ThienNhien.Net – Sông băng bị thu hẹp do biến đổi khí hậu có những tác động khác nhau đến các dòng sông phía hạ lưu. Chẳng hạn, các con sông thuộc lưu vực Indus sẽ chịu nhiều tác động hơn so với các con sông thuộc lưu vực sông Hằng và lưu vực sông Brahmaputra. Đây là khẳng định của TS. Arthur Lutz – thành viên nhóm chuyên gia Future Water (Hà Lan) khẳng định tại Tuần lễ Nước Thế giới Stockholm.
Theo kết quả nghiên cứu thực hiện tại Nepal và Chile được TS. Lutz trình bày, tại lưu vực Langtang phía trên dãy Himalaya thuộc địa phận Nepal, mưa, băng tan và tuyết tan có sự thay đổi theo kịch bản nóng lên trung bình (RCP 4,5) của Ủy ban Liên chính phủ về Biến đổi Khí hậu (IPCC), nhưng tổng lưu lượng nước sẽ không thay đổi nhiều so với hiện tại. Tuy nhiên, ở kịch bản trái đất nóng lên rất nhiều (RCP 8,5), ước tính lưu lượng nước đến năm 2050 sẽ tăng cao hơn rất nhiều và thậm chí cao hơn nữa vào năm 2100, làm gia tăng nguy cơ xảy ra lũ quét.
Ngoại trừ các dòng sông băng thuộc dãy núi Karakoram (Ấn Độ), hầu hết sông băng thuộc các vùng núi cao trên thế giới đang bị thu hẹp lại do vùng núi bị tác động rõ rệt hơn bởi biến đổi khí hậu (ví dụ, ở độ cao bằng mức nước biển tăng 40 C thì ở độ cao trên mực nước biển 5.000m nhiệt độ sẽ tăng 5-60 C).
Như vậy, lưu lượng dòng chảy của các dòng sông băng sẽ phụ thuộc vào phần nước do băng tan; sự chênh lệch lượng nước theo mùa dưới ảnh hưởng của biến đổi khí hậu; lượng mưa, tuyết và cường độ mưa trong tương lai.
Ông Martin Honsberg thuộc Hãng Thủy điện Statkraft (Na Uy) cho biết, chưa có thông tin chính xác về tác động của sông băng tan đối với các dự án thủy điện dự kiến trên dãy Himalaya. Các đơn vị khai thác thủy điện vẫn đang lên kế hoạch và xây dựng các dự án mà không tính đến khả năng lưu lượng nước thay đổi. Đối với các dự án thủy điện mà Công ty Statkraft đang triển khai tại Ấn Độ và Nepal, xây dựng hồ chứa thay vì đập dâng có thể sẽ làm giảm tác động tiềm tàng của băng tan đối với các dự án thủy điện.
Tuy nhiên, theo TS. Aditi Mukherji thuộc Tổ chức ICIMOD, bất kỳ hình thức thủy điện nào cũng cần tìm ra phương thức tốt hơn để chia sẻ lợi ích với người dân địa phương. Trong một nghiên cứu tại bang Uttarakhand (Ấn Độ), TS. Mukherji và các cộng sự đã phát hiện mặc dù các nhà phát triển thủy điện buộc phải bồi thường thiệt hại, khoản tiền này thường được nộp vào ngân sách nhà nước hơn là giúp ích cho người dân bị ảnh hưởng.