ThienNhien.Net – Vài năm qua, nghề hầm than (đốt củi lấy than) tại xã Phú Tân (Châu Thành, Hậu Giang) phát triển khá mạnh. Khói bụi của các lò than thải trực tiếp ra môi trường, gây ảnh hưởng đến cuộc sống của bà con và làm suy giảm nghiêm trọng năng suất, chất lượng cây ăn trái.
Trong khi đó, đời sống người dân xã Phú Tân chủ yếu dựa vào trồng cây ăn trái và nghề hầm than. Cái khó là lợi ích của hai nghề này lại mâu thuẫn với nhau.
Theo người dân địa phương, trước năm 2010, nơi đây chỉ có vài chục lò than tập trung ở hai bên bờ sông Cái Côn. Sau đó, mặt hàng than xuất khẩu đi nhiều nước, nghề hầm than trở nên “hót”. Vậy là hàng trăm lò than đua nhau mọc lên, khói bụi bủa vây làng quê.
Ghi nhận của chúng tôi tại địa phương, các lò hầm than cao từ 4 – 5,5m, xây bằng gạch thẻ cùng hỗn hợp bùn và tro trấu. Trên địa bàn xã Phú Tân có khoảng 620 lò than, với 340 hộ sản xuất than. Đa số các lò than đều hoạt động không có giấy phép kinh doanh, không có hệ thống xử lý môi trường.
Để thu hoạch một lò than, người hầm phải đốt liên tục khoảng 20 ngày, với nguyên liệu chủ yếu là củi tạp. Quá trình cháy, các lò sinh ra lượng lớn khói bụi thải trực tiếp ra môi trường.
Anh Nguyễn Hữu Nghị (ấp Phú Tân, xã Phú Tân) cho biết từ ngày lò than mọc lên như nấm, vườn cây ăn trái của gia đình khó tìm được cây nào giữ màu xanh, nhất là vào mùa nắng.
“Khi cây ra hoa gặp phải bụi, khói than bám vào, hoa rụng trắng gốc. Các trái non cũng không đậu, bị héo và hao hụt nhiều. Đến khi thu hoạch, màu trái cũng “bẩn tướng” hơn bình thường. Thương lái dựa vào đó ép giá chúng tôi”, anh Nghị nói.
Có hàng trăm hộ dân sinh sống trong vùng bị ảnh hưởng hoạt động sản xuất như anh Nghị. Đặc biệt, bà con rất lo ngại sức khỏe bị ảnh hưởng. Theo đánh giá của Phòng TN-MT huyện thì loại khí thải từ hoạt động sản xuất than củi ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe. Bà con làm than thường mắc các bệnh hô hấp và da liễu.
Ông Trần Hồng Đức, Phó Trưởng Phòng NN-PTNT Châu Thành cho biết, huyện đã thành lập đoàn đi đánh giá thực trạng, có khoảng 290 ha đất trồng cây ăn trái tại xã Phú Tân bị ảnh hưởng.
“Khi lá cây bị khói bụi từ lò than bám, quá trình quang hợp sẽ bị ảnh hưởng dẫn tới rụng lá, trồi non bị rũ. Thực trạng trên còn làm hạn chế quá trình thụ phấn, kết trái dẫn đến rụng hoa, trái non. Ước năng suất giảm khoảng 25 – 30% theo từng năm”, ông Đức phân tích.
Các loại cây ở gần khu vực lò than hoạt động đều bị khói bụi than bám đen
Còn ông Nguyễn Tấn Trung, Trưởng phòng TN-MT huyện Châu Thành cho biết, Sở TN-MT đang lắp đặt mô hình xử lý khí thải lò hầm than thí điểm tại TX Ngã Bảy. Khi hoàn chỉnh sẽ tiến hành tổ chức đánh giá để nhân rộng cho huyện Châu Thành.
Sở TN-MT cũng đã đề xuất dự án đầu tư xử lý, khắc phục ô nhiễm môi trường giảm thiểu phát thải khí nhà kính tại các lò than cụm làng nghề sản xuất tại xã Phú Tân trình Bộ TN-MT xem xét.
Vậy là hàng trăm bà con xã Phú Tân hằng ngày đang phải hít khói bụi than, những vườn cây ăn trái đang héo mòn vẫn phải chờ đợi. Vấn đề là đợi đến bao giờ?