ThienNhien.Net – Mặc dù đã triển khai nhiều biện pháp để ngăn chặn tình trạng vi phạm Luật bảo vệ và phát triển rừng, nhưng đến nay trên địa bàn tỉnh Đắk Nông vẫn còn tồn tại bốn “điểm nóng” phá rừng.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Nông, vào cuối năm 2015, trên địa bàn tỉnh tồn tại 11 “điểm nóng” phá rừng. Trước tình hình đó, Sở đã tham mưu Ủy ban Nhân dân tỉnh ban hành Quyết định số 42/QĐ-UBND ngày 8/1/2016, về kế hoạch ngăn chặn các “điểm nóng” phá rừng trên địa bàn.
Sau chín tháng triển khai lực lượng chức năng của tỉnh và các chủ rừng đã ngăn chặn được bảy “điểm nóng” về phá rừng, hiện vẫn còn tồn tại bốn điểm. Các điểm nóng phá rừng gồm tiểu khu 1685 và 1697, do Xí nghiệp Lâm nghiệp Đắk Ha (thuộc Công ty trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Lâm nghiệp Gia Nghĩa) quản lý; tiểu khu 1507 thuộc lâm phận của Công ty trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Lâm nghiệp Quảng Tín; tiểu khu 1506 do Công ty trách nhiệm hữu hạn Thiện Hưng (Tuy Đức) quản lý; tiểu khu 1529 do Công ty Cổ phần Địa ốc Khang Nam (Tuy Đức) quản lý.
Theo ông Lê Trọng Yên, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đắk Nông, chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng liên quan vẫn đang tập trung thực hiện kế hoạch của Ủy ban Nhân dân tỉnh, cũng như tăng cường các biện pháp để ngăn chặn, không để phát sinh thêm “điểm nóng” về phá rừng.
Tỉnh Đắk Nông tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật bằng nhiều hình thức, nhiều kênh thông tin để nâng cao nhận thức và trách nhiệm của các cấp, các ngành, mỗi chủ rừng, mỗi người dân và toàn xã hội trong việc bảo vệ và phát triển rừng; ký cam kết thực hiện pháp luật của Nhà nước về quản lý và bảo vệ rừng. Đồng thời, quản lý chặt chẽ, kiểm tra thường xuyên, đột xuất các cơ sở chế biến gỗ; xử lý nghiêm và kiên quyết đình chỉ hoạt động đối với các xưởng chế biến gỗ sử dụng gỗ bất hợp pháp hoặc cố tình không chấp hành quy định về quản lý, báo cáo thống kê theo quy định hiện hành.
Cùng với đó, tỉnh chỉ đạo các đơn vị bố trí lực lượng chủ động ngăn chặn các vụ phá rừng, cháy rừng, lấn chiếm đất rừng, khai thác, vận chuyển, buôn bán, chế biến gỗ và lâm sản trái pháp luật; tổ chức cắm chốt gồm lực lượng kiểm lâm, chính quyền địa phương, chủ rừng và tổ chức tuần tra, kiểm tra, trực 24/24 tại các “điểm nóng,” để ngăn chặn và xử lý kịp thời, nghiêm minh các vụ vi phạm.
Theo thống kê chưa đầy đủ, từ đầu năm đến nay, trên địa bàn Đắk Nông đã xảy ra 302 vụ phá rừng, làm thiệt hại gần 120ha rừng.