ThienNhien.Net – Mỗi buổi sáng, Mohammad Alaa Aljaleel lái xe tới cửa hàng thịt và mua 2,5USD tiền thịt bạc nhạc. Vào những hôm đẹp ngày, người chủ cửa hàng sẽ giảm giá cho Aljaleel hoặc thậm chí tặng anh một số mẩu xương, thịt miễn phí.
Cũng như mọi người đang sống tại khu vực này của Aleppo, Syria, người bán thịt biết rằng Aljaleel không mua thịt cho bản thân mình mà cho 150 chú mèo hoang – mà phần lớn trong số chúng bị bỏ rơi sau khi người chủ chạy trốn khỏi thành phố, hoặc bị bom đạn giết chết.
Theo Newsweek, trong nhiều năm kể từ khi nội chiến nổ ra tại Syria vào năm 2011, Aljaleel trở thành người chăm sóc lũ mèo này.
Ngay sau khi cuộc khủng hoảng xảy ra, Aljaleel – trước đó từng làm thợ điện – đã có thể đưa vợ cùng 3 người con của mình tới Thổ Nhĩ Kỳ, nơi anh có thể tiếp tục làm công việc của mình.
Tuy nhiên, cùng với gia đình, anh đã chọn cách ở lại để giúp đỡ những số phận kém may mắn hơn mình, mà đối với Alijaleel, đó không chỉ là con người, mà còn là động vật.
“Tôi coi động vật và con người như nhau, cả hai đều có thể bị tổn thương, và đều xứng đáng nhận được lòng tốt,” anh nói.
Là một người yêu mèo, Aljaleel bắt đầu nhận thấy một vài chú mèo lang thang quanh một ngôi nhà đã bị phá hủy sau trận không kích. Anh cảm thấy mình có trách nhiệm phải chăm sóc chúng.
Và số lượng mèo cũng tăng nhanh chóng, từ 5 chú mèo ban đầu đã lên tới 10, rồi 20 con, và 150 con như hiện nay, bởi anh nói “mèo luôn tìm ra những nơi có thức ăn.”
30 chú mèo trong số này đã được đặt tên, và trẻ em từ các nơi khác đã đổ tới thăm những con vật vô gia cư nhưng cũng rất thân thiện này.
Đối với Aljaleel, việc những đứa nhỏ được hưởng niềm vui khi chơi với lũ mèo khiến anh vô cùng tự hào với những việc mình đang làm.
Nhiều người cho rằng Aljaleel nên dành thời gian và tiền bạc của mình để giúp đỡ con người hơn là loài vật. Nhưng những cá nhân và tổ chức ít ỏi chuyên chăm sóc thú cưng và các loài vật khác trong các khu xung đột vẫn tin tưởng rằng những nỗ lực của họ là rất đúng đắn.
Đối với họ, giúp đỡ loài vật cũng là giúp đỡ con người. Một số gia đình coi chó và mèo là những thành viên trong nhà. Có những người tị nạn Syria đã đi bộ hàng trăm dặm cùng với chú chó của mình, hoặc đưa mèo cưng vượt biên tới Hy Lạp.
“Sự thật là mọi người không muốn di cư mà thiếu đi thú cưng của mình,” Gerardo Huertas, một người điều hành của Chương trình bảo vệ động vật thế giới – tổ chức phi lợi nhuận nhằm tăng phúc lợi cho động vật, cho biết.
“Khi chúng tôi đặt câu hỏi về việc mọi người muốn mang gì theo khi rời bỏ quê hương, chó và mèo luôn đứng đầu danh sách.”
Tuy nhiên, nhiều con vật vẫn bị bỏ lại, và khi đó, chúng sẽ đối mặt với cái chết từ từ do đói, bệnh tật, chấn thương.
Huertas đã bắt gặp tình cảnh đó vào năm 1989, trong cuộc xung đột tại Nicaragua. Nhiều người Nicaragua đã tràn qua biên giới Costa Rica, nhưng vùng biên giới này chi chít mìn.
Nhận ra điều này, nhiều người tị nạn đã buộc gia súc và ngựa vào cây, tìm cách tự mình vượt qua cánh đồng. Họ tin rằng mình có thể quay trở lại để mang gia súc theo, nhưng trên thực tế, chúng đã bị bỏ đói.
Khi Huertas, người Costa Rica, biết được những thông tin trên, anh cảm thấy mình bắt buộc phải làm gì đó bất chấp nguy hiểm.
