ThienNhien.Net – Nhiều năm nay, huyện Ba Chẽ (Quảng Ninh) rục rịch mở đường xuyên qua cánh rừng già, nối xã Đồn Đạc của Ba Chẽ với xã Hòa Bình của huyện Hoành Bồ chưa thành, bởi khó khăn về ngân sách và chạm đến rừng bảo tồn Quốc gia, rừng đặc dụng. Nay, một lần nữa, Ba Chẽ hạ quyết tâm chọc thủng rào cản để mở con đường này, nhưng đang vấp phải nhiều ý kiến trái chiều.
Dự án này có tên gọi là “Công trình đường giao thông Ba Chẽ-Hạ Long”, đoạn từ thôn Nà Làng, xã Đồn Đạc, huyện Ba Chẽ đến thôn Khe Cát, xã Hòa Bình, huyện Hoành Bồ. Qui mô: Chiều dài tuyến L = 18,39km, bề rộng nền đường 7,5m, bề rộng mặt đường 5,5m, mặt đường đổ bê tông M300; thiết kế theo tiêu chuẩn kỹ thuật đường cấp IV miền núi (TCVN 4054-2005); vận tốc V= 40km; tải trọng trục P= 10T; khái toán đầu tư 306.893,153 triệu đồng.
Ngày 20/6/2015, Sở Giao thông Vận tải Quảng Ninh có Quyết định số 2675/QĐ-SGTVT, phê duyệt bản vẽ thi công và dự toán công trình này.
Ngày 5/9/2016, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, sau khi kiểm tra, xác định vị trí, hiện trạng Dự án, phát hiện tuyến đường Ba Chẽ – Hoành Bồ đi qua khu bảo tồn thiên nhiên Đồng Sơn – Kỳ Thượng và rừng phòng hộ đầu nguồn hồ Cao Vân, đã có ý kiến đề nghị UBND tỉnh điều chỉnh hướng tuyến đường, để không ảnh hưởng rừng bảo tồn, rừng phòng hộ.
Ý kiến của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nêu: Đối chiếu với bản đồ điều chỉnh quy hoạch 3 loại rừng của UBND tỉnh ban hành kèm theo Quyết định số 2668/QĐ-UBND, tuyến đường đi qua khu bảo tồn thiên nhiên Đồng Sơn-Kỳ Thượng (có tọa độ điểm đầu 442793-2337699, tọa độ điểm cuối 441840- 2334236) với chiều dài 6 km, hướng tuyến qua các khoảnh 5, 7,10,11 thuộc tiểu khu 72 có hiện trạng rừng tự nhiên, rừng nguyên sinh. Tuyến đường sử dụng 7,2 ha rừng và đất lâm nghiệp của khu bảo tồn thiên nhiên Đồng Sơn – Kỳ Thượng và chia cắt khu bảo tồn ra làm hai phần riêng biệt, trong đó tách một phần diện tích khoảng 225ha rừng tự nhiên đa dạng sinh học đang được bảo vệ nghiêm ngặt. Việc chia cắt khu bảo tồn thiên nhiên Đồng Sơn – Kỳ Thượng phá vỡ hệ sinh thái, thu hẹp quần thể môi sinh của muông thú, khó khăn cho công tác bảo vệ động thực vật.
Dự án Công trình đường giao thông Ba Chẽ – Hạ Long, với 6,2km đường xuyên rừng chẻ đôi khu bảo tồn thiên nhiên Đồng Sơn-Kỳ Thượng, chiếm dụng 15,7ha đất rừng bảo tồn Quốc gia; còn phương hại đến rừng phòng hộ, nguồn sinh thủy hồ Cao Vân. Cụ thể, tuyến đường nằm trong lòng chảo, lưu vực hồ Cao Vân, tọa độ đầu 441855-2334224, tọa độ điểm cuối 441002-2329868, gồm: 3,17km, chiếm dụng 8,6ha rừng phòng hộ; và 5,13km, chiếm dụng 13,3ha rừng, sát đường phân thủy do Cty TNHH 1TV lâm nghiệp Hoành Bồ quản lý, cùng thuộc diện rừng phòng hộ.
