ThienNhien.Net – Hai năm liên tiếp, Đồng bằng sông Cửu Long không có nước lũ. Đất đai bạc màu, môi trường ô nhiễm, nguồn thủy sản tự nhiên cạn kiệt đang khiến cho người dân sống hai bên bờ sông Cửu Long trở nên cơ cực.
Đến với các tỉnh An Giang, Đồng Tháp, Long An, chúng ta không còn thấy cảnh người người giăng lưới bắt cá trên sông. Khung cảnh làng quê thanh vắng bởi nhiều người bỏ nhà đi làm ăn xa.
Không có lũ, cá tôm không về
Theo chu kỳ hằng năm, cứ đến Rằm tháng 7 âm lịch là nước lũ từ đầu nguồn đổ về trắng đồng các tỉnh An Giang, Đồng Tháp, Long An… nhưng hai năm nay, cảnh tượng này không còn xuất hiện. Biến đổi khí hậu, mưa nắng thất thường, đầu nguồn sông Mekong hàng chục con đập thủy điện đã được xây dựng, khiến con nước bị điều chỉnh theo ý muốn của con người.
Không có lũ thì không có phù sa bồi đắp, chế độ thủy văn thay đổi khiến Đồng bằng sông Cửu Long bị biến dạng nhanh chóng. Sụt lún, sạt lở đang diễn ra ở nhiều nơi.
Các nhà khoa học Việt Nam và thế giới đã cảnh báo về tác hại của các đập thủy điện trên dòng chính sông Mekong cũng như sự kết hợp bất lợi của hiện tượng biến đổi khí hậu. Nhưng để ứng phó hiệu quả thì chưa có địa phương nào làm tốt.
Chúng tôi đến Đồng bằng sông Cửu Long vào giữa mùa nước nổi (mùa lũ) mà người dân nơi đây bao đời gắn bó. Nay ở đây chẳng còn cảnh “Rằm tháng 7 nước nhảy bờ ruộng.” Nhiều cánh đồng lúa Thu Đông mới thu hoạch còn chỏng chơ gốc rạ. Có nơi ở Tam Nông, Tháp Mười (Đồng Tháp), người dân đang làm đất xuống giống lúa vụ 3.
Chúng tôi đi dọc tuyến kênh Bảy Xã ở thị xã Tân Châu, tỉnh An Giang để tìm về đầu nguồn sông Cửu Long. Nếu như mọi năm, vào thời điểm này, khắp nơi đồng ruộng mênh mông nước, thẳng cánh cò bay với một vùng nước trắng xóa, tôm, cá đầy đồng… thì nay mọi thứ thay đổi hoàn toàn. Ruộng đồng trơ gốc rạ, chuột bọ bắt đầu sinh sôi. Người dân hai bên bờ kênh Bảy Xã đa số sống nhờ việc giăng lưới, đặt lợp, trồng rau nhút, hái bông súng trong mùa nước nổi để mưu sinh. Thế nhưng, cả mấy tháng nay, đi đến đâu, chúng tôi cũng chỉ nghe người dân than vãn đói kém.
Ông Nguyễn Văn Giang, thị trấn Long Bình, huyện An Phú, tỉnh An Giang, gần như cả cuộc đời gắn bó với sông nước, kiếm sống bằng nghề đánh bắt cá mùa nước nổi trên sông Bình Di (giáp giới với Campuchia), cho biết chưa năm nào mực nước trên sông lại thấp như vậy, có nơi thấp hơn mặt ruộng nên nước không ngập đồng, không có cá về. Cả 2 tháng nay ông chỉ ngồi chơi, ngóng lũ chứ cũng không biết làm gì khác vì ông tuổi đã lớn, chẳng ai thuê mướn làm gì.
Xã Vĩnh Hội Đông, huyện An Phú (An Giang) là nơi đón lượng nước và cá đầu tiên từ thượng nguồn sông Mekong qua sông Châu Đốc để hòa vào dòng sông Hậu. Người dân nơi đây cũng ngày đêm ngóng lũ về.
Trong căn nhà lá trống hoác, bà Nguyễn Thị Bé (50 tuổi) ngán ngẩm ngồi nhìn ra sông. Bà cho biết những năm trước, mỗi ngày đi thả dớn, bà cũng được 20-30kg cá tôm, có giá 200.000-300.000 đồng. Mấy năm nay khó khăn hơn nhiều. Năm ngoái lũ về ít, mỗi ngày bà bắt được chục kg còn năm nay, bà chỉ bắt được vài kg.
Theo thống kê của tỉnh An Giang, lũ không về khiến hơn 5.000 lao động mưu sinh mùa nước nổi mất việc làm, không có thu nhập. Lực lượng lao động này phần lớn là nông dân trồng lúa, nhưng có ít đất sản xuất nên chỉ mong có mùa nước nổi để cải thiện cuộc sống.
Còn tại tỉnh Đồng Tháp, số lao động mưu sinh lúc nông nhàn mùa nước nổi cũng khoảng gần 10.000 người. Ở các huyện Hồng Ngự, Tân Hồng, Tam Nông, Thanh Bình…, người dân sau khi thu hoạch lúa thường chờ nước lũ về để ra đồng bắt cá, trồng rau… kiếm thêm thu nhập.
Theo anh Nguyễn Văn Cao ở xã Thường Thới Hậu, huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp, mùa nước nổi những năm trước, mỗi ngày gia đình anh cũng có thu nhập từ 800.000 đồng đến 1 triệu đồng từ nghề đan lưới và ra đồng bắt cá. Nay không có lũ, anh đành làm các việc lặt vặt kiếm sống qua ngày.
