ThienNhien.Net – Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC) đặt tại La Hay (Hà Lan) trước đây vốn chỉ tập trung vào các vụ kiện xâm hại nhân quyền và tội phạm chiến tranh trong suốt 14 năm lịch sử tồn tại của mình. Mới đây, Tòa án đã đưa ra thông điệp cho thấy họ sẽ bắt đầu điều tra cả các tội phạm chiếm đoạt đất đai, phá hủy môi trường.
Trong một báo cáo chính sách chi tiết công bố tháng 9/2016 về các vụ án được lựa chọn và ưu tiên, Ủy viên công tố Fatou Bensouda của ICC viết: các tội phạm gây ra tình trạng hủy hoại môi trường, khai thác bất hợp pháp tài nguyên thiên nhiên hoặc chiếm đoạt đất đai bất hợp pháp sẽ được đặc biệt xem xét khởi tố.
Thay đổi quan trọng đối với chiến lược của ICC xảy ra khi Ủy viên công tố Bensouda phải đưa ra quyết định có hay không thụ lý vụ kiện năm 2014 của luật sư nhân quyền Richard Roger về hành động chiếm đoạt đất đai, xâm phạm quyền con người, khiến hàng trăm người phải rời bỏ nhà cửa ở Campuchia.
“Những hành vi phạm tội một cách có hệ thống đã được thực hiện dưới chiêu bài “phát triển” có thể hủy hoại các nạn nhân không kém tội ác chiến tranh. Tái định cư bắt buộc đã hủy hoại các cộng đồng và có thể dẫn đến sự bất ổn, thậm chí là xung đột, chiến tranh”. Luật sư Rogers khẳng định.
Theo Tổ chức Global Witness, vụ kiện chiếm đoạt đất đai ở Campuchia sẽ là phép thử quan trọng cho chính sách mới của ICC. “Nếu được thụ lý, đây có thể là vụ kiện đầu tiên trong luật hình sự quốc tế liên quan đến chiếm đoạt đất đai trái phép. Và các tập đoàn ở Campuchia có thể là các mục tiêu điều tra đầu tiên.
Hiện nay, nhiều cộng đồng ở Châu Phi, Châu Á và Châu Mỹ Latinh vẫn không có các quyền hợp pháp đối với đất đai, thậm chí ngay cả khi họ đã sống trên đó nhiều thế hệ. Trong khi đó, ở nhiều quốc gia tiêu dùng, bao gồm cả Mỹ và Châu Âu, các nhà nhập khẩu, nhà đầu tư không bị ràng buộc pháp lý để đảm bảo rằng các loại hàng hóa như vàng, dầu cọ, gỗ được sản xuất hợp pháp và hợp đạo lý ở quốc gia sản xuất.
Chính vì vậy, việc mở rộng phạm vi hoạt động của Tòa án “có thể định hình lại cách thức mà các doanh nghiệp hoạt động tại các quốc gia phát triển”. – Tổ chức Global Witness nhận định.
Kể từ năm 2000, ít nhất 38,9 triệu ha đất ở các nước đang phát triển, tương đương với diện tích của Đức, đã được cho các nhà đầu tư thuê, theo Global Witness. Điều này khiến khàng triệu người bị đuổi khỏi đất đai của họ một cách bất hợp pháp và thường là bị cưỡng chế.
Cũng theo số liệu của Global Witness, trong năm 2015 mỗi tuần có ít nhất 3 người bị giết khi cố bảo vệ đất đai trước những kẻ cưỡng đoạt và các ngành công nghiệp phá hủy môi trường. Trong đó, xung đột ở các dự án khai khoáng là phổ biến nhất, theo sau là các dự án kinh doanh nông nghiệp, đập thủy điện và khai thác gỗ.
“Quyết định của ICC cho thấy thời kỳ phạm tội chiếm đoạt đất đai mà không bị trừng phạt sẽ đi đến hồi kết. Các ông chủ doanh nghiệp và các chính trị gia chiếm đoạt đất đai, phá rừng hoặc làm ô nhiễm nguồn nước có thể sớm phải đứng trước phiên tòa ở La Hay bên cạnh các tội phạm chiến tranh và các nhà độc tài. Sự quan tâm của ICC có thể giúp cải thiện cuộc sống của hàng triệu người và bảo vệ hệ sinh thái trọng yếu”. – Gillian Galdwell, Giám đốc điều hành của Global Witness nhận định.