Hồ Cao Vân là 1 trong 4 hồ chứa nước nhân tạo lớn của tỉnh Quảng Ninh, trong danh mục được đặc biệt bảo vệ, bảo vệ nghiêm ngặt công trình xây dựng lòng hồ và hành lang bảo vệ, rừng sinh thủy… Theo Quyết định số 3594/QĐ-UBND, ngày 28/12/2012 về quy hoạch tài nguyên nước của Quảng Ninh, định hướng đến năm 2030.
Ngày 8/9/2016, UBND tỉnh Quảng Ninh có văn bản số 5605/UBND-GT1 tạm dừng thi công đường giao thông Ba Chẽ – Hạ Long, đoạn từ trung tâm xã Đồn Đạc đến đường vành đai phía Bắc thành phố Hạ Long, theo kiến nghị của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và dư luận.
Ngày 28/9/2016, UBND huyện Ba Chẽ có cuộc họp với một số sở, ngành (Sở Xây dựng không được mời dự), thảo luận nên hay không nên thay đổi hướng tuyến Dự án đầu tư “Công trình đường giao thông Ba Chẽ – Hạ Long”, đoạn từ thôn Nà Làng, xã Đồn Đạc, huyện Ba Chẽ đến thôn Thác Cát, xã Hòa Bình, huyện Hoành Bồ. Quan điểm của UBND huyện Ba Chẽ được ghi trong văn bản số 201/BC-UBND, do Phó Chủ tịch Nguyễn Công Quyền ký, đề xuất: Giữ nguyên phương án đã duyệt, với những lập luận mở tuyến đường xuyên rừng, rút ngắn khoảng cách huyện Ba Chẽ đến thành phố Hạ Long, chỉ chặt hạ 15,7ha rừng bảo tồn Quốc gia, 13,3ha rừng phòng hộ đầu nguồn hồ Cao Vân, lợi nhiều hơn hại.
Lý lẽ trên, thoạt nghe không ít người tán thưởng. Nhưng ngẫm lại thì nhiều người băn khoăn và tỏ thái độ không đồng tình về mở con đường này. Bởi, Ba Chẽ mới mở con đường từ xã Đồn Đạc qua khu Đồng Mỏ, thuộc phường Mông Dương, đến điểm nối với giao lộ đường tỉnh 326, cùng trên địa bàn phường Mông Dương thành phố Cẩm Phả; và con đường từ trung tâm trấn lỵ Ba Chẽ đến đoạn cầu Ba Chẽ, nối với QL18. Một con đường cũ mới được nâng cấp từ thị trấn Ba Chẽ, đến xã Hải Lạng, huyện Tiên Yên. Huyện Ba Chẽ không thiếu đường nối tỉnh, chưa nhất thiết phải mở thêm một con đường nữa. Nghịch lý, điểm đấu nối của con đường định mở điểm giao cắt tại Km 27+400, đường 326 ở thôn Thác Cát, xã Hòa Bình, huyện Hoành Bồ (cách thành phố Hạ Long 20km); mà hiện Ba Chẽ đã có một con đường cũng vừa mở, cùng bắt vào đường tỉnh 326, tại phường Mông Dương. Chỉ khác, là hai điểm đấu nối với đường tỉnh 326 cách nhau một sải đường qua xã Dương Huy (Cẩm Phả).
