tham dự Hội thảo tham vấn đóng góp ý kiến cho bản dự thảo Hướng dẫn cấp khu vực về sự tham gia cộng đồng trong Đánh giá tác động môi trường (ĐTM) do Tổng cục Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp các tổ chức xã hội dân sự tổ chức.
Dự thảo gồm 11 chương, đề cập đến mục đích và các khái niệm về sự tham gia của cộng đồng trong ĐTM (chương 1 đến chương 4), sàng lọc và xác định phạm vi thực hiện (chương 5 đến chương 7), điều tra và lập Báo cáo ĐTM (chương 8), thẩm định và quyết định về Báo cáo ĐTM (chương 9-10), quan trắc quản lý đánh giá tác động môi trường, thực thi, tuân thủ và giám sát (chương 11).
Nội dung dự thảo được xây dựng bởi nhóm công tác kỹ thuật khu vực gồm 25 thành viên là đại diện của cơ quan chính phủ và tổ chức xã hội đến từ 5 nước tiểu vùng sông Mê Kônggồm: Việt Nam, Lào, Campuchia, Myanmar và Thái Lan. Mục đích của việc thực hiện Hướng dẫn nhằm đảm bảo quá trình đánh giá tác động môi trường có sự tham gia của cộng đồng bị ảnh hưởng ở 5 nước thuộc tiểu vùng Mê Kông.
Theo ông Nguyễn Văn Tài, Tổng cục trưởng Tổng cục môi trường (đơn vị đại diện cơ quan chính phủ tham gia nhóm công tác khu vực), tham vấn cộng đồng là một phần không thể thiếu trong ĐTM. Việc thực hiện tốt công việc này sẽ góp phần hạn chế những tác động bất lợi cho xã hội và môi trường, sự chậm trễ của dự án, và những xung đột với cộng đồng. “Chúng tôi mong muốn thể chế hoá các quy định của Hướng dẫn vào điều kiện thực tế ở Việt Nam” – ông Tài khẳng định.
Góp ý kiến về tầm quan trọng của tham vấn hiệu quả, đại diện Chi cục Bảo vệ Môi trường tỉnh Bắc Giang nhấn mạnh vai trò giám sát của các cơ quan chuyên môn đối với việc tham vấn cộng đồng: “Hiện nay, nhiều đơn vị thực hiện ĐTM chỉ làm lấy lệ. Có dự án lấy ý kiến của 20 người dân địa phương. Tuy nhiên, khi chúng tôi kiểm tra, xã cho biết chỉ có 2 người đang sống trên địa bàn còn không biết 18 người kia ở đâu”.
Ông Trần Miên, nguyên Trưởng ban Môi trường Tập đoàn Công nghiệp Than Khoáng sản Việt Nam (TKV) thì góp ý nên quy định rõ trách nhiệm của doanh nghiệp trong thực hiện ĐTM vì doanh nghiệp thường chỉ đặt lợi nhuận lên hàng đầu. Theo ông Miên, tham vấn cộng đồng hiện nay đơn thuần chỉ là một biên bản lấy ý kiến cộng đồng, do đó, cần làm rõ thế nào là tham gia hiệu quả, thực chất.
Không chỉ ủng hộ tham vấn thực chất, bà Nguyễn Thị Yến, Hội Phụ nữ về bảo vệ môi trường còn nhấn mạnh Hướng dẫn cần nâng cao sự tham gia của các nhóm dễ bị tổn thương trong quá trình thực hiện đánh giá tác động môi trường để các nhóm có thể tham gia hiệu quả vào quá trình đó.
Dự kiến Hội thảo tham vấn sẽ tiếp tục được tổ chức tại Thành phố Hồ Chí Minh vào ngày 7/10.
5/10 là buổi tham vấn đầu tiên trong chuỗi sự kiện tham vấn tháng 10 được tổ chức tại 5 nước tiểu vùng sông Mê Kông. Ngoài tham vấn trực tiếp, dự thảo Hướng dẫn cũng được công khai trên website Mê Kôngcitizen.org/EIA để lấy ý kiến rộng rãi đến hết 31/10. Sau tham vấn, nhóm chuyên gia khu vực sẽ chỉnh sửa lại và công việc tiếp theo sau khi có bản Hướng dẫn hoàn chỉnh là đảm bảo Hướng dẫn này được các nhà quản lý dự án áp dụng và các chính phủ sẽ dựa vào đó để hoàn thiện hơn các quy định chính sách hiện hành về ĐTM. |