“Tôi còn trẻ và ngu ngốc,” anh nói. Sau đó, anh và một người bạn đã tìm tới khu vực đó, vừa đi vừa cầu trời cho mình không bị vướng phải mìn và nổ tan xác. Rất nhanh chóng, họ tìm thấy những con vật ốm đói, đang tuyệt vọng tìm cách ăn phần vỏ cây nơi chúng bị buộc vào.
Một số con vật đã chết. Huertas và bạn đã buộc những con vật còn sống thành một hàng, và bắt đầu hành trình nguy hiểm trở lại Costa Rica. Bằng một cách nào đó, hai người đàn ông và đàn gia súc đã trở về tới nơi mà không vướng phải một quả mìn nào.
Huertas đã bắt đầu thực hiện công việc cứu trợ động vật trong các vùng xung đột trên khắp thế giới. Anh đã chăm sóc những gia súc bị bệnh lao tại Kosovo, một tháng sau lệnh ngừng bắn năm 1999, và dành thời gian ở Kabul, Afghanistan, cứu những con vật đang chết đói trong vườn thú và chăm sóc những chú lạc đà bị mảnh đạn văng trúng.
Những người nông dân rất hoan nghênh Huertas, họ coi anh và các đồng nghiệp như những người anh hùng. “Mọi người sẽ không có tương lai nếu thiếu những con vật của mình”, anh nói.
Công việc của Huertas còn có một mục đích khác, đó là ngăn chặn những mối nguy hiểm mà những con vật từng được thuần hóa khi trở lại tự nhiên có thể gây ra cho con người.
Trong cuộc chiến tại Kosovo, Những chú chó chăn cừu lang thang đã liên kết với nhanh thành một bầy và nhanh chóng trở nên hoang dã. “Chúng ta có thể trở nên hung hãn nếu đói,” Huertas nói. “Chúng tôi phải vây bắt chúng.”
“Chó mèo hoang cũng có thể làm lây lan bệnh dại – một vấn đề khó xử lý tại Afghanistan, nơi mỗi năm có khoảng 1.000 người chết vì bị cắn.”
Để chống lại bệnh dại, Pen Farthing, người sáng lập và điều hành Nowzad, một tổ chức phi lợi nhuận hỗ trợ động vật tại Afghanistan, cho biết tổ chức này đã phải tìm cách “bẫy” những con vật hoang dã này, chữa bệnh, tiêm chủng cho chúng, sau đó thả chúng lại với tự nhiên.
Không may là, những tổ chức như Nowzad hay Tổ chức bảo vệ động vật toàn cầu này chỉ là những ví dụ hiếm hoi trong các khu vực bị tàn phá bởi xung đột. Có rất ít các tổ chức phi lợi nhuận hoạt động tại những khu vực phải đối mặt với bạo lực, bởi ngay chính những nhân viên cứu hộ cũng có thể gặp nguy hiểm.
Farthing, một cựu lính thủy đánh bộ, đã phải đối đầu với những quả mìn chôn bên ngoài khu vực trú ẩn của chó mèo (mục tiêu là những thiết bị vận tải của quân đội Afghanistan), và không một người lái xe phi lợi nhuận nào từng đi qua một khu vực mà Taliban đánh bom.
Những người lính đã chặn và chĩa súng vào Huertas và đồng nghiệp tại Kosovo, và bắt đầu thảo luận về việc có nên bắn những người nước ngoài này không.
Bên cạnh sự nguy hiểm, công tác hậu cần cho hoạt động cứu hộ động vật tại những khu vực như vậy cũng rất khó khăn. Nhân viên cứu trợ phải mang đầy đủ những thiết bị thú y và thức ăn để gây dựng lại những cơ sở cứu hộ địa phương, chưa kể những thiết bị kỳ quặc như súng phi tiêu để bắt các con chó dữ, hay các thiết bị trợ tử nhân đạo dành cho những lò mổ.
“Chỉ riêng việc đặt những thứ đó lên một chiếc máy bay đã là một vấn đề lớn,” Huertas nói. “Đạn, thuốc là những thứ bị nghiêm cấm hàng đầu trên máy bay.”
Nowzad thường cố gắng để thực hiện những công việc khó khăn hơn, đó là gửi chó và mèo từ vùng Trung Đông về Mỹ hoặc châu Âu.