Con đường từ thôn Nà Làng, xã Đồn Đạc, huyện Ba Chẽ đến thôn Thác Cát, xã Hòa Bình, huyện Hoành Bồ, gọi là Dự án Công trình đường giao thông Ba Chẽ – Hạ Long, được đặt lên bàn cân “công lý” sẽ thấy rõ thiệt hơn. Một con đường mở trên núi cao hiểm trở, nhiều cua tay áo, chiếm dụng 48,8ha rừng, phần lớn là rừng bảo tồn Quốc gia, rừng phòng hộ. Đoạn trong lưu vực lòng hồ Cao Vân dài 5,13km, có hai cây cầu là cầu KM10+800, một nhịp 33m bắc qua khe Man; cầu thứ 2 ở Km 13+950, một nhịp dài 21m bắc qua khe Vả, cùng 20 cống lớn nhỏ. Đường thiết kế theo tiêu chuẩn cấp IV miền núi, chiều rộng nền đường 7,5m; chiều rộng mặt đường 5,5m. Tổng khối lượng đào 821.388m3; tổng khối lượng đắp 63.649m3; tổng khối lượng bê tông mặt đường 10.107m3. Ai dám chắc đất đá không sạt lở, theo dòng nước trôi xuống hạ lưu bồi lắng lòng hồ Cao Vân. Một con đường trong rừng vắng, ai dám chắc giữ chân được lâm tặc không hùa hùa vào đây phá rừng. Đường giao thông vắt ngang thượng lưu lòng hồ, dòng xe cơ giới qua lại, ai dám lấy chức vụ ra bảo đảm nguồn nước hồ Cao Vân không bị ô nhiễm.
Hồ Cao Vân thuộc địa bàn xã Hòa Bình, Hoành Bồ, đầu tư xây dựng tháng 10/1996, bằng vốn ODA, Ngân hàng Thế giới, Chính phủ Đan Mạch, trên độ cao 40m so với mực nước biển, thủy diện 2km2, dung tích 10,8 đến 12 triệu m3 nước, lưu vực sinh thủy 56km2, đỉnh núi cao nhất là Thiên Sơn 1062m. Hồ Cao Vân được suy tôn là “thiên đường nước sạch” cấp nước sinh hoạt cho nửa triệu người ở hai đô thị lớn của Quảng Ninh là thành phố Hạ Long và Cẩm Phả.
Hồ Cao Vân được khai sinh khi đập nước Đá Bạc, sông Diễn Vọng, đại công trình thủy lợi ở thập kỷ 80 của tỉnh này bị hòn than “bức tử”. Hồ Cao Vân cùng tuyến ống kép đường kính 900mm “cứu khát” cho Nhà máy nước Diễn Vọng công suất 60.000m3/ngày/đêm (nay đã nâng lên 90.000m3/ngày/đêm), bị mất nguồn khơi thủy từ sông Diễn Vọng. Năm 2012, trời đổ hạn, nước hồ Cao Vân còn 2,8 triệu m3 nước mà hai thành phố Hạ Long và Cẩm Phả sôi lên như chảo lửa. Mất hồ Cao Vân chắc hai thành phố lớn của tỉnh Quảng Ninh phải chuyển đi nơi khác, nhưng đô thị lại không như con thuyền, không dễ đẩy đi được, nên nguồn nước hồ Cao Vân còn quí hơn đụn vàng, đụn bạc.
Hai đô thị lớn với gần nửa triệu dân, còn tương lai khu công nghiệp Vân Đồn và các khu du lịch cao cấp ở Hạ Long – Cẩm Phả phát triển, dự kiến năm 2030 là 25 triệu du khách. Nhu cầu dùng nước tăng lên, các giếng khoan nước ngầm 90% đã đóng cửa, vì quá trình khai thác than trên 100 năm, lòng đất biến dạng, nước ngầm nhiễm hóa chất độc hại không dùng được. Nước mặt ao hồ, bị đô thị hóa; như lòng moong Hà Tu trở thành bãi thải. Nước biển thì mặn không ăn được. Hồ Cao vân mà mất đi, có lẽ phải tính xa đến chuyện nhập khẩu nước lã.
Vậy sự đánh đổi một con đường vốn chưa cấp thiết, với cánh rừng bảo tồn Quốc gia, rừng đầu nguồn sinh thủy, nguồn nước sạch lớn còn lại duy nhất ở khu mỏ Hạ Long – Cẩm Phả là cái giá quá đắt.
Báo Xây dựng sẽ thông tin tiếp về vụ việc.
Tin mới, tỉnh Quảng Ninh sẽ mở hội thảo khoa học, đưa các ban ngành của tỉnh đi khảo sát thực địa, để trình UBND tỉnh ra quyết định nên hay không nên hoặc tìm giải pháp nắn tuyến con đường này không ảnh hưởng tới rừng bảo tồn, rừng phòng hộ và nguồn sinh thủy hồ Cao Vân. |