ThienNhien.Net – Kết quả điều tra mới nhất của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) cho thấy tuổi thọ trung bình của người Việt Nam đã tăng lên 75,6 – xếp thứ 56 trong tổng số 138 nước, vùng lãnh thổ và thứ hai ở khu vực Đông Nam Á, sau Singapore. Tuy nhiên, xét về chất lượng sống thì chưa đạt tiến bộ tương ứng khi “tuổi thọ khỏe mạnh” chỉ mới là 66.
Có nhiều số liệu thống kê gần nhất xoay quanh sức khỏe người cao tuổi Việt Nam, chỉ nêu ở đây vài con số cốt lõi vẽ nên diện mạo của một tầng lớp được xã hội tôn trọng: 5,7% có sức khỏe tốt, 95% mắc bệnh mạn tính, trung bình một người mắc 5 bệnh và mất hơn 10 năm để chữa bệnh trong suốt cuộc đời.
Trong cuộc sống ngày nay, có thể kể ra gánh nặng bệnh tật đang đè nặng người cao tuổi, từ các bệnh về tim mạch, hô hấp, đường tiêu hóa đến bệnh về hệ tiết niệu – sinh dục, xương khớp, thần kinh, đái tháo đường và ung thư. Thực tế này buộc người cao tuổi phải chi trả viện phí nhiều hơn và chịu đựng những tổn thương tâm lý lâu dài hơn bên cạnh nỗi đau thể chất. Trong hoàn cảnh đó, điều nghịch lý là nhiều người vẫn chưa tạo được thói quen định kỳ khám sức khỏe như một cách phòng bệnh căn bản.
Trở lại với bảng xếp hạng của WEF. Ở đây, bài học dễ nhớ từ những nước có tuổi thọ cao, nhất là tốp 10 nước hàng đầu, là đầu tư cho chế độ ăn uống lành mạnh và chăm sóc y tế. Nếu như thói quen ăn nhiều đồ hấp, uống nhiều trà đã giúp người dân Hồng Kông vươn lên số 1 thế giới với tuổi thọ 84 thì việc không ngừng tăng cường cho y tế dự phòng, nâng cao chất lượng điều trị đã đưa Singapore lên vị trí thứ 6 thế giới nhờ tuổi thọ 82,6. Sinh hoạt lành mạnh cũng là một điều kiện cần cho tuổi thọ cao qua lời nhận xét của Tổ chức Y tế thế giới về xứ sở kangaroo, nơi người dân có thời gian sống trung bình 82,3 năm: “Người dân Úc có tuổi thọ cao dần là do lối sống ngày càng lành mạnh và hệ thống chăm sóc y tế ngày càng chất lượng”.
Vậy, có mối liên hệ nào giữa cách ăn uống và “tuổi thọ khỏe mạnh” 66 của người Việt? Theo nhận xét của các chuyên gia dinh dưỡng, người Việt về cơ bản vẫn chưa thoát khỏi “thói quen ăn ngon, ăn no mà ít chú trọng về dinh dưỡng”. Đã vậy, tình trạng thực phẩm bẩn, kém vệ sinh không ngừng đe dọa, ám ảnh mọi người; nguy cơ ngộ độc vẫn cứ lơ lửng nhiều nơi, nhất là ở những bếp ăn tập thể của công nhân. Hơn nữa, lạm dụng bia, rượu đang là hiện trạng nhức nhối mà dư luận đã phải liên tục báo động!
Mặt khác, tình trạng ô nhiễm môi trường, nhất là ở các đô thị lớn, đang tác động xấu đến sức khỏe cộng đồng, gây ra các bệnh về hô hấp, tim mạch, tiêu hóa, thần kinh…; trong đó, những người kém sức đề kháng luôn là đối tượng dễ bị tổn thương nhất.
Không chỉ bị tác động bởi vấn đề dinh dưỡng và môi trường, sâu xa hơn, đất nước còn có hơn 6 triệu người khuyết tật, tỉ lệ dân số bị thiểu năng thể lực và trí tuệ vẫn tiếp tục gia tăng… Xét về mặt cộng hưởng, tất cả đang là thách thức lâu dài cho nỗ lực cải thiện chỉ số phát triển con người (HDI) nhằm rút ngắn khoảng cách giữa tuổi thọ và “tuổi thọ khỏe mạnh” của người Việt Nam.