Sạt lở gia tăng
Không có lũ bồi đắp phù sa trong khi lại có nhiều dự án khai thác cát trên sông Cửu Long khiến cho dòng sông bị biến dạng, thay đổi dòng chảy dẫn đến tình trạng sạt lở hai bên bờ gia tăng.
Căn nhà lá tềnh toàng nằm sát quốc lộ 30 của vợ chồng anh Bùi Văn Ngợi ở ấp 3, xã An Phong, huyện Thanh Bình, tỉnh Đồng Tháp có nguy cơ bị cuốn xuống sông bất cứ lúc nào khiến ai nhìn cũng ái ngại.
Gia chủ cho biết 10 năm trước, căn nhà chính của anh đã bị nước sông cuốn phăng chỉ trong một đêm. Đây là căn nhà tạm mà vợ chồng anh dựng lại để ở bởi gia đình không còn đất nào khác. Hai năm nay, tốc độ sạt lở bờ sông rất nhanh, khoảng đất từ vách nhà đến mép sông 5 mét giờ chỉ còn hơn 1 mét.
“Ban đêm hai vợ chồng tôi phải thay nhau thức để canh vì nhà có thể bị sụt xuống sông bất cứ lúc nào. Đứa con 6 tuổi tối đến phải sang nhà ông bà nội vì sợ nhà trôi xuống sông không chạy kịp,” anh Ngợi chia sẻ.
Cùng chung cảnh trên, căn nhà của bà Nguyễn Thị Phần (54 tuổi) ở phường An Lạc, thị xã Hồng Ngự, Đồng Tháp cũng ngày càng bị thu hẹp sau những lần chạy sạt lở. Mới đây, bà phải thuê người mua cây, đóng cọc lại chỗ đất mới sạt lở hết 4 triệu đồng. Bà sống nhờ chăn nuôi gà, vịt và mùa lũ về thì đi thả lưới. Nhưng năm nay không lũ, nhà vẫn tiếp tục sạt lở nên cuộc sống của bà rất cơ cực.
Theo Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Đồng Tháp, năm 2014, tổng diện tích đất bị sạt lở trên 12 ha, thiệt hại hơn 30 tỷ đồng. Năm 2015, tỉnh có 35 xã, phường bị ảnh hưởng với chiều dài hơn 35 km dọc sông, diện tích đất bị mất hơn 4,5 ha và thiệt hại ước khoảng 31 tỷ đồng. Hiện có 2.141 hộ nằm trong vùng sạt lở và riêng 6 tháng đầu năm nay, trên địa bàn đã xảy ra 9 vụ sạt lở bờ sông làm mất hơn 3 ha đất, thiệt hại trên 10 tỷ đồng.
Báo cáo của Ủy ban Nhân dân tỉnh Đồng Tháp cho thấy đến cuối tháng 12/2015, tổng số hộ cư trú tại vùng ngập lụt mới phát sinh và vùng sạt lở nguy hiểm cần đưa vào đối tượng “Chương trình xây dựng cụm, tuyến dân cư và nhà ở vùng ngập lũ Đồng bằng sông Cửu Long” giai đoạn 2016-2020 là 6.120 hộ. Mặc dù không có lũ nhưng nhu cầu được vào sống trong các cụm tuyến dân cư vượt lũ vẫn tăng lên bởi người dân mất đất vì sạt lở.
Theo thống kê của các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, hiện nay ở 13 tỉnh, thành trong vùng có 126 tổ chức, doanh nghiệp được cấp phép khai thác cát trên sông Cửu Long. Nhiều chuyên gia môi trường cho rằng với tốc độ khai thác như hiện nay, toàn bộ trữ lượng cát trên sông Tiền, sông Hậu sẽ hết sau 30 năm nữa.
Nếu khai thác toàn bộ trữ lượng này mà không xem xét tác động đến môi trường thì hậu quả sẽ rất khó lường. Trong khi đó, theo đánh giá của Bộ Tài nguyên và Môi trường, nhu cầu sử dụng cát của các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long và Thành phố Hồ Chí Minh từ nay đến năm 2020 vẫn rất cao, cần khoảng 1 tỷ m3 mỗi năm.
Tiến sỹ Lê Anh Tuấn, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu biến đổi khí hậu (Đại học Cần Thơ) cho rằng tình hình sạt lở ở các tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long sẽ còn nghiêm trọng hơn khi không có nước lũ từ thượng nguồn. Lũ đóng vai trò quan trọng trong việc hình thành, tồn tại của Đồng bằng sông Cửu Long. Không có lũ, không có phù sa bồi đắp, đồng bằng sẽ bị sụt lún, sạt lở và tan rã dần. Hiện, các địa phương đang gánh hậu quả sạt lở.
Các nước ở thượng nguồn như Trung Quốc, Lào và Campuchia xây dựng các đập thủy điện tích trữ nước vào mùa lũ. Do đó, cát và phù sa chảy theo dòng nước về hạ nguồn giảm dần khiến các dòng sông sẽ tự bào mòn, xâm thực hai bên bờ để cân bằng dòng chảy nên gây ra sạt lở. Bên cạnh đó, tình trạng khai thác cát quá mức khiến thay đổi dòng chảy, dẫn đến sạt lở bờ sông, tiến sỹ Tuấn phân tích.