ThienNhien.Net – Theo công bố của Hội đồng giải thưởng Nobel, giải Nobel Vật lý 2016 đã thuộc về 3 nhà khoa học gốc Anh vì “những phát hiện lý thuyết về sự biến đổi trạng thái topo và các trạng thái topo học của vật chất”.
Ba nhà khoa học được vinh danh gồm David Thouless, Duncan Haldane và Michael Kosterlitz. Cả 3 nhà khoa học trên đều sinh ra tại Anh, nhưng đang làm việc tại Mỹ.
Ông David Thouless sinh năm 1934, công tác tại Đại học Washington, thành phố Seattle, bang Washington. Ông Duncan Haldane sinh năm 1951, làm việc tại Đại học Princeton, bang New Jercey và ông Michael Kosterlitz sinh năm 1942, công tác tại Đại học Brown ở thành phố Providence, bang Rhode Island.
Topo học là một ngành toán học mô tả các thuộc tính chỉ thay đổi dần dần. Topo học nghiên cứu các đặc tính được bảo toàn qua các biến dạng, sự xoắn, kéo giãn, nhưng ngoại trừ xé rách và dán dính. Topo học còn được gọi là hình học của màng cao su. |
Viện Khoa học hoàng gia Thụy Điển cho biết: “Những người được giải Nobel Vật lý 2016 đã khám phá ra những bí ẩn của vật chất đặc biệt. Họ đã mở ra cánh cửa vào một thế giới chưa được biết đến, nơi vật chất có thể có những trạng thái kỳ lạ. Họ đã sử dụng những biện pháp toán học tiên tiến để nghiên cứu các trạng thái vật chất khác thường như siêu dẫn, siêu lỏng hoặc những màng từ mỏng. Nhờ công trình tiên phong của họ, giờ đây người ta sẽ đi tìm các trạng thái mới và khác thường của vật chất. Nhiều người hy vọng về ứng dụng trong tương lai ở cả ngành khoa học vật liệu và điện tử học.”
Giải thưởng Nobel trị giá 931.000 USD. Dựa trên đóng góp của các cá nhân trong quá trình nghiên cứu và phát hiện, một nửa khoản tiền thưởng sẽ thuộc về nhà khoa học David Thouless, nửa còn lại được chia đều cho 2 nhà khoa học Duncan Haldane và Michael Kosterlitz.
Giải Nobel Vật lý 2015 được trao cho 2 nhà khoa học gồm Takaaki Kajita người Nhật Bản và Arthur McDonald với công trình nghiên cứu khám phá ra sự dao động của hạt neutrino, qua đó cho thấy neutrino có khối lượng.
Đây là giải thưởng thứ 2 của mùa giải Nobel năm nay được công bố. Trước đó, ngày 3/10, giải Nobel Y học Yoshinori Ohsumi đã thuộc về Giáo sư người Nhật Bản với những khám phá về cơ chế “tự thực” của tế bào, được hiểu là một quá trình tự tiêu diệt các phần tế bào bị lỗi hoặc tổn thương. Việc nắm được cơ chế này có thể mở ra khả năng tìm kiếm các phương pháp điều trị mới cho các căn bệnh nguy hiểm như tiểu đường, Parkinson, Alzheimer, thậm chí là ung thư.