Khi Farthing đóng quân tại Afghanistan, anh đã ngăn chặn một cuộc đấu chó mà một số cảnh sát ở đó khởi xướng. Trước sự ngạc nhiên của anh, một chú chó đã quyết định theo anh. Thị trấn nơi xảy ra vụ việc có tên là Nowzad, cái tên sau đó được đặt tên cho con vật cưng mới và tổ chức từ thiện trong tương lai của anh.
Khi anh rời đất nước này vào năm 2007, anh đã mang theo Nowzad về Anh. Tuy nhiên, đó là một việc làm không dễ dàng. Chú chó cần được tiêm chủng, được đưa tới một bác sỹ thú y có kinh nghiệm, để có thể đáp ứng được những yêu cầu về sức khỏe tại đất nước mới.
Farthing cần tìm một cơ sở để con vật có thể được ở lại trong thời gian cách ly trước khi được tiêm vắcxin phòng bệnh. Con chó sẽ được đưa đi trên máy bay thương mại hoặc máy bay chở hàng, và Farthing phải xoay xở các thủ tục để được phép mang động vật từ Afghanistan tới Anh.
Những trường hợp như của Farthing không phải là hiếm. Nhiều người lính khi đóng quân tại nước ngoài thường hay bỏ qua các quy định trong quân đội để nhận nuôi những con vật ở bản xứ, sau đó khi kết thúc nhiệm kỳ, họ không muốn phải rời xa chúng, nhưng cũng không thể xoay xở để đưa được con vật cưng về tổ quốc của mình một cách an toàn.
Cho tới nay, Nowzad đã giúp 800 người lính từng chiến đấu tại Afghanistan đoàn tụ với thú cưng của mình, và 40 người lính khác được mang theo vật nuôi từ Iraq.
Những chú chó thời chiến tìm nhà – tên của một tổ chức từ thiện ở Chicago thường huấn luyện những chú chó được cứu hộ nhằm ghép đôi chúng với những cựu chiến binh bị rối loạn tâm lý sau chấn thương, đã giúp vận chuyển 6 chú chó của tổ chức Nowzad tới Mỹ.
Những con vật này là một số ít gặp may mắn. Còn hầu hết trong số chúng đều có số phận đáng buồn như J-bad, một chú chó Afghanistan bị trọng thương mà đội cứu hộ tìm thấy vào năm 2011.
Vào năm đó, Dan Tatsch, một tình nguyện viên của tổ chức Nowzad, tới từ Dallas, và là cựu binh Mỹ, đang trên đường tới sân bay Kabul để bay về nhà thì nhận được một cuộc gọi.
Một người phụ nữ đã phát hiện một chú chó bị què đang kéo lê bằng hai chân trước trên đường cao tốc Jalalabad.
Tatsch, Farthing và những thành viên đội cứu hộ đã nhanh chóng vòng xe lại và tìm thấy thấy chú chó. “Đó là một chú chó chăn gia súc tuyệt đẹp, nặng tới 45kg khi ở giai đoạn khỏe mạnh, nhưng đang vô cùng buồn bã,” Tatsch nhớ lại.
Cả đội bế con chó lên, và đặt tên cho nó là J-bad, theo con đường nơi nó được tìm thấy. Nhưng cứu mạng nó, họ hiểu, là điều rất khó khăn, bởi vết thương quá nặng.
Trở lại trụ sở của Nowzad, tất cả những gì họ làm được cho J-bad là một bữa ăn cuối cùng và một cái chết êm ái để chấm dứt mọi nỗi đau khổ mà nó phải chịu đựng.
Trở lại với những con mèo ở Aleppo, tương lai của chúng rất bấp bênh, giống như Aljaleel. “Mỗi ngày, khi tôi rời nhà, tôi đều hiểu rằng mình có thể sẽ mãi mãi không trở lại,” anh nói. “Tại Syria, mọi chuyện luôn đi từ xấu tới tồi tệ.”
Tuy nhiên, bất chấp việc bạo lực đang leo thang, anh không có ý định rời đi hay từ bỏ những chú mèo của mình. Thay vào đó, giống như điều Farthing đang làm tại Afghanistan, anh có nguyện vọng thành lập nên một bệnh viện hoặc cơ sở cứu hộ chó mèo của riêng mình.
“Tôi biết rằng các nước khác có nhiều người cứu hộ động vật hơn, tại đây, chúng tôi thậm chí không có cả các bác sỹ giỏi, huống hồ là bác sỹ thú y,” anh nói.
“Mặc dù không có những trại trú ẩn cho động vật tại Syria hiện tại, tôi vẫn đang mơ ước sẽ xây dựng nên một nơi như thế”.