ThienNhien.Net – Báo cáo ‘Reduced to Skin and Bones Re-examined” do Mạng lưới Giám sát buôn bán động, thực vật hoang dã (TRAFFIC) và Tổ chức Bảo tồn Thiên nhiên Thế giới (WWF) công bố ngay trước cuộc họp quan trọng về buôn bán hổ trái phép tại Hội nghị CITES lần thứ 17* khẳng định tình trạng buôn bán hổ trái phép ở châu Á không hề giảm nhiệt. Trong giai đoạn 2000 tới 2015 đã có 801 vụ bắt giữ tang vật được ghi nhận và các sản phẩm bị tịch thu tương đương 1.755 con hổ (trung bình 2 con/tuần).
Với chỉ khoảng 3.900 con hổ còn lại trong tự nhiên, nhiều bằng chứng cho thấy số lượng hổ bị bắt giữ chắc chắn có nguồn gốc từ hoạt động nuôi sinh sản: ít nhất 30% tang vật bắt giữ từ các vụ vi phạm trong giai đoạn 2012-2015 là từ những con hổ nuôi nhốt có nguồn gốc. Điều này cho thấy việc gia tăng các vụ bắt giữ có liên quan trực tiếp đến việc gia tăng các trang trại nuôi nhốt hổ.
Căn cứ theo số liệu báo cáo, Ấn Độ là quốc gia có số lượng các vụ bắt giữ liên quan tới hổ cao nhất. Tuy nhiên, theo nhiều bằng chứng, các đối tượng buôn bán vẫn đang khai thác tuyến thương mại cũ từ Thái Lan sang Việt Nam và qua Lào – ba quốc gia đang có số lượng các trang trại hổ gia tăng.
Ông Steven Broad, Giám đốc điều hành TRAFFIC cho biết: “Báo cáo này cung cấp những bằng chứng rõ ràng về hoạt động buôn bán trái phép hổ và các bộ phận của hổ. Bảo tồn hổ là vấn đề rất cần quan tâm. Mặc dù các chính phủ Châu Á đều lặp đi lặp lại những cam kết đóng cửa trang trại nuôi nhốt hổ nhưng số lượng các cơ sở này vẫn đang tăng. Đây là một trong những nhân tố thúc đẩy thương mại hổ trái phép”.
Trong tuần này, đại diện hơn 180 quốc gia và các nhà bảo tồn tham gia Hội nghị Các bên tham gia CITES đang hối thúc các quốc gia vẫn còn các trại nuôi hổ – gồm Trung Quốc, Việt Nam, Thái Lan và Lào – cam kết, đồng thời đưa ra mốc thời gian rõ ràng về việc xóa bỏ và đóng cửa hoàn toàn các cơ sở nuôi nhốt hổ.
Tuần trước, đại diện của Lào tuyên bố sẽ thảo luận về các giải pháp đóng cửa dần các trang trại hổ trên lãnh thổ nước này khi bị chỉ trích về việc thiếu các quy định và hạn chế trong kiểm soát buôn bán động vật hoang dã. Thái Lan cũng đã đưa ra cam kết sẽ điều tra tất cả các cơ sở nuôi nhốt.
Theo bà Ginette Hemley, trưởng đoàn tham dự Hội nghị của WWF, “Các mạng lưới tội phạm buôn bán hổ nuôi nhốt ở khắp châu Á đang gây ảnh hưởng tới các nỗ lực thực thi pháp luật về kiểm soát buôn bán động vật hoang dã và dung dưỡng nhu cầu với các sản phẩm từ hổ. Các nước trong khu vực cần khẩn trương đóng cửa các trang trại hổ của họ. Nếu không, hổ hoang dã trên thế giới trong tương lai rồi cũng sẽ biến thành da và xương. Lào và Thái Lan đã công bố những bước đi đúng hướng nhưng họ cần phải hành động ngay; các quốc gia khác cũng cần nhanh chóng có hành động để đóng cửa tất cả các trang trại nuôi nhốt hổ.”
Các vụ bắt giữ gần đây cho thấy điểm nóng về buôn bán hổ chính là Việt Nam, Hội nghị cho rằng Việt Nam vẫn thiếu tiến bộ trong việc đấu tranh với nạn buôn bán trái phép ngà voi, sừng tê giác và hổ.
Trong một động thái hợp tác chống nạn săn bắn và buôn bán hổ trái phép, Ấn Độ đang yêu cầu các quốc gia tham dự chia sẻ hình ảnh các tấm da hổ bị thu giữ để so sánh với những hình ảnh thu được từ bẫy ảnh. Bởi lẽ, các sọc vằn trên da mỗi con hổ là duy nhất giống như dấu vân tay người, nếu có một cơ sở dữ liệu hình ảnh của các con hổ, các cơ quan thực thi pháp luật và các nhà sinh học sẽ xác định được những con hổ bị săn trộm và truy xuất nguồn gốc của chúng.
Mặc dù một lệnh cấm quốc tế về việc buôn bán hổ và các sản phẩm từ hổ đã tồn tại nhiều thập kỷ qua, song nạn săn bắn và buôn bán hổ trái phép vẫn còn là nguyên nhân lớn nhất đe dọa trực tiếp tới sự sống còn của loài này.
* Hội nghị Các bên tham gia Công ước Quốc tế về buôn bán các loài nguy cấp (CITES) diễn ra 3 năm một lần. Hội nghị lần thứ 17 đang diễn ra tại Nam Phi từ 24/9 – 5/10/2016 với 3000 đại biểu đến từ 183 quốc gia thành viên, các thể chế quốc tế, các tổ chức phi chính phủ.